Con tàu vũ trụ không người lái bay với tốc độ 692.000 km/h, đủ nhanh để bay từ Washington DC đến Tokyo trong chưa đầy 1 phút, theo NASA. Chuyến bay tốc độ cao này sẽ khiến Parker Solar trở thành vật thể nhân tạo nhanh nhất trong lịch sử, cơ quan này chia sẻ vào ngày 16/12 trong một buổi trình bày "NASA Science Live" trên YouTube. Lý do mà tàu bay nhanh đến vậy là nhờ lực hút khổng lồ từ "ngôi sao nhà" của chúng ta.
Sứ mệnh này đã đặt mục tiêu đạt đến cột mốc lịch sử trên kể từ khi được phóng ngày 12/8/2018. Sự kiện hôm đó còn có sự tham dự của Tiến sĩ Eugene Parker, nhà vật lý thiên văn và là người đặt nền móng cho lĩnh vực nghiên cứu về vật lý Mặt trời, đồng thời là người mà tàu thăm dò được đặt tên theo.
TS. Parker là người đầu tiên còn sống được đặt tên cho một tàu vũ trụ. Nhà vật lý thiên văn có nghiên cứu cách mạng hóa hiểu biết của nhân loại về Mặt trời và không gian liên hành tinh. Ông qua đời ở tuổi 94 vào tháng 3/2022, tuy nhiên, ông vẫn kịp chứng kiến cách con tàu giúp giải mã những bí ẩn về Mặt trời hơn 65 năm sau khi sứ mệnh ban đầu được thai nghén.
Parker Solar đã trở thành tàu vũ trụ đầu tiên "chạm tới Mặt trời" bằng cách bay thành công qua vành nhật hoa, hay tầng khí quyển trên cùng của Mặt trời, để thu thập mẫu các hạt và từ trường của ngôi sao này vào tháng 12/2021.
Trong 6 năm qua, Parker Solar đã thu thập dữ liệu giúp các nhà khoa học giải mã những bí ẩn lớn nhất về Mặt trời. Các nhà nghiên cứu vật lý ngôi sao này từ lâu đã thắc mắc về cách gió Mặt trời, dòng hạt liên tục phát ra từ Mặt trời, được tạo ra và lý do tại sao vành nhật hoa lại nóng hơn nhiều so với bề mặt Mặt trời.
Tàu Parker Solar đang chuẩn bị cho những lần bay sát cuối cùng để hoàn thiện nghiên cứu về các vụ phun trào khối lượng vành nhật hoa, nguyên nhân gây ra bão địa từ ảnh hưởng đến vệ tinh và cơ sở hạ tầng Trái đất. Sau nhiều năm chịu đựng nhiệt độ cao và bức xạ từ Mặt trời, tàu vẫn hoạt động tốt, góp phần thay đổi lĩnh vực nghiên cứu vật lý Mặt trời.
Lần bay sát của tàu Parker diễn vào khoảng 18h53 (giờ Việt Nam) hôm 24/12 sẽ là lần đầu tiên trong 3 lần tiếp cận gần nhất cuối cùng của tàu, và 2 lần còn lại dự kiến diễn ra vào ngày 22/3 và ngày 19/6 năm tới.
Tàu sẽ ở gần đến mức, nếu khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trời được so sánh với chiều dài của một sân bóng bầu dục Mỹ (91 mét), thì tàu chỉ cách vạch cuối khoảng 3,6 mét, theo NASA.
Ở khoảng cách này, tàu thăm dò có thể bay qua các luồng plasma và thậm chí đi vào một vụ phun trào từ Mặt trời nếu nó xảy ra.
Đặc biệt, tàu Parker Solar được thiết kế để chịu được các điều kiện khắc nghiệt của Mặt trời và từng bay qua các vụ phun trào khối lượng vành nhật hoa mà không bị ảnh hưởng, theo nhà khoa học dự án Nour Rawafi.
Tàu được trang bị tấm chắn bằng bọt carbon dày 11,4 cm và rộng 2,4 m. Trước khi phóng, tấm chắn đã được thử nghiệm trên Trái đất và chịu được nhiệt độ gần 1.400°C. Vào đêm Giáng sinh, tấm chắn có thể đối mặt với nhiệt độ lên tới 980°C.
Trong khi đó, bên trong tàu sẽ được duy trì ở nhiệt độ phòng để các hệ thống điện tử và thiết bị khoa học hoạt động bình thường. Một hệ thống làm mát độc đáo do Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng thiết kế bơm nước qua các mảng năng lượng mặt trời của tàu, giữ chúng ở nhiệt độ ổn định khoảng 160°C ngay cả khi tiếp cận gần Mặt trời.
Parker Solar sẽ thu thập dữ liệu và hình ảnh trong lần tiếp cận gần nhất với Mặt trời, nhưng dữ liệu chỉ được gửi về trung tâm điều khiển khoảng 3 tuần sau, vào giữa tháng 1.
Tàu đã quan sát hoạt động của Mặt trời trong suốt chu kỳ 11 năm, từ lúc yên tĩnh đến đỉnh điểm của chu kỳ. Mặt trời hiện đang ở giai đoạn cực đại, khi các cực từ đảo ngược và xuất hiện nhiều vết đen. Hoạt động gia tăng này đã gây ra 2 cơn bão mặt trời lớn vào tháng 5 và tháng 10, tạo nên cực quang hiếm có, thậm chí gần xích đạo.
Dữ liệu từ tàu có thể giúp hiểu rõ hơn và dự đoán bão mặt trời. Theo NASA, Mặt trời là ngôi sao duy nhất con người có thể trực tiếp nghiên cứu để hiểu về các ngôi sao và hành tinh khác trong vũ trụ.
Trong các lần tiếp cận gần Mặt trời sắp tới, các nhà khoa học hy vọng sẽ thu thập thêm dữ liệu quan trọng nếu Mặt trời thể hiện các sự kiện mạnh mẽ, như mong chờ của nhà khoa học Nour Rawafi.
Hoặc