Quy định về giao thông trên đường cao tốc từ 1/1/2025, ai cũng nên biết

27/09/2024 08:30

Nhiều người thắc mắc, theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, giao thông trên đường cao tốc được quy định như thế nào?

Điều 25 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 (có hiệu lực từ 1/1/2025) quy định về giao thông trên đường cao tốc như sau:

1. Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc phải tuân thủ quy tắc giao thông đường bộ sau đây:

a) Trước khi nhập vào làn đường của đường cao tốc phải có tín hiệu xin vào và phải nhường đường cho xe đang chạy trên đường, quan sát xe phía sau bảo đảm khoảng cách an toàn mới cho xe nhập vào làn đường sát bên phải, nếu có làn đường tăng tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi nhập vào làn đường của đường cao tốc;

b) Khi chuẩn bị ra khỏi đường cao tốc phải quan sát biển báo hiệu chỉ dẫn, thực hiện chuyển dần sang làn đường sát bên phải, nếu có làn đường giảm tốc thì phải cho xe di chuyển trên làn đường đó trước khi ra khỏi đường cao tốc;

c) Không được cho xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp và phần lề đường;

d) Các quy tắc giao thông đường bộ khác quy định tại Chương này.

Quy định về giao thông trên đường cao tốc từ 1/1/2025, ai cũng nên biết- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

2. Chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định; trường hợp gặp sự cố kỹ thuật hoặc bất khả kháng khác buộc phải dừng xe, đỗ xe thì được dừng xe, đỗ xe ở làn dừng khẩn cấp cùng chiều xe chạy và phải có báo hiệu bằng đèn khẩn cấp; trường hợp xe không thể di chuyển được vào làn dừng khẩn cấp, phải có báo hiệu bằng đèn khẩn cấp và đặt biển hoặc đèn cảnh báo về phía sau xe khoảng cách tối thiểu 150 mét, nhanh chóng báo cho cơ quan Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên tuyến hoặc cơ quan quản lý đường cao tốc.

3. Xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn tốc độ tối thiểu quy định đối với đường cao tốc, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ, người đi bộ không được đi trên đường cao tốc, trừ người, phương tiện giao thông đường bộ và thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.

Như vậy, theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, giao thông trên đường cao tốc được quy định như trên.

Từ 1/1/2025 Giấy phép lái xe có 15 hạng

Từ ngày 1/1/2025, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ bắt đầu có hiệu lực với nhiều điểm mới về phân hạng giấy phép lái xe.

Cụ thể, theo Điều 57 của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, sẽ có 15 hạng giấy phép lái xe gồm: A, A1, B, B1, C, C1, D, D1, D2, BE, C1E, CE, DE, D1E và D2E.

Trong khi đó, theo quy định đang có hiệu lực tại Luật Giao thông đường bộ 2008, giấy phép lái xe bao gồm 13 hạng: A1, A2, A3, A4, B1, B2, C, D, E, FB2, FD, FE, FC. Như vậy, số hạng giấy phép lái xe tăng 2 hạng so với luật hiện hành.

Các hạng giấy phép lái xe mô tô

Hạng A1 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh đến 125cm3 hoặc có công suất động cơ điện đến 11kW.

Hạng A cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh trên 125cm3 hoặc có công suất động cơ điện trên 11kW và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1.

Hạng B1 cấp cho người lái xe mô tô ba bánh và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1.

Người khuyết tật điều khiển xe mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật được cấp giấy phép lái xe hạng A1.

Các hạng giấy phép lái xe ô tô

Hạng B cấp cho người lái xe ô tô chở người đến 8 chỗ (không kể chỗ lái xe); xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 3.500kg; các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng B có kéo rơ-moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750kg.

Giấy phép lái xe hạng C trước đây dành cho lái xe tải từ 3.500kg trở lên được tách thành C1 (dành cho lái xe 3.500kg -7.500kg) và C (trên 7.500kg).

Cụ thể, hạng C1 cấp cho người lái xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 3.500kg đến 7.500kg; các loại xe ô tô tải quy định cho giấy phép lái xe hạng C1 có kéo rơ-moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B.

Hạng C cấp cho người lái xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 7.500kg; các loại xe ô tô tải quy định cho giấy phép lái xe hạng C kéo rơ-moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B và hạng C1.

Hạng D1 cấp cho người lái xe ô tô chở người trên 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) đến 16 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), các loại xe ô tô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D1 kéo rơ-moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1, C.

Hạng D2 cấp cho người lái xe ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 16 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) đến 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), các loại xe ô tô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D2 kéo rơ-moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1, C, D1.

Hạng D cấp cho người lái xe ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe); xe ô tô chở người giường nằm; các loại xe ô tô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D kéo rơ-moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1, C, D1, D2.

Hạng BE cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng B kéo rơ-moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750kg.

Hạng C1E cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng C1 kéo rơ-moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750kg.

Hạng CE cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng C kéo rơ-moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750kg; xe ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ-moóc.

Hạng D1E cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng D1 kéo rơ-moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750kg.

Hạng D2E cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng D2 kéo rơ-moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750kg.

Hạng DE cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng D kéo rơ-moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750kg; xe ô tô chở khách nối toa.

Người khuyết tật điều khiển xe ô tô được cấp giấy phép lái xe hạng B để lái xe ô tô số tự động có cơ cấu phù hợp với tình trạng khuyết tật.

Người điều khiển xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ phải có giấy phép lái xe ô tô; hạng giấy phép lái xe được tính theo quy định đối với xe ô tô tải và ô tô chở người.

Ngoài ra, tại khoản 5 Điều 57 của Luật này cũng quy định thời hạn của giấy phép lái xe. Giấy phép lái xe các hạng A1, A, B1 không thời hạn, hạng B và hạng C1 có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp; các hạng C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp.

Minh Hoa (t/h)