![]() |
CEO Jensen Huang. Ảnh: Reuters. |
Năm 2017, khi cơn sốt Bitcoin càn quét toàn cầu, NVIDIA, "gã khổng lồ" công nghệ, bất ngờ trở thành tâm điểm của sự chú ý. Công nghệ GPU (bộ xử lý đồ họa) tiên tiến của họ, vốn được thiết kế cho mục đích khác, vô tình trở thành công cụ đắc lực cho các "thợ đào coin". Điều này đẩy NVIDIA vào một tình thế khó, giá cổ phiếu của họ biến động mạnh theo giá Bitcoin. Nội bộ tập đoàn đã cảm nhận được rõ rệt sự rủi ro từ hệ quả này.
Phi vụ bất đắc dĩ của NVIDIA
Sau khi CUDA - động cơ tính toán có sức mạnh vượt trội cho GPU - được NVIDIA ra mắt, các "thợ đào coin" đã lao vào cuộc chạy đua công nghệ. Với một giàn GPU được tối ưu hóa bởi CUDA, họ có thể giải mã các thuật toán phức tạp của Bitcoin trong thời gian ngắn, mở ra cơ hội kiếm lợi nhuận khổng lồ khi giá Bitcoin tăng vọt.
Cho đến thời điểm cơn sốt đào tiền điện tử đạt đỉnh điểm vào giữa năm 2017, giá Bitcoin lên mức kỷ lục, 1 đồng tương đương khoảng 4.000 USD. Do đó, nhu cầu mua bộ xử lý đồ họa GeForce tăng đột biến, nhiều nhà bán lẻ không kịp cung ứng. Các "siêu thợ đào" xuất hiện, tận dụng lợi thế của GPU Geforce và CUDA để khai thác Bitcoin với quy mô lớn, thậm chí họ biến nhà riêng thành các "trung tâm dữ liệu mini".
![]() |
Cuốn sách NVIDIA - Cỗ máy tư duy vĩ đại. Ảnh: Fahasa. |
Theo nhà báo Stephen Witt trong cuốn NVIDIA - Cỗ máy tư duy vĩ đại, phản ứng dây chuyền này khiến giá cổ phiếu NVIDIA dao động theo giá của Bitcoin. "Nhiều người trong nội bộ NVIDIA cảm thấy khó chịu về điều này. Hơn hết, họ lo ngại về tác động của biến đổi khí hậu, coi việc sử dụng card đồ họa cho mục đích này là một kiểu lạm dụng", tác giả Stephen Witt viết.
Ông Jensen Huang - CEO của NVIDIA - nhận thức rõ những rủi ro này. Ông không công khai phản đối việc sử dụng GPU cho việc đào tiền điện tử, nhưng ông cũng không ủng hộ hoạt động này. Người đứng đầu NVIDIA luôn giữ thái độ im lặng trước các yêu cầu đưa ra lập trường chính thức về tiền điện tử. Thay vào đó, ở những buổi nói chuyện trước công chúng, ông Huang đều tập trung vào các lĩnh vực chiến lược như xe tự lái và trí tuệ nhân tạo.
Tuy nhiên, bitcoin chính là sự kiện "tai bay vạ gió" của NVIDIA. Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đã phạt NVIDIA vì không tiết lộ đầy đủ thông tin về doanh thu từ việc bán GPU cho các "thợ đào coin". Mặc dù số tiền phạt không lớn, vụ việc này gây ra không ít phiền toái cho gã khổng lồ ngành đồ họa.
Nhiều kỹ sư của NVIDIA xem tiền điện tử là một sự xao nhãng, làm phân tán nguồn lực của công ty khỏi các dự án nghiên cứu và phát triển quan trọng. Để giải quyết vấn đề, NVIDIA đã phát hành CMP, một dòng card đồ họa chuyên dụng cho việc đào tiền điện tử.
Khi bong bóng Bitcoin vỡ vào năm 2018, nhu cầu đào tiền điện tử giảm mạnh. NVIDIA đã có thể rút lui khỏi lĩnh vực kinh doanh này, tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi của mình.
Kỳ tăng trưởng kỷ lục của cổ phiếu NVIDIA
Trái với cơn sốt Bitcoin, sự bùng nổ của AI lại nằm trong tính toán của NVIDIA. Nhờ đó giá cổ phiếu của gã khổng lồ này có một kỳ tăng trưởng kỷ lục vào năm qua. Ngày 21/2/2024 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử thị trường chứng khoán, khi cổ phiếu NVIDIA chính thức tạo nên cơn địa chấn.
Trước thềm công bố báo cáo lợi nhuận, sự kỳ vọng dành cho NVIDIA đã đạt đến mức cao chưa từng có. Các kênh truyền thông tài chính lớn như CNBC liên tục phát sóng đồng hồ đếm ngược, trong khi mạng xã hội "FinTwit" tràn ngập những hình ảnh chế về CEO Jensen Huang, ví ông như một vị tướng thống lĩnh thị trường. Goldman Sachs, một trong những tổ chức tài chính uy tín nhất thế giới, thậm chí còn gọi NVIDIA là "cổ phiếu quan trọng nhất thế giới".
"Báo cáo tài chính của NVIDIA đã vượt xa mọi dự đoán. Doanh thu năm 2024 tăng gấp đôi, đạt 60 tỷ USD. Tỷ suất lợi nhuận gộp đạt mức ấn tượng 70%, vượt xa các "ông lớn" công nghệ khác. Lợi nhuận ròng đạt gần 30 tỷ USD, con số này vượt qua tổng lợi nhuận của công ty trong 30 năm trước đó cộng lại. Với đội ngũ 30.000 nhân viên, mỗi người đã tạo ra 1 triệu USD lợi nhuận", trích từ cuốn sách NVIDIA - Cỗ máy tư duy vĩ đại.
![]() |
Ảnh minh họa cổ phiếu NVIDIA. Ảnh: Moneycheck. |
CEO Jensen Huang đã ví von các siêu máy tính AI của NVIDIA như những "nhà máy sản xuất AI" của cuộc cách mạng công nghiệp hiện tại. Ông cũng dự báo về một "chu kỳ hạ tầng trị giá nghìn tỷ USD" tập trung vào việc xây dựng các trung tâm dữ liệu AI.
Phản ứng của thị trường chứng khoán trước thông tin này rất mạnh mẽ. Trong phiên giao dịch ngày 22/02/2024, giá trị vốn hóa của NVIDIA tăng thêm 277 tỷ USD, tương đương với toàn bộ giá trị của tập đoàn Coca-Cola. Khối lượng giao dịch cổ phiếu NVIDIA đạt mức kỷ lục 65 tỷ USD, chiếm gần 1/5 tổng khối lượng giao dịch của toàn thị trường chứng khoán Mỹ.
Sự trỗi dậy của NVIDIA đã góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán Mỹ, vượt trội so với các thị trường ở châu Âu và châu Á. Với giá trị vốn hóa thị trường đạt 3.000 tỷ USD, NVIDIA trở thành một trong ba công ty giá trị nhất thế giới, bên cạnh Microsoft và Apple.
Dù vậy, sự tăng trưởng này cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho NVIDIA và CEO Jensen Huang. Công ty phải liên tục đổi mới và cung cấp sản phẩm với tốc độ vượt trội, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. Sự tập trung quyền lực vào một người lãnh đạo duy nhất cũng đặt ra những rủi ro về tính bền vững trong dài hạn.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.
Hoặc