![]() |
Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chia sẻ tại buổi họp báo. Ảnh: VGP. |
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết việc triển khai Nghị định 117/2025 về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử đang được thực hiện đồng bộ tại cả cơ quan Nhà nước và phía các sàn thương mại điện tử.
Chia sẻ tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6 diễn ra chiều tối 3/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã có thông tin liên quan việc triển khai quy định chuyển trách nhiệm kê khai và nộp thuế từ hàng triệu cá nhân kinh doanh sang các tổ chức quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử và các tổ chức cung cấp nền tảng số có chức năng hỗ trợ thanh toán theo quy định tại Nghị định số 117/2025.
Theo đó, Thứ trưởng Tân cho biết nghị định này có hiệu lực từ 1/7, đánh dấu một bước tiến trong công tác quản lý thuế trên nền tảng thương mại điện tử. Trong đó, trách nhiệm kê khai, khấu trừ và nộp thuế (GTGT, TNCN) sẽ do các tổ chức quản lý sàn thương mại điện tử có chức năng thanh toán thực hiện thay cho hộ, cá nhân kinh doanh.
Với trách nhiêm quản lý Nhà nước, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với Bộ Tài chính, cơ quan thuế, để chuẩn hóa, chia sẻ dữ liệu sàn và ứng dụng thương mại điện tử bao gồm mã số thuế, định danh cá nhân, tình trạng hoạt động.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho biết đã đề xuất xây dựng dự án Luật Thương mại điện tử, dự kiến trình Quốc hội tháng 10 để hoàn thiện khung pháp lý, bổ sung quy định về định danh điện tử và trách nhiệm sàn đối với các mô hình thương mại điện tử mới như livestream bán hàng.
Từ phía các sàn thương mại điện tử, Thứ trưởng Công Thương cho biết các doanh nghiệp chủ sàn đã phối hợp từ sớm với cơ quan thuế trong giai đoạn xây dựng nghị định để tránh tình trạng "thuế chồng thuế" và đề xuất hoàn thiện chính sách (như hoàn thuế cho đơn bị hủy, cân bằng chính sách giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài).
Bên cạnh đó, các sàn đã chuẩn bị đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp hệ thống dữ liệu, phần mềm quản lý và công cụ thu - báo cáo thuế, đảm bảo tính chính xác và minh bạch khi khấu trừ, kê khai và nộp thuế thay cho người bán hàng từ 1/7.
Các sàn cũng tích cực triển khai các hoạt động hướng dẫn, hội thảo, nội dung số nhằm giúp người ban hàng hiểu rõ chính sách thuế, cập nhật thông tin định danh từ sớm và thực hiện đúng nghĩa vụ kê khai và nộp thuế.
Trong thời gian tới, để triển khai Nghị định 117/2025, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, đặc biệt là các cơ quan thuế tiếp tục tổ chức tập huấn với các sàn, người bán thực hiện tốt các nghĩa vụ, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết các sàn thương mại cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống công nghệ phục vụ khấu trừ và nộp thuế thay; tự động hóa quy trình trích thuế GTGT, TNCN; chuẩn hóa dữ liệu định danh người bán; rà soát dữ liệu người bán chưa đăng ký kinh doanh, chưa kê khai thuế; tiếp tục hỗ trợ người bán hàng.
Với các nhà bán hàng, Thứ trưởng đề nghị chủ động cập nhật thông tin định danh và mã số thuế cá nhân; theo dõi thông tin hướng dẫn từ nền tảng, cơ quan thuế để tuân thủ nghĩa vụ mới; điều chỉnh hoạt động kinh doanh phù hợp với chính sách thuế như xuất hóa đơn, theo dõi khấu trừ…
“Hiện việc triển khai nghị định đang diễn ra nghiêm túc và đồng bộ, Bộ Công Thương và cơ quan thuế sẽ tiếp tục chuẩn hóa dữ liệu, xây dựng cơ chế phối hợp, các sàn thương mại điện tử đã tích cực chuẩn bị hệ thống, hướng dẫn và hỗ trợ người bán nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả nghĩa vụ khấu trừ và nộp thuế thay”, Thứ trưởng khẳng định.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.
Hoặc