Năm 2023, trong một lần tình cờ lướt các nền tảng mua sắm online, người đàn ông họ Hồ ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc phát hiện trên RT-Mart có bán vàng nguyên chất của thương hiệu nổi tiếng Phúc Vân. Không những vậy, thời điểm đó còn có đợt sale cực lớn, sau khi thêm mã giảm giá sẽ mua được 21,2 gam vàng nguyên chất (tương đương 5,6 chỉ vàng) với giá 5.899 NDT (khoảng 24 triệu đồng), trong khi giá gốc là 19.999 NDT (khoảng 69 triệu đồng).
Vì RT-Mart là gian hàng chính hãng thuộc app thanh toán trực tuyến Alipay nên ông Hồ vô cùng tin tưởng chất lượng hàng hóa. Hơn nữa, không dễ để có cơ hội mua được vàng nguyên chất với giá thấp hơn gần ⅓ như thế này, nên ông Hồ đã nhanh chóng đặt hàng và thanh toán 100% số tiền ngay trên nền tảng online ngay.
Tuy nhiên, sau khi đã đặt hàng xong và chỉ còn ngồi chờ giao đến tận nhà, ông Hồ bất ngờ nhận được thông báo đơn hàng đã bị hủy. Điều này khiến ông Hồ không chấp nhận được, vì đơn hàng ông đã thanh toán tiền trước, đồng thời mã giảm giá chỉ được dùng 1 lần. Ông cho rằng hành vi đơn phương hủy bỏ đơn hàng này của gian hàng là lừa dối người tiêu dùng, nên đã tìm đến tận nơi để hỏi cho rõ.
Khi đến tiệm vàng, nhân viên chỉ xem qua đơn hàng trực tuyến của ông Hồ rồi tuyên bố rằng họ đã để sai giá trên nền tảng bán hàng online. Sau đó, nhân viên cũng đề nghị sẽ hoàn toàn bộ số tiền mua hàng là 5.899 NDT (khoảng 24 triệu đồng), đồng thời tặng ông Hồ một voucher giảm giá 20 NDT (khoảng 69 nghìn đồng) không giới hạn. Với voucher này, khách hàng có thể sử dụng để làm mã giảm giá trong bất cứ lần mua hàng online nào.
Ông Hồ đương nhiên không chấp nhận lời giải thích qua loa của tiệm vàng và sự bồi thường bằng voucher giảm giá 20 NDT nói trên. Ông cho rằng, vấn đề sai sót về giá trên các sàn thương mại điện tử là điều có thể xảy ra. Tuy nhiên, đó là vấn đề mà cửa hàng và nền tảng cần xử lý, khách hàng không phải chịu trách nhiệm này. Khách hàng dùng được mã giảm giá và mua được vàng giá hời là điều hoàn toàn hợp lệ, vì vậy cửa hàng thấy khách mua được giá giảm nhiều lại đơn phương hủy đơn là việc làm không minh bạch.
Do 2 bên không thể thương lượng được cách giải quyết hợp lý, ông Hồ quyết định tham khảo thêm ý kiến của luật sư để gửi đơn kiện về vụ việc. Luật sư cho hay, trong trường hợp này, mặc dù người bán đã gửi lại cho ông Hồ voucher giảm giá 20 NDT không giới hạn như một khoản bồi thường, nhưng điều này rõ ràng không đáng là gì so với mức giảm giá khổng lồ ban đầu mà lẽ ra ông được nhận. Việc nơi bán đưa ra ưu đãi để thu hút người mua, nhưng lại hủy đơn có thể làm tổn hại đến niềm tin và sự hài lòng của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, nếu người bán muốn hủy đơn hàng do sai sót về giá thì cần phải đưa ra lý do chính đáng với khách hàng. Nếu chỉ đơn giản là bên bán hàng quên, hay nhập sai số thì không đủ căn cứ để vô hiệu hợp đồng hay chứng từ mua bán. Luật sư kết luận, đối với đơn hàng đã thanh toán trước có giá trị cao như trên, nếu người bán tự ý hủy đơn hàng mà không được sự chấp nhận của người mua, người mua như ông Hồ có thể gửi đơn kiện để buộc tiệm vàng bồi thường cho mình.
Trên thực tế, đã có vài trường hợp người bán ghi giá không chính xác trên gian hàng online, dẫn đến người tiêu dùng hiểu lầm đặt mua số lượng lớn. Nếu người bán chứng minh được sai sót là do hệ thống hoặc các nguyên nhân khách quan, tòa án sẽ cho phép họ chấm dứt hợp đồng mua bán.
Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp bị tố cáo không đủ năng chi trả mức mức ưu đãi nhưng vẫn để giá sale và hủy đơn, tòa án Trung Quốc sẽ tiến hành điều tra và áp dụng các quy định liên quan của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Trung Quốc để xử phạt.
(Theo Sohu)
Hoặc