Bộ Năng lượng Áo vừa cảnh báo rằng việc cắt đứt hoàn toàn nguồn cung khí đốt Nga có thể gây ra rủi ro cho quốc gia Trung Âu, vốn vẫn phụ thuộc nặng nề vào Moscow về loại nhiên liệu này.
Giá nhiên liệu ở châu Âu đã tăng vọt sau khi quân đội Ukraine tuần trước được cho là đã tiến vào trạm trung chuyển khí đốt Sudzha ở vùng Kursk của Nga, khiến các quan chức năng lượng và thương nhân phải đánh giá lại khả năng gián đoạn nguồn cung.
Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine chứng kiến bước ngoặt mới, Áo – một quốc gia thành viên EU – nhìn thấy một "rủi ro lớn" từ việc ngừng đột ngột dòng khí đốt Nga, vốn đang tiếp tục nuôi dưỡng các ngành công nghiệp nặng hướng đến xuất khẩu của quốc gia Trung Âu này.
"Miễn là vẫn còn phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga, thì vẫn còn nguy cơ lớn về sự cố nguồn cung tương ứng với hậu quả sâu rộng", Bộ Năng lượng Áo cho biết hôm 12/8 khi trả lời các câu hỏi của giới truyền thông. "Chúng tôi phải chấm dứt sự phụ thuộc của Áo vào nguồn cung khí đốt của Nga càng sớm càng tốt".
Liên minh cầm quyền ở Áo đã cam kết chấm dứt nhập khẩu khí đốt Nga vào năm 2027 như một phần của quá trình chuyển đổi rộng lớn hơn đối với hệ thống năng lượng của quốc gia vùng Alps này.
Chính phủ ở Vienna dự kiến sẽ trình bày lộ trình chi tiết trước khi cuộc tổng tuyển cử diễn ra ở Áo vào ngày 29/9.
Theo báo cáo của chính phủ Áo được công bố vào tháng 6, quốc gia thành viên EU này có thể thay thế khí đốt Nga bằng nguồn cung từ Italy và Đức, vốn đủ để đáp ứng 2 lần nhu cầu hàng năm của Áo.
Công suất trung chuyển sẽ tăng lên 212 terawatt-giờ (TWh) hàng năm vào năm 2027 từ khoảng 185 TWh trong năm nay. Trong khi đó, mức tiêu thụ nhiên liệu của Áo đã giảm khoảng 23% trong nửa đầu năm nay so với nhu cầu trung bình là 91 TWh trước khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022. Năm ngoái, quốc gia này chỉ sử dụng 75 TWh khí đốt.
Theo kịch bản xấu nhất do chính phủ Áo công bố, nếu dòng khí đốt Nga dừng đột ngột và Áo không thể nhận thêm nhiên liệu từ Italy, thì dự trữ khí đốt của Áo có thể giảm xuống chỉ còn 15% vào năm 2026.
Một kịch bản có khả năng xảy ra hơn là nguồn cung từ Nga sẽ dừng lại từ tháng 1/2025, trong khi nguồn cung qua Italy có thể đáp ứng nhu cầu tăng cao và kho dự trữ sẽ đạt 60% vào năm 2027.
Áo là một trong số ít các quốc gia châu Âu duy trì một trong những mối quan hệ lâu đời và sâu sắc nhất với năng lượng Nga.
Trong khi tổng lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga đã giảm, 98% lượng khí đốt nhập khẩu vào Áo vào tháng 12 năm ngoái đến từ Nga, chiếm tỉ trọng cao kỷ lục.
Năm 2018, Áo đã gia hạn hợp đồng cung cấp khí đốt với Nga đến năm 2040. Hiện tại, chính phủ Áo đang xem xét liệu có thể chấm dứt thỏa thuận với Gazprom trước thời hạn hay không.
Minh Đức (Theo Bloomberg, Kyiv Independent)
Hoặc