Tác phẩm "Tắt đèn" của nhà văn Ngô Tất Tố đã trở thành một phần quen thuộc trong chương trình ngữ văn phổ thông Việt Nam suốt nhiều năm, bất kể sách giáo khoa có được điều chỉnh qua từng thế hệ học sinh.
Với nội dung sâu sắc và chân thực, tác phẩm để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng độc giả, đặc biệt là qua hình tượng chị Dậu – người phụ nữ tảo tần, chịu nhiều cay đắng vì gia đình, chồng con nhưng rơi vào cảnh khốn cùng, không lối thoát. Hình ảnh chị Dậu chạy trong đêm tối mịt mù, với câu văn miêu tả "trời tối đen như mực, đen như cái tiền đồ của chị vậy" ở cuối truyện, đã in sâu vào tâm trí người đọc. Câu nói "tiền đồ đen tối như chị Dậu" từ đó trở thành một cách ví von quen thuộc trong đời sống dân gian.
Tuy nhiên, dù tác phẩm "Tắt đèn" và nhân vật chị Dậu có để lại dấu ấn sâu sắc đến đâu, chưa chắc điều đó giúp bạn trả lời được một câu hỏi đơn giản trong chương trình "Ai là triệu phú" dưới đây.
"Nhân vật chị Dậu trong tác phẩm "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố có tên thật là gì?"
Chương trình đưa ra 4 đáp án:
A. Lê Thị Đào
B. Lê Thị Mai
C. Lê Thị Xuân
D. Lê Thị Lan.
Hầu hết mọi người đều gọi nhân vật chị Dậu bằng tên chồng, ít ai nhớ được tên thật của chị. Chính vì thế, người chơi trong chương trình "Ai là triệu phú" đã gặp khó khăn khi không thể tự mình đưa ra đáp án chính xác. Cuối cùng, cô phải nhờ đến sự hỗ trợ từ người thân.
Trên thực tế, rất nhiều người cũng giống cô, tưởng rằng chị Dậu tên là Dậu. Tuy nhiên, theo tác phẩm "Tắt đèn", tên thật của chị Dậu là Lê Thị Đào, một người phụ nữ xinh đẹp, tháo vát và giỏi giang.
May mắn thay, chị gái của người chơi là một trong số ít người nhớ rõ từng chi tiết của tác phẩm "Tắt đèn" và biết được tên thật của chị Dậu. Nhờ đó, cô đã giúp em gái mình giành được phần thưởng 10 triệu đồng.
Trong khi người chơi may mắn này vượt qua thử thách, hàng ngàn độc giả và khán giả khác lại không thể trả lời được câu hỏi về tên thật của chị Dậu. Đây chính là lý do khiến câu hỏi "Nhân vật chị Dậu trong tác phẩm 'Tắt đèn' của Ngô Tất Tố có tên thật là gì?" trở thành chủ đề nóng và thách đố trên mạng xã hội.
Bên cạnh đó, hầu hết mọi người chỉ nghĩ đến sự lam lũ, dũng cảm, tình yêu thương hết mực của chị Dậu cho chồng con, ít người để ý đến nhan sắc hoặc tuổi thật của chị Dậu. Trên thực tế, chị Dậu trong Tắt đèn được miêu tả còn rất trẻ và có vẻ ngoài xinh đẹp. Điều này trái ngược với hình dung của nhiều người.
Hình ảnh chị Dậu trong bộ phim chuyển thể từ tác phẩm "Tắt đèn".
"Tắt đèn" được xem là tác phẩm xuất sắc nhất của Ngô Tất Tố, góp phần đưa tên tuổi ông lên hàng ngũ những nhà văn tiêu biểu, đồng thời ghi dấu ấn sâu đậm trong dòng văn học hiện thực Việt Nam. Tác phẩm này đã được ba cây bút nổi tiếng là Vũ Trọng Phụng (1939), Nguyên Hồng (1957), và Nguyễn Tuân (1962) viết lời giới thiệu trong các lần xuất bản và tái bản qua các thời kỳ khác nhau.
Sau 75 năm tồn tại, "Tắt đèn" đã được hơn 20 nhà xuất bản trong và ngoài nước tái bản gần 130 lần, và được dịch sang nhiều ngôn ngữ như Anh, Pháp, Nga, Trung, Hung-ga-ri, và Lào. Tác phẩm còn được chuyển thể thành phim truyện "Chị Dậu" (1981) và thành truyện tranh (2010), tiếp tục khẳng định sức sống mãnh liệt của một kiệt tác văn học.
Sau này, "Chị Dậu" cũng là tên bộ phim được đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Văn Khoa chuyển thể từ tiểu thuyết Tắt đèn nổi tiếng, được viết từ trước Cách mạng tháng Tám (1945) của nhà văn Ngô Tất Tố, sản xuất vào năm 1980. Vai diễn chị Dậu - do diễn viên Lê Vân vào vai.
Đây là một trong những bộ phim kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam thế kỷ 20. Đạo diễn Phạm Văn Khoa, với sự tận tụy và trách nhiệm, đã mang đến một tác phẩm phản ánh sâu sắc cuộc sống của nông dân Việt Nam dưới chế độ phong kiến và thực dân. Ông cũng là người đứng sau thành công của bộ phim nổi tiếng khác, "Làng Vũ Đại ngày ấy" (1982), một tác phẩm chuyển thể từ các câu chuyện của Nam Cao.
Phim "Chị Dậu" cùng "Làng Vũ Đại ngày ấy" được đánh giá là hai trong số ít những tác phẩm điện ảnh Việt Nam xuất sắc trong việc khắc họa chân thực đời sống nông thôn và tầng lớp xã hội dưới chế độ thực dân phong kiến trước Cách mạng Tháng Tám. Quá trình sản xuất phim "Chị Dậu" đã thể hiện tính kiên trì và chuyên nghiệp của Phạm Văn Khoa. Mặc dù mọi khâu chuẩn bị đã hoàn tất, nhưng ông vẫn quyết định trì hoãn việc bấm máy suốt 5-6 năm do chưa tìm được diễn viên phù hợp cho vai chị Dậu. Cuối cùng, sự lựa chọn của ông – nghệ sĩ Lê Vân – đã tạo nên một dấu ấn đặc biệt cho tác phẩm.
Bộ phim "Chị Dậu" đã giành được Huy chương Vàng tại Liên hoan phim Nantes (Pháp). Đạo diễn Phạm Văn Khoa cũng được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật vào năm 2007 cho bộ ba tác phẩm điện ảnh kinh điển: "Lửa trung tuyến" (1961), "Chị Dậu" (1980), và "Làng Vũ Đại ngày ấy" (1982).
Hoặc