Chuyên gia giáo dục ủng hộ đề xuất cho giáo viên dạy thêm. Ảnh: Duy Hiệu. |
Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng khi bàn về chủ đề “nóng” này, cần quay trở lại bản chất vấn đề rằng liệu trong bối cảnh hiện nay, học sinh có cần học thêm không và giáo viên có nên dạy thêm.
Học sinh cần học thêm
“Quan điểm của tôi là học sinh cần học thêm. Dù chương trình giáo dục phổ thông mới đã hướng đến những năng lực, phẩm chất toàn diện của người học, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, khi tri thức nhân loại tăng lên theo cấp số nhân và với cách tiếp cận mỗi học sinh là một cá thể độc đáo, một chương trình học chung không thể đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa học tập của người học”, ông Nam nói.
Cũng theo ông Nam, một chương trình chung khó có thể giúp bồi dưỡng và phát triển tài năng từ sớm. Học sinh tài năng sẽ cần học thêm những chương trình tăng tốc hoặc nâng cao để phát triển tối ưu tiềm năng, thế mạnh của mình.
“Mỗi người có yêu cầu lộ trình học tập và rèn luyện các năng lực, phẩm chất nghề nghiệp khác nhau. Vì vậy, để phát triển tối đa tiềm năng của cá nhân, nhu cầu học thêm là có thực và hoàn toàn chính đáng”, ông nói.
PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Thanh Hùng. |
Ông Nam ủng hộ việc giáo viên được dạy thêm một cách phù hợp. “Dạy thêm ở đây được hiểu là giáo viên sử dụng những năng lực, kỹ năng chuyên môn sâu đã qua đào tạo để tạo ra giá trị mới và kiếm thêm thu nhập một cách chính đáng. Điều này tôi nghĩ còn tốt hơn việc cấm họ không được dạy thêm. Bởi thực tế, một phần không nhỏ giáo viên hiện nay vì mưu sinh nên sáng lên lớp, tối lên sóng livestream bán hàng online, hay tham gia môi giới bất động sản hoặc đầu tư chứng khoán, lướt sóng tiền ảo... Những điều này khiến họ thiếu đầu tư cho nghề, ‘nhạt’ nghề thậm chí dẫn đến bỏ nghề", ông nói.
Vì vậy, ông Nam ủng hộ tinh thần dự thảo thông tư về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm đang được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến, đặc biệt khi nhấn mạnh đến những nguyên tắc tự nguyện, minh bạch và công khai trong việc này. Vấn đề là làm thế nào để quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm một cách hiệu quả.
Theo ông Nam, dù ủng hộ quyền được học để phát triển năng lực theo nhu cầu người học trong bối cảnh học tập suốt đời và quyền được dạy thêm của giáo viên, cần bảo vệ được người học khỏi sự quá tải do kỳ vọng của xã hội.
“Phải đảm bảo được rằng người dạy không lơ là chương trình chính khóa để tập trung vào dạy thêm, đảm bảo học sinh có điều kiện kinh tế khó khăn vẫn nhận được hỗ trợ cần thiết trong khuôn khổ giờ học chính thức. Do đó, có lẽ thông tư cần đưa ra những giải pháp khả thi giải quyết những vấn đề này”, ông Nam nói.
Nên có hệ thống quản lý học thêm - dạy thêm
Chuyên gia giáo dục cho rằng sẽ rất khó nếu thông tư quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm không có những giải pháp đột phá, không đặt vào bối cảnh chuyển đổi số trong giáo dục đang diễn ra rất mạnh mẽ hiện nay để tận dụng sức mạnh của nó.
“Tôi cho rằng công nghệ có thể góp phần giải quyết được vấn đề này. Chúng ta cần nghĩ đến một cơ chế để quản lý việc học thêm và dạy thêm trên nền tảng trực tuyến thống nhất toàn quốc và theo từng địa phương", ông góp ý.
Theo ông, bất cứ một chương trình dạy thêm nào đều phải được đăng ký trên hệ thống này; trong đó nêu rõ đề cương chi tiết học phần, các chuẩn đầu ra để đảm bảo không trùng với chương trình chính khóa. Học phần dạy thêm sẽ có những hoạt động học trên hệ thống trực tuyến và có những phần học trực tiếp nhưng việc đánh giá phải được thực hiện trên hệ thống.
Những hệ thống như vậy có thể phân tích dữ liệu học tập của học sinh, đưa ra đề xuất phù hợp về thời gian, nội dung học thêm để không quá tải và theo thiên hướng nghề nghiệp và tiềm năng của từng cá nhân.
Hệ thống cũng có thể giúp đánh giá chất lượng dạy của giáo viên trong từng lĩnh vực cụ thể, cung cấp phản hồi để họ cải tiến chất lượng giảng dạy, chia sẻ với phụ huynh về sự tiến bộ của học sinh. Qua đó cũng có thể chia sẻ dữ liệu với cơ quan quản lý để đảm bảo tính minh bạch về nội dung, thời gian dạy thêm.
Chuyên gia gợi ý cần nghĩ đến việc ứng dụng blockchain để lưu trữ và xác minh chứng chỉ mà người học nhận được từ các khóa học thêm để đảm bảo tính minh bạch, chống gian lận, đồng thời giúp trung tâm tổ chức dạy thêm và cơ quan quản lý có thể dễ dàng kiểm tra.
Ngoài ra, để quản lý hiệu quả hơn, song song với việc đề xuất nhà giáo cần có chứng chỉ hành nghề, ông Nam cho rằng nên có thêm quy định chỉ những người có chứng chỉ hành nghề mới được đăng ký dạy thêm trên hệ thống.
“Điều này giúp khẳng định vị thế nhà giáo, đồng thời có sự phân biệt rõ giữa những khóa học được kiểm chứng chất lượng và những khóa học kỹ năng tự phát đang lan tràn khi chưa được kiểm định, trong đó không ít khóa học có dấu hiệu lừa đảo”, ông Nam nói.
Ông cho rằng, sẽ không thể có một thông tư khác hướng dẫn thực hiện thông tư dạy thêm, học thêm nên tất cả những cơ chế, quy trình triển khai, giám sát, vai trò các bên cần được tích hợp, đưa vào đầy đủ hơn trong dự thảo thông tư này.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.
Hoặc