Thanh Hóa hưởng ứng tích cực phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát

21/10/2024 16:30

Là địa phương có điều kiện kinh tế xã hội trung bình, với nhiều huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn nhưng tỉnh Thanh Hóa đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong phong trào xóa nhà tạm dột nát.

Tích cực hưởng ứng phong trào xóa nhà tạm, dột nát

Thực hiện phong trào thi đua cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động, với lời kêu gọi "ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít."

Trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm, kịp thời triển khai đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chương trình giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới. 

Trên tinh thần đó, ngày 30/3/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị số 22 về cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024-2025. 

Mục tiêu phấn đấu đến ngày 30/9/2025, toàn tỉnh có ít nhất 5.000 hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở.

Thực hiện mục tiêu đề ra, các địa phương trên địa bàn Thanh Hóa thời gian qua đã triển khai có hiệu quả, đem lại nơi ăn chốn ở đàng hoàng, ổn định cho người nghèo.

Thanh Hóa hưởng ứng tích cực phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát- Ảnh 1.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn thăm hỏi và khởi công xây dựng nhà cho hộ bà Nguyễn Thị Tình, huyện Đông Sơn. (Ảnh: BTH).

Đơn cử mới đây, ngày 12/10, tại huyện Đông Sơn, ông Đỗ Minh Tuấn Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã tới thăm hỏi động viên và khởi công hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách tại huyện này. 

Hộ gia đình được hỗ trợ dịp này là hộ bà Nguyễn Thị Tình ở khu phố Hàm Hạ, thị trấn Rừng Thông với số tiền hỗ trợ là 250 triệu đồng và bà Lê Thị Hiển ở thôn Hạnh Phúc Đoàn với số tiền 200 triệu đồng hỗ trợ xây dựng nhà.

Theo UBND huyện Đông Sơn, cả hộ gia đình bà Nguyễn Thị Tình là trường hợp hộ cận nghèo thuộc diện được hỗ trợ sửa chữa, xây mới. Hộ này có 3 người gồm bà Tình, con gái và đều thuộc diện nhận trợ cấp của Nhà nước. Hàng ngày, các thành viên sinh hoạt trong ngôi nhà diện tích vỏn vẹn 25m2 đã xuống cấp nghiêm trọng.

Trong dịp này, huyện Đông Sơn cũng hỗ trợ xây dựng nhà cho gia đình bà Lê Thị Hiển ở thôn Hạnh Phúc Đoàn. 

Bà Lê Thị Hiển ở một mình, thường xuyên ốm đau bệnh tật, là đối tượng đang hưởng chế độ bảo trợ xã hội người cao tuổi cô đơn, hộ nghèo. Thu nhập chính của bà dựa vào 1 sào ruộng và trợ cấp của Nhà nước. 

Trao đổi nhanh với Người Đưa Tin, ông Lê Trọng Thụ, Chủ tịch UBND huyện Đông Sơn cho biết, các hộ được hỗ trợ xây mới đều thuộc diện rất khó khăn. Các hộ hiện sinh sống trong những căn nhà chật hẹp diện tích chỉ khoảng 25m2 đã xuống cấp nghiêm trọng với tường dột nát, bong tróc... 

Vì vậy, dịp này, với sự hỗ trợ của tỉnh, huyện đã tiến hành hỗ trợ kinh phí xây dựng ngôi nhà kiên cố cho các hộ này.

Thanh Hóa hưởng ứng tích cực phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát- Ảnh 2.

Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tới khởi công xây dựng nhà cho một số hộ khó khăn địa bàn huyện Đông Sơn. (Ảnh: BTH)

Tương tự, tại huyện Hoằng Hóa, qua công tác xác minh, huyện này đã xác định mục tiêu trong 2 năm 2024-2025, trên địa bàn huyện dự kiến sẽ có 159 nhà được làm mới, hoặc sửa chữa theo chương trình trên. 

Trong đó có 47 hộ nghèo, 22 hộ có thành viên là người có công với cách mạng, 90 hộ còn khó khăn về nhà ở.

Theo bà Trịnh Thị Quế, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc (MTTQ) huyện Hoằng Hóa cho biết, bằng việc tổ chức đa dạng, linh hoạt các hình thức tuyên truyền, vận động, tính đến ngày 10/10/2024, huyện Hoằng Hóa đã tiếp nhận trên 11 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở.

Theo MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, tính đến ngày 8/10/2024, toàn tỉnh đã có hơn 900 ngôi nhà được khởi công xây mới, sửa chữa từ Chỉ thị 22. Những địa phương được đánh giá có kết quả tích cực, khả quan như Tp.Thanh Hóa, huyện Đông Sơn, huyện Thạch Thành, huyện Thường Xuân, Hoằng Hóa...

Chung tay "vì người nghèo"

Theo tổng hợp của Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa, 9 tháng năm 2024, Quỹ "Vì người nghèo" các cấp trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận được số tiền hơn 236,3 tỷ đồng. 

Từ nguồn quỹ huy động được cùng với nguồn vận động trực tiếp của các cơ quan, doanh nghiệp, đã hỗ trợ làm mới và sửa chữa 943 nhà Đại đoàn kết. 

Một số đơn vị tích cực tham gia như Vietcombank Thanh Hóa, Viettel Thanh Hóa, Tập đoàn Xây dựng Miền Trung, Tổng Công ty CP Hợp Lực, Tập đoàn Bất động sản Đông Á, Công ty CP Đầu tư phát triển nông thôn Miền Tây, Hội LHPN tỉnh, Hội Nông dân... 

Thanh Hóa hưởng ứng tích cực phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát- Ảnh 3.

Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hưởng ứng lời kêu gọi "vì người nghèo". Ảnh Tổng Công ty CP Đầu tư xây dựng Minh Tuấn hỗ trợ 300 triệu đồng xây nhà cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. (Nguồn tư liệu TTV).

Bên cạnh nguồn ủng hộ cơ bản, MTTQ các cấp đã có nhiều hình thức, cách làm hay như vận động gia đình, dòng họ, khu dân cư ủng hộ bằng ngày công lao động, nguyên vật liệu... Một số địa phương làm tốt là: Thiệu Hóa, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Mường Lát, Thạch Thành...

Theo ông Võ Minh Khoa, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa thông tin, nhằm đẩy mạnh các hoạt động vận động Nhân dân, cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Ban vận động Quỹ "Vì người nghèo" tỉnh đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng chung sức thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, để không có ai bị bỏ lại phía sau. Nhờ vậy đã thu được kết quả tích cực.

Thanh Hóa hưởng ứng tích cực phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát- Ảnh 4.

Ngoài ra, Thanh Hóa đã thực hiện rất thành công "Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào sinh sống trên sông". Hình ảnh nhiều ngôi nhà khang trang cho đồng bào sinh sống trên sông tại huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Cùng với đó, MTTQ sẽ chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên vận động các tầng lớp Nhân dân, các đoàn viên, hội viên, dòng họ và chính bản thân người nghèo phát huy cao nhất nội lực, tinh thần đoàn kết, góp công, góp sức sớm khởi công làm nhà, xây dựng nhà ở theo tinh thần Chỉ thị số 22-CT/TU, thực hiện mục tiêu đến ngày 30/9/2025 toàn tỉnh xây dựng ít nhất 5.000 căn nhà Đại đoàn kết.

Ngoài ra, Thanh Hóa đã thực hiện thành công Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào sinh sống trên sông", đã hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 182 hộ sinh sống trên sông, mức 50 triệu đồng/hộ, với tổng kinh phí là 9,1 tỷ đồng. 

Đồng thời, để giúp các hộ dân vừa tái định cư sớm ổn định cuộc sống chính quyền các địa phương đã quan tâm thực hiện các chế độ, chính sách đảm bảo an sinh xã hội, như bố trí đất sản xuất, phối hợp với các doanh nghiệp tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động trong độ tuổi; đảm bảo các chính sách về BHYT; quan tâm, hỗ trợ cho các em trong độ tuổi đến trường... 

"Trên cơ sở những kết quả đạt được, thời gian tới, Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân phát huy tinh thần "tương thân, tương ái", chung tay, góp sức, giúp đỡ, tạo điều kiện cho hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở sớm có nhà ở ổn định, an toàn", ông Võ Minh Khoa, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa chia sẻ.