Tình yêu thương vô bờ bến của người mẹ
Từ lúc sinh ra, tôi chưa từng gặp cha mình, cũng không biết ông ấy trông như thế nào. Đó là nỗi tiếc nuối lớn nhất cuộc đời tôi khi chưa từng cảm nhận được tình cha con. Tôi cảm thấy thật đáng tiếc biết bao.
Tôi chưa từng gặp cha vì khi mẹ đang mang thai tôi, ông ấy đã gặp tai nạn qua đời. Sau khi cha mất, mẹ tôi vô cùng đau buồn. Bà không thể ngờ số phận mình lại như vậy. May mắn thay, ông bà nội rất tốt với mẹ, luôn coi bà như con gái ruột. Bất kể có chuyện gì, ông bà đều hết lòng giúp đỡ.
Vì ông bà nội đối xử tốt với mẹ nên bà quyết định không đi bước nữa dù ông bà nhiều lần giục bà đi tìm hạnh phúc mới, đừng lãng phí tuổi xuân. Nhưng mẹ tôi là người sống rất tình cảm, bà yêu cha tôi tha thiết và thề rằng cả đời này chỉ yêu mình ông ấy. Vì vậy, mẹ không thể nào đến với người đàn ông khác, cũng chẳng muốn mở lòng yêu thêm ai. Hơn nữa, mẹ muốn báo hiếu ông bà nội, nếu tái hôn, sẽ không ai chăm sóc cho họ, ông bà sẽ phải chịu cảnh neo đơn. Suy cho cùng, ông bà nội chỉ có cha tôi là con một. Nếu mẹ dẫn tôi đi, họ sẽ chẳng còn ai, cuộc sống sau này sẽ rất bi đát.
Những ngày tháng sau đó, để kiếm tiền nuôi gia đình, mẹ tôi phải làm việc vất vả ngày đêm. Còn ông bà nội thì quán xuyến nhà cửa, chăm sóc tôi chu đáo để mẹ yên tâm công việc. Thời gian đó, mẹ bận rộn với công việc, ít có thời gian ở bên cạnh tôi. Nhưng tôi luôn hiểu và thương mẹ, rất ngoan ngoãn, nghe lời. Mỗi khi mẹ tan làm về, tôi đều quan tâm, hỏi han ân cần. Tôi là chỗ dựa tinh thần cho mẹ. Chỉ cần nhìn thấy tôi, mẹ rất vui. Từ nhỏ đến lớn, mẹ luôn đối xử tốt với tôi, sẵn sàng hy sinh tất cả vì tôi. Tôi rất biết ơn mẹ và tự hứa sau này khi mẹ già, nhất định sẽ phụng dưỡng mẹ chu đáo.
Thời gian thấm thoắt trôi, tôi trưởng thành và gặp được người mình yêu. Sau một thời gian hẹn hò, chúng tôi quyết định tiến tới hôn nhân. Ngày tôi lên xe hoa, mẹ đã khóc rất nhiều. Bởi vì mẹ chỉ có mình tôi là con gái, vất vả lắm mới nuôi tôi khôn lớn, vậy mà giờ đây tôi lại đi lấy chồng. Thấy mẹ đau lòng, tôi hứa với bà rằng sau này sẽ thường xuyên về thăm, chắc chắn sẽ không bỏ bê mẹ. Nghe tôi nói vậy, mẹ cũng nguôi ngoai phần nào.
Những ngày sau đó, tôi thường xuyên về thăm mẹ và ông bà nội, lần nào cũng tay xách nách mang quà cáp. Dù mỗi lần về quê như vậy rất tốn kém, nhưng tôi không hề bận tâm. Bởi vì báo hiếu cho họ là bổn phận của tôi.
Rồi ông bà nội cũng lần lượt qua đời. Ông bà mất đi, mẹ tôi trở thành người già neo đơn. Nhưng mẹ chưa bao giờ yêu cầu tôi đón bà lên ở cùng, mà chọn cách sống một mình ở quê. Dù rất cô đơn, nhưng mẹ không muốn làm phiền đến cuộc sống của tôi. Thỉnh thoảng, mẹ còn gọi điện hỏi tôi có thiếu tiền không, nếu không có thì mẹ sẽ gửi cho tôi. Tôi rất cảm kích trước tình yêu thương vô bờ bến của mẹ. Tôi biết rằng trên thế giới này, chỉ có mẹ là yêu thương tôi vô điều kiện.
Để báo đáp mẹ, tôi nhiều lần đề nghị đón bà lên ở cùng, nhưng mẹ nhất quyết không chịu. Bởi vì mẹ biết sống chung với con cháu dễ xảy ra mâu thuẫn. Để tránh những chuyện đó, mẹ thà sống một mình còn hơn.
Mẹ không đồng ý chuyển lên ở cùng, tôi cũng đành tôn trọng quyết định của bà. Nhưng càng lớn tuổi, sức khỏe của mẹ càng yếu đi, thường xuyên đau ốm phải vào viện. Nhưng lúc đó, mẹ không hề báo cho tôi biết mà âm thầm chịu đựng một mình.
Mẹ già bị liệt trở nên khó tính
Cho đến khi mẹ ngã bệnh phải nhập viện, tôi mới biết bà ốm đã lâu. Hàng xóm là người đã báo tin cho tôi. Khi ấy, tôi trách mẹ giấu bệnh, nhưng mẹ chỉ nói: "Con cũng có gia đình, cuộc sống riêng, mẹ thật sự không muốn làm ảnh hưởng đến các con. Mẹ nghĩ có thể tự mình gánh vác thì sẽ tự mình làm chủ, không cần phải làm phiền đến các con".
Thấy mẹ luôn nghĩ cho chúng tôi như vậy, tôi rất đau lòng và áy náy. Sau lần đó, tôi quyết định đón mẹ lên ở cùng. Vì ở một mình rất nguy hiểm, nhỡ xảy ra chuyện gì thì sẽ không ai biết.
Thấy tôi kiên quyết muốn đón mẹ lên, mẹ đành phải đồng ý. Sau khi mẹ xuất viện, tôi liền đón bà về nhà.
Mẹ về ở cùng gia đình tôi rất hòa thuận. Bà còn thường xuyên giúp đỡ chúng tôi làm việc nhà. Chồng tôi thấy mẹ vất vả như vậy cũng rất cảm kích và hiếu thuận với mẹ.
Thời gian thấm thoắt trôi qua, khi 2 đứa con tôi 1 đứa vào cấp 3, 1 đứa vào cấp 2 thì mẹ tôi bị liệt, cuộc sống của tôi từ đó cũng hoàn toàn thay đổi.
Các con tôi học hành tối ngày, hết học ở trường lại đi học thêm vì đứa nào cũng ham học và có kỳ vọng cao. Con trai lớn muốn đỗ thủ khoa đại học, con gái nhỏ thì muốn vào trường chuyên cấp 3, thế nên chúng chẳng có thời gian cho bố mẹ và bà ngoại.
Vợ chồng tôi thì vẫn đi làm cả ngày, mẹ tôi ở nhà một mình, lúc tái phát bệnh cũ cũng không nói mà âm thầm chịu đựng. Ngờ đâu, khi đi đến cầu thang, mẹ tôi choáng váng nên ngã lăn từ trên xuống mà cả nhà không ai hay. Tới tận trưa, khi tôi ngồi ăn cơm tranh thủ kiểm tra camera mới phát hiện. Tôi hoảng sợ vô cùng, vội vã vừa gọi cấp cứu vừa lao về nhà. Bác sĩ nói bệnh tình của mẹ tôi rất nghiêm trọng, lại thêm tuổi cao sức yếu, rồi lại bị ngã cầu thang. Nếu không phẫu thuật kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
May mắn là ca phẫu thuật diễn ra thành công. Nhưng điều đáng tiếc là mẹ tôi bị liệt, từ đó về sau phải có người chăm sóc.
Lúc đó, tôi rất tự trách bản thân. Bởi vì tôi không ngờ mẹ ở cùng tôi mà vẫn xảy ra chuyện như vậy, là tôi không chăm sóc mẹ chu đáo. Nếu như tôi luôn để ý đến sức khỏe của mẹ thì có lẽ đã không xảy ra chuyện này.
Để chăm sóc mẹ, tôi xin nghỉ việc không lương 1 tháng. Ban đầu, tôi thấy việc chăm sóc mẹ cũng không có gì to tát. Nhưng thời gian lâu dần, tôi bắt đầu cảm thấy mệt mỏi. Bởi vì từ khi bị liệt, tính tình của mẹ thay đổi rất nhiều, trở nên cáu gắt, thường xuyên không chịu ăn cơm, hay kiếm chuyện, thậm chí còn mắng chửi tôi.
Tôi biết mẹ bị liệt, không đi lại được nên tâm lý bất ổn. Ban đầu, tôi rất thông cảm. Nhưng lâu dần, tôi cũng không thể chịu đựng nổi sự vô cớ gây sự của mẹ.
Tất cả đều xứng đáng
Chăm sóc mẹ đã đủ mệt mỏi rồi, ngày nào tôi cũng phải dìu mẹ dậy tập thể dục, thay tã cho mẹ, giặt giũ, nấu nướng. Vậy mà mẹ chẳng để tôi yên thân, suốt ngày đòi đi dạo. Mẹ biết rõ bản thân không đi lại được, chỉ có thể ngồi xe lăn, vậy mà vẫn muốn tôi đưa ra ngoài.
Mỗi lần đưa mẹ ra ngoài, tôi rất vất vả. Vì tôi phải cõng mẹ xuống cầu thang, sau đó đưa cả mẹ và xe lăn ra ngoài. Cõng mẹ lên xuống như thế rất tốn sức, tôi cũng không phải người cao to khỏe mạnh lắm nên lần nào cũng thở hồng hộc.
Có người hỏi tôi tại sao không nhờ chồng san sẻ việc chăm sóc mẹ? Tôi cũng muốn lắm chứ, nhưng mẹ tôi là phụ nữ, có những việc con rể làm không tiện. Huống chi chồng tôi cũng bận rộn công việc. Mỗi tối, anh vẫn qua phòng hỏi thăm bà, nhưng mẹ tôi bắt đầu có triệu chứng lẫn của người già, bà cứ hỏi anh là ai, sao trông anh lạ thế... khiến chồng tôi cũng chẳng thể nói chuyện lâu.
Sắp hết thời gian nghỉ, tôi và chồng bàn nhau việc chăm sóc mẹ. Tôi dự định thuê người về chăm sóc bà nhưng mẹ tôi khó tính, không cho người lạ đụng vào, với lại để người lạ trong nhà, tôi cũng không yên tâm.
Lại nghĩ tới mẹ đã hy sinh rất nhiều cho mình, tôi quyết định nghỉ hẳn việc, ở nhà chăm lo cho bà. Như vậy thì kinh tế gia đình sẽ đổ hết lên đầu chồng tôi. Anh cũng bất đắc dĩ phải đồng ý.
Nhưng chăm sóc mẹ được nửa năm nay mà tôi kiệt quệ cả về thể xác lẫn tinh thần. Đêm nào tôi cũng phải xoa bóp cho bà vì ê ẩm nên bà không ngủ được. Bà sẽ kêu ca. Mà chồng con tôi còn phải ngủ, tôi chỉ có thể xoa bóp để bà dễ dịu, không than vãn nữa cho yên ắng nhà cửa.
Ban ngày, tôi phải đưa bà đi dạo, đi chợ nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ chăn gối và quần áo của bà bằng tay, vì mùi người già đang bị bệnh, không thể giặt chung với quần áo đi làm của chồng tôi và đi học của bọn trẻ.
Có lần tôi bị ốm nặng, tôi còn không dám nằm viện điều trị vì ở nhà không ai chăm sóc mẹ, đành phải về nhà vừa dưỡng bệnh, vừa nấu cơm cho mẹ. Vất vả, mệt mỏi là vậy nhưng mỗi khi nhìn thấy người mẹ già gầy gò của mình nằm ngủ, tôi lại tự nhủ, tất cả đều xứng đáng, đó là mẹ tôi, người mẹ vĩ đại nhất trên đời, người hy sinh cả thanh xuân và hạnh phúc cho tôi, tôi báo đáp mẹ là điều một người con nên làm!
Hoặc