Bữa sáng là bữa ăn rất quan trọng. Sau một đêm ngủ dài, cơ thể thiếu năng lượng và các cơ quan - nhất là hệ tiêu hóa giống như “khởi động lại”. Tuy nhiên, nhiều người chỉ biết bỏ bữa sáng gây hại mà không hay chọn sai thực phẩm cho bữa sáng cũng “bòn rút” sức khỏe không kém. Ví dụ như đối với bánh mì, mặc dù được yêu thích vì nhanh gọn, đa dạng mà vẫn no bụng, ngon miệng nhưng không phải loại nào cũng nên dùng để ăn sáng.
Thạc sĩ về sức khỏe bà mẹ và trẻ em Ou Xi (Quảng Châu, Trung Quốc) đưa ra khuyến cáo về 4 loại bánh mì không nên ăn vào bữa sáng nhất là với trẻ em và người có bệnh nền:
1. Bánh mì quá ngọt
Bánh mì ngọt, đặc biệt là những loại có chứa nhiều đường, bơ và các chất tạo ngọt nhân tạo, có thể gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe. Một nghiên cứu công bố trên The Lancet Diabetes & Endocrinology chỉ ra rằng việc tiêu thụ quá nhiều đường bổ sung có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 và bệnh tim mạch.

Ảnh minh họa
Đặc biệt, Thạc sĩ Ou Xi nhắc nhở khi ăn kết hợp bánh mì ngọt với thực phẩm tinh bột, đường trong máu có thể tăng nhanh, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ chuyển hóa, dẫn đến các bệnh lý như tiểu đường loại 2. Trong khi buổi sáng đường huyết dễ dao động. Nó cũng dễ khiến bạn cảm thấy uể oải cả ngày.
2. Bánh mì trắng tinh chế
Bánh mì trắng tinh chế được làm từ bột mì đã qua chế biến và loại bỏ phần lớn chất xơ và các dưỡng chất quan trọng, có thể gây hại cho sức khỏe khi tiêu thụ quá nhiều. Khi ăn loại bánh mì này vào buổi sáng, bạn có thể cảm thấy no nhưng lại không cung cấp đủ năng lượng bền vững trong suốt cả ngày, do thiếu chất xơ và dưỡng chất thiết yếu.
Các nghiên cứu chỉ ra việc tiêu thụ thực phẩm làm từ bột mì tinh chế làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường và các bệnh lý chuyển hóa khác. Thạc sĩ Ou Xi khuyến nghị thay thế bánh mì trắng bằng các loại bánh mì nguyên cám có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh này, vì bánh mì nguyên cám cung cấp nhiều chất xơ và dưỡng chất quan trọng cho cơ thể.
3. Bánh mì nhân thịt chế biến sẵn
Bánh mì nhân thịt chế biến sẵn thường chứa nhiều chất béo bão hòa và muối - hai yếu tố làm tăng nguy cơ tăng cholesterol máu và bệnh tim mạch nếu ăn thường xuyên. Không chỉ vậy, những loại bánh mì này còn chứa thịt chế biến - nhóm thực phẩm được Tổ chức Y tế Thế giới xếp vào nhóm có thể gây ung thư nếu tiêu thụ lâu dài. Ăn vào buổi sáng dễ gây đầy bụng, khó tiêu vì hàm lượng chất béo và phụ gia cao, đặc biệt khi bụng còn đang trống rỗng.

Ảnh minh họa
Một nghiên cứu được công bố trên The British Medical Journal chỉ ra rằng, việc tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn, đặc biệt là những thực phẩm giàu chất béo bão hòa và muối, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ. Thạc sĩ Ou Xi khuyên nếu muốn ăn bánh mì với thịt, hãy dùng thịt tươi và tự chế biến tại nhà.
4. Bánh mì để lâu, khô cứng
Nhiều người có thói quen mua nhiều bánh mì để ăn dần mỗi buổi sáng hoặc bóc bánh mì nhưng không ăn hết nên để qua đêm, hôm sau ăn sáng tiếp. Tuy nhiên, bánh mì để lâu, đặc biệt là các loại bánh mì đã bị khô cứng, bảo quản không đúng cách có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Thạc sĩ Ou Xi cho biết, những loại bánh mì này không chỉ giảm độ ngon, dinh dưỡng mà còn có thể bị vi khuẩn xâm nhập, biến chất hoặc hết hạn mà không hay.

Ảnh minh họa
Nghiên cứu của Harvard T.H. Chan School of Public Health (Mỹ) chỉ ra rằng việc tiêu thụ thực phẩm đã qua chế biến lâu hoặc để quá lâu có thể dẫn đến việc tích tụ các chất béo trans và các hợp chất gây viêm trong cơ thể, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Ngoài ra, vi khuẩn và các chất độc hại từ bánh mì bảo quản lâu có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, làm giảm sức đề kháng và gây rối loạn hệ vi sinh vật trong ruột.
Nguồn và ảnh: QQ, Family Doctor
Hoặc