Giải quyết các vấn đề liên quan việc làm bền vững
Sáng 9/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).
Trình bày tờ trình về dự án Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết sự cần thiết ban hành dự án luật nhằm thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, thị trường lao động, cải cách chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã được quy định tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết 28 ngày 23/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương khoá XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội;
Nghị quyết số 42 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới và các Nghị quyết, Chỉ thị liên quan.
Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, nhất là đối với các Luật mới được sửa đổi, bổ sung (Bộ luật Lao động 2019, Luật Cư trú 2020, Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 …);
Phù hợp các tiêu chuẩn, thông lệ và cam kết trong lĩnh vực việc làm mà Việt Nam tham gia như Công ước của Liên Hợp Quốc về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ; Công ước về quyền trẻ em, Công ước về người khuyết tật, các Công ước của Tổ chức lao động quốc tế và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Khắc phục những tồn tại, hạn chế về quy định của Luật Việc làm về hỗ trợ tạo việc làm, thông tin thị trường lao động, dịch vụ việc làm, phát triển kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề, bảo hiểm thất nghiệp, đăng ký lao động.
Cùng với đó, đáp ứng yêu cầu về nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực việc làm, kịp thời ứng phó, thích ứng trong bối cảnh già hóa dân số, cách mạng công nghiệp 4.0, giải quyết các vấn đề liên quan việc làm bền vững, quản lý nguồn lao động.
Đối tượng áp dụng của Luật Việc làm (sửa đổi) gồm: Người lao động, người sử dụng lao động và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc làm. Đối tượng áp dụng này được giữ nguyên như Luật Việc làm 2013. Dự thảo Luật được tiếp thu, rà soát, sửa đổi và kết cấu lại gồm 9 chương và 94 điều.
So với Luật Việc làm năm 2013, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn như:
Nhóm chính sách 1: Quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập, tập trung;
Nhóm chính sách 2: Hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động
Nhóm chính sách 3: Phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Nhóm chính sách 4: Thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.
Với nhóm chính sách hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Theo đó, bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm: Người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên (hiện nay từ 03 tháng trở lên);
Người làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất, đảm bảo thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp, sửa đổi mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng: Người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; Người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách Trung ương bảo đảm...
Dự thảo luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, (tháng 10/2024) và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 6/2025).
Tiếp tục bổ sung đánh giá tác động
Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết, mục tiêu và các quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật Việc làm (sửa đổi) đã nêu tại tờ trình.
Về bảo hiểm thất nghiệp, Ủy ban Xã hội nhận thấy, việc mở rộng đối tượng như dự thảo Luật không phải là giải pháp duy nhất để đạt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 45% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp như xác định tại Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, mà cần nhiều giải pháp đồng bộ như các giải pháp về truyền thông, thanh tra, kiểm tra...
Bên cạnh đó, một số quy định liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp cần được cân nhắc, tính toán, làm rõ thêm như quy định về mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1% tiền lương tháng tại Điều 58 và quy định người lao động bị sa thải hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc không được hưởng trợ cấp thất nghiệp tại điểm b khoản 1 Điều 64.
Do vậy, Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục bổ sung đánh giá tác động của các quy định mới và có các giải pháp bảo đảm tính khả thi, khắc phục các hạn chế hiện nay trong tổ chức thực hiện.
Hoặc