Ngày 17/9 tại trụ sở Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã làm việc với Bộ Công Thương về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao 8 tháng năm 2024, những khó khăn vướng mắc và giải pháp thúc đẩy trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng kiến nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo một số vấn đề như định hướng quá trình xây dựng các cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, sớm xem xét, phê duyệt sau khi Bộ Công Thương hoàn thiện, trình Chính phủ.
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, ngành Công Thương đã phải đối mặt với hàng loạt các khó khăn thách thức như mở đầu là đại dịch Covid-19 bùng phát làm đứt gãy chuỗi nguồn cung hàng hóa; khủng hoảng kinh tế và các cuộc xung đột địa chính trị trên thế giới, ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu của cả nước.
“Dù vậy, Bộ Công Thương đạt được những kết quả đáng ghi nhận như trong báo cáo đã đưa ra, giữ được cân bằng và đóng góp một cách tích cực đối với sự tăng trưởng kinh tế của đất nước, đây có thể được xem là một kỳ tích ấn tượng của ngành”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, phía trước sẽ còn có rất nhiều khó khăn, phức tạp vì tình hình thế giới khó đoán định, hội nhập của chúng ta ngày càng sâu, nên việc nội lực hóa luật pháp quốc tế cũng là một thách thức, hàng loạt những cam kết mà Việt Nam phải thực hiện.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn ghi nhận và biểu dương những kết quả đóng góp của Lãnh đạo Bộ Công Thương từ đầu nhiệm kỳ đến nay và 8 tháng năm 2024.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực, đất nước còn nhiều khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp các ngành đã tích cực triển khai toàn diện các mặt công tác và đã đạt những kết quả quan trọng. Trong thành tựu chung đó có sự đóng góp của ngành Công Thương.
Nhắc lại phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đó là đất nước ta đang bước vào giai đoạn mới, thời kỳ mới, vươn lên thực hiện khát vọng tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Đây là mục tiêu và khát vọng đặt ra đối với các cấp, ngành.
Với tinh thần đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương trực tiếp chỉ đạo xây dựng hoàn thiện thể chế pháp luật, kể cả văn bản pháp luật, như sửa đổi Luật Điện lực, Luật Hóa chất và một loạt Nghị định sửa đổi.
“Phải tiếp tục cùng Chính phủ, Đảng, Nhà nước thúc đẩy phục hồi quá trình phát triển đất nước. Dù khó khăn đến mấy, ngành Công Thương phải là ngành chủ lực”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bộ Công Thương cần tận dụng, khai thác tốt các FTA đã ký, đồng thời tiếp tục đàm phán, ký kết các FTA mới trong đó đàm phán FTA với khu vực vùng vịnh.
Trong lĩnh vực thương mại, Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Công Thương trong thời gian qua, kể cả trong điều kiện bão lụt, đã bảo đảm hàng hóa thông suốt thị trường, tăng thương mại trong nước, nhất là cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Về công tác chuyển đổi số, kinh tế số, ngoài đề xuất của Bộ Công Thương, đề nghị Bộ Công Thương làm việc với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) để triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 6).
Đối với các kiến nghị của Bộ Công Thương cũng như kiến nghị của đại diện doanh nghiệp, Phó Thủ tướng cho biết, sẽ yêu cầu Văn phòng Chính phủ tập hợp và giải quyết trong thời gian sớm nhất, tạo đông lực cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng như đảm bảo cac tiêu phát triển kinh tế.
Thanh Loan
Hoặc