Đáp "không nhé" khi brand khiếu nại đọc sai tên thương hiệu, yêu cầu chỉnh sửa
Vừa qua, cộng đồng mạng xôn xao với bức ảnh được cho là tin nhắn trao đổi công việc giữa nhãn hàng Táo đỏ Takla và phía trợ lý booking của Tun Phạm (Phạm Đức Huy, SN 1997).
Cụ thể, phía nhãn hàng phản hồi Tun Phạm đọc sai tên brand trong clip booking quảng cáo sản phẩm, nên mong muốn phía nam TikToker thực hiện lại clip và đọc đúng tên thương hiệu. Tuy nhiên, câu trả lời mà nhãn hàng nhận được từ phía trợ lý của Tun Phạm lại khiến nhiều người bất ngờ vì thẳng thừng từ chối: “Không nhé, đọc như nào phải note rõ ra team ngay từ đầu? Không phải đùng cái là đòi quay lại nhé”.
Ngoài ra, cũng trong đoạn tin nhắn, phía brand cho hay đã có gửi clip hướng dẫn đọc tên nhãn hàng và bày tỏ thái độ không hài lòng với cách làm việc, giao tiếp của trợ lý Tun Phạm.
Ngay sau khi bài đăng viral trên MXH, cộng đồng mạng để lại nhiều bình luận cho rằng phía trợ lý của Tun Phạm sai khi thể hiện thái độ không hợp tác trong khi đọc sai tên thương hiệu. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến cho rằng sự việc chưa rõ ràng, vì chỉ qua một vài đoạn chat ngắn, không thể đánh giá toàn bộ sự việc.
Tun Phạm xin lỗi, tung toàn bộ tin nhắn đối chất với nhân viên để thanh minh
Cho đến trưa ngày 19/11, Tun Phạm đã chính thức lên tiếng về ồn ào liên quan đến mình trên trang cá nhân.
Theo đó, nam TikToker thay mặt công ty quản lý và account quản lý booking của mình, gửi lời xin lỗi chân thành đến nhãn hàng. Cùng với đó, Tun Phạm đăng tải toàn bộ đoạn hội thoại với nhân viên của mình, làm rõ các vấn đề về thái độ, cách nói chuyện với nhãn hàng.
Tun Phạm cũng cho biết vì lịch trình dày đặc, không thể tham gia cuộc trao đổi giữa công ty quản lý và nhãn hàng nên tin tưởng hoàn toàn vào quản lý, lơ là trong quá trình cung cấp thông tin. Do đó, Tun Phạm quyết định ngừng hợp tác với bạn Account và quản lý booking vì đã có những thái độ không tôn trọng khách hàng đã dành sự tin tưởng cho mình.
Song, đáng chú ý, bài đăng xin lỗi của Tun Phạm lại gây ra nhiều tranh cãi. Bởi trong những đoạn tin nhắn “dạy dỗ” nhân viên của mình, phía công ty của Tun Phạm vẫn có động thái đổ lỗi cho nhãn hàng, trả treo trong cách giao tiếp. Ngoài ra, trợ lý của Tun Phạm cũng tố nhãn hàng nói chuyện với mình bằng những từ ngữ khiếm nhã, dẫn đến việc cả hai bên không có tiếng nói chung.
Điều này khiến netizen “quay xe” liên tục vì không biết ai đúng, ai sai trong drama này.
Đại diện nhãn hàng nói gì?
Liên hệ với nhãn hàng, chị Kim Hồng - Phó Giám đốc kinh doanh, đại diện nhãn hàng cho biết sự việc đã xảy ra từ giữa tháng 10 nhưng đến hiện tại 2 bên vẫn đang chưa thể giải quyết rõ ràng.
Theo chị Hồng, sau khi phía Tun Phạm gửi clip quay sản phẩm, phía brand đã có những phản hồi, nhận xét nhưng đều bị từ chối, không được đáp ứng. Bên cạnh đó, chị Hồng cho biết khi phía brand nói chuyện vẫn rất lịch sự, tôn trọng thì đại diện của Tun Phạm chủ động nói chuyện không chủ ngữ. Đỉnh điểm là khi Tun Phạm đọc sai tên nhãn hàng, yêu cầu quay lại thì bị trách ngược. Cũng từ đây, hai bên không có tiếng nói chung, xảy ra bất hoà trong hợp đồng làm việc.
Theo phía nhãn hàng, ngày 15/10, phía brand yêu cầu hoàn lại chi phí do không tiếp tục hợp tác vì xảy ra tranh chấp trong quá trình làm việc nhưng phía Tun Phạm im lặng.
Tiếp đó, luật sư từ phía nhãn hàng tiếp tục gửi các thông tin, giấy tờ liên quan đến vụ việc và trực tiếp gọi điện cho Tun Phạm nhưng đều không nhận được phản hồi, hoặc yêu cầu làm việc qua trợ lý.
Về bài đăng xin lỗi của Tun Phạm, nhãn hàng cho biết thông tin vẫn không hoàn toàn chính xác, khách quan về sự việc. Người đại diện cũng cho hay phía brand vẫn giữ nguyên quyết định, tiếp tục thực hiện quy trình khởi kiện phía Tun Phạm và ekip công ty.
Sự việc hiện vẫn đang nhận nhiều sự quan tâm, tranh cãi từ cộng đồng mạng.
Hoặc