Nửa tháng sau sự cố sạt lở, Thủy điện Nậm Lúc chưa thể vận hành lại

30/09/2024 00:04

Hơn 2 tuần sau sự cố sạt lở khiến 5 người thiệt mạng, Nhà máy thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc (Lào Cai) vẫn chưa thể vận hành lại, ngân hàng cũng đã áp dụng thêm biện pháp hỗ trợ.

Nhà điều hành tại Nhà máy thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc (Lào Cai) bị đất đá vùi lấp. Ảnh: T.L.

Đã hơn 2 tuần kể từ khi Lào Cai xảy ra ngập lụt, sạt lở, lũ quét do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), nhưng những hậu quả để lại vẫn còn rất nặng nề khi hàng loạt cơ sở hạ tầng, công trình công cộng, kinh doanh sản xuất bị hỏng và chưa thể vận hành trở lại.

Theo UBND tỉnh Lào Cai thống kê, bão Yagi đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản cho tỉnh, ước tính ban đầu vào khoảng trên 6.600 tỷ đồng.

Thủy điện Nậm Lúc chưa thể vận hành lại

Trong đợt mưa lũ vừa qua, Nhà máy thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc là một trong những điểm bị sạt lở nghiêm trọng nhất tại tỉnh Lào Cai. Theo đó, ảnh hưởng từ mưa lũ, đất đá sạt lở đã san phẳng toàn bộ khu nhà điều hành, khiến 5 cán bộ nhân viên của công ty thiệt mạng.

Ông Nguyễn Tất Anh, Giám đốc điều hành tạm thời Nhà máy thủy điện Nậm Lúc cho biết ngoài mất mát về con người, ước tính thiệt hại về tài sản, cơ sở hạ tầng dự án lên tới hơn 100 tỷ đồng, chưa tính đến thời gian dừng vận hành để sửa chữa nhà máy và không có doanh thu.

Ông Tất Anh cho biết mưa lũ làm nước sông dâng cao khiến nhà máy này bị ngập trong nước, gây tê liệt hoàn toàn. Sau nửa tháng bão đi qua, nhà máy vẫn chưa có điện. Cán bộ công nhân viên phải sử dụng máy phát điện, bơm toàn bộ nước trong hầm thủy điện để khắc phục hậu quả.

Do các thiết bị của nhà máy vẫn còn đang ngập trong nước, bùn nên việc kiểm tra từng hạng mục và đánh giá thiệt hại để đưa phương án giải quyết hiện vẫn chưa có.

“Doanh nghiệp chúng tôi đang ở tình trạng rất sốc”, lãnh đạo Nhà máy thủy điện Nậm Lúc chia sẻ.

Nhà máy thủy điện Nậm Lúc là một trong những công trình thủy điện quan trọng tại tỉnh Lào Cai với công suất 28MW. Doanh thu hoạt động của nhà máy vào khoảng 100 tỷ đồng/năm.

Ngân hàng đưa thêm giải pháp hỗ trợ

Trong bối cảnh chưa thể vận hành trở lại dẫn tới không có doanh thu, đối tác tài chính của Nhà máy thủy điện Nậm Lúc là SHB đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp này khắc phục khó khăn.

bao Yagi anh 1

Nhà máy thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc vẫn chưa thể vận hành trở lại do toàn bộ máy móc vẫn bị ngập nước. Ảnh: T.L.

Lãnh đạo SHB Chi nhánh Lào Cai cho biết doanh nghiệp vận hành và quản lý nhà máy thủy điện này hiện có dư nợ gần 700 tỷ đồng tại ngân hàng. Để hỗ trợ nhà máy khắc phục khó khăn, phía ngân hàng đã đưa ra 3 gói hỗ trợ trước mắt gồm giảm 50% lãi vay từ nay đến hết năm 2024 với số lãi giảm dự kiến trên 10 tỷ đồng.

Đồng thời, ngân hàng vẫn tiếp tục cấp hạn mức tín dụng 50 tỷ đồng lãi suất 4,5%/năm để doanh nghiệp có nguồn vốn tái thiết hoạt động sản xuất kinh doanh. Biện pháp hỗ trợ thứ 3 là cơ cấu lại khoản vay cho khách hàng. Đây là giải pháp được thực hiện theo chính sách chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu thiệt hại do cơn bão số 3.

Ông Nguyễn Tất Anh cho biết với việc được ngân hàng hỗ trợ vay vốn mới, nhà máy dự kiến đến hết tháng 12 năm nay có thể khắc phục xong sự cố và hoạt động trở lại.

Để hỗ trợ khách hàng vay vốn khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão, thực hiện chỉ đạo của NHNN, nhiều ngân hàng thương mại hiện nay đã đưa ra các chương trình miễn, giảm lãi suất từ nay đến hết năm 2024. Đồng thời cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ và cung ứng các gói vay mới với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ khách hàng.

Theo thống kê của NHNN, đến ngày 25/9, ước tính dư nợ vay vốn bị ảnh hưởng của bão Yagi tại tất cả tỉnh, thành phố là 165.000 tỷ đồng với hơn 94.000 khách hàng chịu ảnh hưởng. Trong đó, Quảng Ninh là tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất với hơn 17.500 khách hàng bị ảnh hưởng, tổng dư nợ 46.425 tỷ đồng.

Sau các đợt khảo sát thực tế để nắm bắt tình hình của khách hàng vay vốn, NHNN đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các ngân hàng, mời UBND 26 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng do mưa bão cùng làm việc.

Tại hội nghị này, đã có 32 tổ chức tín dụng công bố các gói cho vay hỗ trợ lãi suất thấp hơn 0,5-2% lãi vay thông thường. Tạm tính, tổng trị giá các gói tín dụng ưu đãi này vào khoảng 405.000 tỷ đồng.

Cùng với đó, cơ quan quản lý tiền tệ đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát đánh giá thiệt hại, chủ động các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị tác động bởi cơn bão.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Bạn đang đọc bài viết "Nửa tháng sau sự cố sạt lở, Thủy điện Nậm Lúc chưa thể vận hành lại" tại chuyên mục Tài chính. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903 78 12 09, hoặc gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com.