Danh tính bị đánh cắp
Năm 1997, nữ sinh Câu Tĩnh (Sơn Đông, Trung Quốc) bước vào kỳ thi đại học với tâm thế tự tin vì cô xếp thứ 4 toàn huyện trong lần thi thử. Thế nhưng cô lại nhận được điểm số rất thấp, thầy giáo chủ nhiệm khuyên cô không nên nộp hồ sơ tuyển sinh đại học mà chờ đến năm sau thi lại.
Việc ôn thi lại tốn kém khiến gia đình Câu Tĩnh càng thêm nghèo nhưng một lần nữa cô không đạt được kết quả như mong muốn, cuối cùng phải nhập học một trường nghề tại địa phương. Trên thực tế, đó chỉ là một trường kém chất lượng, không có danh tiếng.

Ảnh minh hoạ
Sau khi ra trường, Câu Tĩnh chỉ có thể xin việc tại vị trí bán hàng mỹ phẩm, tổng đài viên, chật vật vì không có bằng cấp cao. Trong khi những người bạn cùng lớp cấp 3 năm nào hầu hết đều trở thành giáo viên, làm việc trong các doanh nghiệp lớn, có người lấy bằng Tiến sĩ. Chỉ một mình Câu Tĩnh trượt đại học đến 2 lần, điều này khiến cô càng thêm phần tự ti, cắt đứt liên lạc với bạn bè cũ.
Cuộc sống của người phụ nữ này chỉ ổn định khi cô bắt đầu kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử và chuyển đến tỉnh Chiết Giang sinh sống. Đến năm 2002, Câu Tĩnh bất ngờ nhận được lá thư xin lỗi của Hiệu trưởng cấp 3, cũng chính là giáo viên chủ nhiệm cũ tên Trần Lâm.
Người này thừa nhận đã đánh tráo bài thi của con gái mình với Câu Tĩnh để con gái Trần Tiểu Huy có điểm cao hơn và cơ hội học đại học. Thầy giáo mong cô tha thứ dù đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Vì mới kết hôn và có con, gia đình khi đó không đủ tiềm lực kiện cáo nên Câu Tĩnh quyết định im lặng để cuộc sống không bị xáo trộn.

Chân dung Câu Tĩnh
Sau đó, một người trong làng nói đã gặp một “Câu Tĩnh” khác tại Bắc Kinh. Họ tên Câu Tĩnh rất hiếm nên cô bắt đầu nghi ngờ con gái thầy Trần Lâm vẫn đang tiếp tục giả mạo mình. Khi internet còn chưa phổ biến, Câu Tĩnh không thể tìm kiếm thông tin nào xác nhận việc này ngoại trừ lá thư tay của thầy chủ nhiệm.
Vạch trần sự thật sau 20 năm
Đến năm 2015, Câu Tĩnh mới đi họp lớp trở lại. Trên thực tế, những người bạn cũ tiết lộ Trần Tiểu Huy vẫn đang sống và làm việc với tên Câu Tĩnh của cô, hiện đang làm giáo viên. “Một người bạn khi nghe tin giáo viên mới tên Câu Tĩnh chuyển đến trường giảng dạy đã tưởng đó là tôi nên đến chào, nhưng hoá ra lại là con gái thầy Hiệu trưởng. Cô ấy có ngoại hình rất giống tôi, cao gần bằng nhau, đeo kính và khuôn mặt vuông. Nếu nhìn từ xa dễ nhầm lẫn, quả nhiên việc mạo danh đã được tính toán kỹ lưỡng”, Câu Tĩnh cho biết.
Khi biết Câu Tĩnh hiện có thu nhập tốt, gia đình hạnh phúc, các bạn cùng lớp đều cảm thấy nhẹ nhõm vì họ đã phải giữ bí mật này quá lâu. Câu Tĩnh nhiều lần do dự trong việc báo cảnh sát vì không có bằng chứng thuyết phục trong tay. Sau 20 năm kể từ ngày thi cuối cấp, khi các công cụ tra cứu thông tin phổ biến hơn, Câu Tĩnh đã tìm thấy tấm bằng đại học có tên mình.
Khi vụ việc người phụ nữ tên Trần Xuân Tú bị đánh cắp giấy báo nhập học cùng loạt báo cáo về ăn cắp danh tính nổi lên tại Trung Quốc vào năm 2020, Câu Tĩnh quyết định chia sẻ trường hợp của bản thân trên mạng xã hội. Người phụ nữ nộp đơn khiếu nại lên Sở Giáo dục tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) đồng thời báo cảnh sát điều tra.

Câu Tĩnh có được cuộc sống ổn định dù bị tước mất cơ hội học đại học
Lúc này, người thầy cũ Trần Lâm lại tìm đến mẹ Câu Tĩnh và đe doạ sẽ gây khó dễ cho việc thi đại học của em gái cô. Trần Lâm đề nghị sẽ bồi thường 10.000 NDT (35 triệu đồng) nhưng gia đình Câu Tĩnh không đồng ý, vẫn quyết đưa vụ bê bối này ra ánh sáng.
Ban đầu, phía trường cấp 3 cũ của Câu Tĩnh khẳng định vụ việc đã qua lâu, không tìm thấy dấu hiệu bất thường trong việc đánh tráo bài thi. Có người cho rằng bức thư của người hiệu trưởng cũng có thể làm giả. Tuy nhiên cảnh sát đã tìm được bài thi đại học và đối chiếu chữ viết cho thấy kết quả của Trần Tiểu Huy và Câu Tĩnh đã bị can thiệp.
Trần Tiểu Huy - người phụ nữ giả mạo danh tính của Câu Tĩnh, sau nhiều năm sống trong sự bao bọc của cha cuối cùng bị đuổi việc do bằng cấp giả. Cảnh sát xác định có 15 người liên quan đến vụ bê bối, thông qua mối quan hệ hoặc chỉ đạo của hiệu trưởng Trần Lâm, bị xử lý theo pháp luật Trung Quốc.
“Mặc dù tôi đã bỏ lỡ cơ hội vào đại học, nhưng cuộc sống của tôi vẫn rẽ theo chiều hướng tốt hơn nhờ việc tự học. Tôi dạy các con mình không chỉ luôn chú tâm vào điểm số mà cần phát triển toàn diện, có khả năng tự lập và tâm lý mạnh mẽ. Đó là những điều tôi học được từ xã hội”, Câu Tĩnh chia sẻ.
Theo The Paper, 163
Hoặc