Ông Nguyễn Trọng Nghĩa: Đang hoàn thiện cơ chế để đảng viên làm kinh tế tư nhân

Admin

28/05/2025 20:13

Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, các cơ quan đang hoàn thiện cơ chế để đảng viên làm kinh tế tư nhân, từ đó thúc đẩy nỗ lực với khát vọng người người, nhà nhà làm giàu.

Nội dung trên được Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề cập khi kết luận cuộc làm việc với Tỉnh ủy An Giang và Tỉnh ủy Kiên Giang về việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 gắn với xây dựng, hoàn thiện văn kiện, công tác nhân sự, sáng 28/5.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa: Đang hoàn thiện cơ chế để đảng viên làm kinh tế tư nhân- Ảnh 1.

Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc.

Đề cập đến các nhiệm vụ trọng tâm 2 tỉnh cần thực hiện trong thời gian tới, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ tiếp tục làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền, vận động, định hướng tư tưởng, định hướng dư luận xã hội, bảo đảm sự đoàn kết, đồng thuận, thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp Nhân dân.

Nhắc lại chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm đây là cuộc cách mạng nên chấp nhận sự hy sinh lợi ích riêng vì lợi ích chung, vì đất nước, vì Nhân dân, ông Nguyễn Trọng Nghĩa lưu ý việc sắp xếp không để tạo ra sự mặc cảm, không để cán bộ rơi vào cảm giác "bị bỏ rơi". Cạnh đó, tiếp tục đánh giá, rà soát, bố trí làm sao cho phù hợp, phát huy tối đa năng lực, cống hiến, trình độ của cán bộ trong tổng thể bộ máy.

" Đồng thời có phương án mở rộng hơn nữa. Hiện nay đã có Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân, chúng ta đang hoàn thiện cơ chế, quy định để đảng viên làm kinh tế tư nhân. Anh em sau này khi kết thúc nhiệm vụ ở lĩnh vực công thì về địa phương, về gia đình chuyển qua lĩnh vực khác. Là đảng viên thì tiếp tục cống hiến lĩnh vực khác, đều có cơ chế, quy định rất thuận lợi…

Hoặc kết hợp lĩnh vực công và tư. Cán bộ có thể tận dụng kinh nghiệm từ khu vực công để cống hiến cho kinh tế - xã hội, kể cả trong nước và các đơn vị hợp tác quốc tế, thúc đẩy tinh thần nỗ lực phấn đấu với khát vọng người người, nhà nhà làm giàu để cho đất nước phồn vinh, hạnh phúc ", Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nói.

Quán triệt tuyệt đối chống tư tưởng cục bộ, địa phương, lợi ích nhóm và tiêu cực, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết tới đây sẽ tăng cường kiểm tra với định hướng "sai ở đâu sẽ xử lý ngay ở đó", không để vì hợp nhất mà xảy ra tiêu cực về cán bộ, về quản lý tài sản công.

Việc này, theo Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, đảm bảo cán bộ dù bị điều chuyển sang vị trí làm việc thấp hơn hoặc không còn làm việc trong khu vực công vẫn tin tưởng vào đường lối, tin tưởng vào cách làm công tâm, khách quan của hệ thống chính trị.

Một nhiệm vụ nữa được ông Nguyễn Trọng Nghĩa đưa ra là tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt và tuyên truyền sâu rộng những nội dung chủ yếu của Nghị quyết 66 (về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới), Nghị quyết 57 (về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia), Nghị quyết 59 (về Hội nhập quốc tế trong tình hình mới), Nghị quyết số 68 (về phát triển kinh tế tư nhân).

Đặc biệt coi trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong bối cảnh hiện nay, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch.

Nêu thực tế có một bộ phận cán bộ có suy nghĩ lệch lạc, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nêu rõ phải cảnh báo, nhắc nhở, chấn chỉnh, nếu sai phạm đến mức phải xử lý thì hết sức nghiêm minh để bảo đảm đường lối, chủ trương thực hiện nghiêm túc.

" Trước đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói 'không chịu làm thì đứng sang một bên'. Giờ Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp tục khẳng định vấn đề này.

Ngày hôm qua, họp Ban Bí thư, Tổng Bí thư khẳng định, nếu chúng ta không nhiệt huyết, không quyết tâm, không đổi mới, không chịu làm thì chúng ta đứng sang một bên để người khác làm. Đây là quan điểm nhất quán, không thể đảo ngược trong cuộc cách mạng này. Không chỉ là Đảng mong, dân chờ đợi, khát vọng của dân tộc mà bạn bè thế giới đang nhìn vào sự cải cách, đổi mới của chúng ta ", ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa đặc biệt lưu ý 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện việc xây dựng văn kiện, chuẩn bị đại hội cấp tỉnh, cấp xã và các cấp ủy trực thuộc ở những nơi sáp nhập, hợp nhất bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ. Văn kiện phải ngắn gọn, súc tích, tính hành động cao, có thể triển khai ngay.

Với văn kiện các xã hợp nhất, sáp nhập mới và với tỉnh An Giang mới, việc xây dựng văn kiện cần nghiên cứu, xác định đúng các đặc điểm, điều kiện địa lý, không gian, dư địa, nguồn lực mới; các đặc điểm về kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh mới, xã mới; các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh để đề ra các chỉ tiêu, mục tiêu hợp lý, khả thi, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, khâu đột phá phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định, phát triển, nâng cao đời sống Nhân dân.

" Rõ ràng khi hợp nhất lại tinh thần phải tốt hơn, Đảng phải mạnh hơn, hệ thống chính quyền phải mạnh hơn, kinh tế phát triển năng động hơn, đặc khu Phú Quốc phải là điển hình trong thúc đẩy phát triển… ", Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương quán triệt.

Bên cạnh đó là việc xây dựng Đề án thành lập đảng bộ mới, phương án nhân sự cấp tỉnh, cấp xã đúng nguyên tắc, yêu cầu.

Công tác cán bộ phải thực hiện theo nguyên tắc công khai, minh bạch, công tâm, khách quan; phải phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh các hành vi tiêu cực, gây mất đoàn kết, chạy chức, chạy quyền, cục bộ bè phái trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy. Sắp xếp, bố trí cán bộ phải gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng tốt yêu cầu phân cấp, phân quyền và mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cũng nhấn mạnh yêu cầu thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11: "Phải tính toán đồng bộ, liên thông giữa cả 4 giai đoạn: Bố trí cán bộ sau khi hợp nhất - Nhân sự đại hội đảng cấp tỉnh, cấp xã - Nhân sự Đại hội XIV - Nhân sự bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp".

Từ đó, bảo đảm hệ thống chính trị các cấp hành chính mới đi vào hoạt động ngay khi có hiệu lực pháp lý; không để xảy ra tình trạng gián đoạn, đứt gãy hay bỏ trống nhiệm vụ; không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

" Rà soát, đánh giá kỹ tác động và thực hiện hiệu quả, minh bạch chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng bởi sắp xếp, nhất là đối tượng người dân tộc thiểu số, người theo các tôn giáo ", ông Nguyễn Trọng Nghĩa nói.

Ngoài ra, 2 tỉnh cần rà soát, xây dựng phương án bố trí, sử dụng trụ sở các cơ quan các cấp đảm bảo bố trí đáp ứng trước mắt cho bộ máy theo mô hình mới, không để lãng phí tài sản. Tỉnh Kiên Giang cần có phương án bố trí để đảm bảo nơi làm việc cho cán bộ An Giang chuyển sang, đồng thời quan tâm phương án nhà công vụ cho cán bộ.