Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà địa vi sinh vật học Yohey Suzuki từ Đại học Tokyo (Nhật Bản) đã tìm thấy một cộng đồng vi sinh vật không chỉ sống sót mà còn sinh sôi mạnh mẽ sau 2 tỉ năm bị cắt đứt khỏi tất cả những gì mà chúng ta cho là điều kiện cần thiết cho sự sống.
Phát hiện này đã phá vỡ kỷ lục về cộng đồng vi sinh vật sống sót sau thời gian dài bị cô lập. Kỷ lục trước đó là 100 triệu năm.
Đàn sinh vật bí hiểm, nhỏ bé này được tìm thấy bên trong mẫu đá được khoan từ độ sâu 15 m dưới lòng đất, thuộc một khối đá lớn mang tên Phức hợp Bushveld Igneous ở Đông Bắc Nam Phi.
Khối đá này là một khối xâm nhập rộng tới 66.000 km2 vào lớp vỏ Trái Đất, hình thành cách đây khoảng 2 tỉ năm từ magma nóng chảy nguội dần bên dưới bề mặt.
Trong một mẫu đá dài 30 cm giàu đất sét được trích xuất từ lõi đá này, họ đã tìm thấy những sinh vật nói trên.
TS Suzuki và các đồng nghiệp cho rằng quá trình hình thành và tiến hóa của đá theo thời gian có thể có lợi cho khả năng sinh sống của chúng.
Chính đất sét bị "đóng gói" trong đá cung cấp nguồn tài nguyên cho vi khuẩn sống, với các vật liệu hữu cơ và vô cơ mà chúng có thể chuyển hóa.
Tuy vậy, chính đất sét cũng là thứ bịt kín khiến nơi cư trú của đàn sinh vật bé nhỏ này trở nên "nội bất xuất, ngoại bất nhập" suốt 2 tỉ năm qua.
Cộng đồng vi khuẩn trong đá sẽ cần được phân tích chi tiết hơn, bao gồm phân tích DNA, để xác định xem chúng có tiến hóa hay không và nếu có thì tiến hóa như thế nào trong suốt 2 tỉ năm bị cô lập khỏi phần còn lại của sự sống trên Trái Đất.
Theo các tác giả, phát hiện thú vị ở Nam Phi đem đến cho các nhà sinh học thiên văn một niềm hy vọng mới.
Tại một số hành tinh được cho là từng có sự sống, rất có thể vẫn có những cộng đồng sinh vật nào đó còn sót lại trong đá, cũng bị cô lập theo cùng cách và nhờ đó không bị tuyệt chủng cùng với các sinh vật trên mặt đất.
Hành tinh gần nhất giống như vậy chính là Sao Hỏa, nơi NASA gần như tin chắc rằng từng là một thế giới có sự sống giống Trái Đất vào 3 tỉ năm trước.
Hoặc