Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu trước Quốc hội ngày 28/10. Ảnh: Quochoi. |
Chiều 28/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã có giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến tiếp cận tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản.
2 lý do ngân hàng từ chối cho vay
Thống đốc NHNN cho biết vốn đầu tư vào thị trường bất động sản thường yêu cầu giá trị lớn, thời hạn dài và cần huy động từ nhiều kênh, trong đó ngân hàng chỉ là một kênh.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, các tổ chức tín dụng được tự quyết định cấp tín dụng trên cơ sở thỏa thuận với khách hàng về mức cho vay, thời hạn, lãi suất.
Đặc biệt, khác với các doanh nghiệp thông thường, các tổ chức tín dụng ngoài hoạt động theo mục đích kinh doanh thì còn phải đảm bảo tỷ lệ an toàn theo quy định của NHNN, cũng như đảm bảo thu hồi vốn để chi trả cho người gửi tiền. Nếu không sẽ gây hệ lụy tới chính tổ chức tín dụng, kéo theo toàn bộ hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế.
Vì thế, ngay cả khi có dự án bất động sản khả thi và có khả năng trả nợ, ngân hàng vẫn từ chối cho vay bởi 2 nguyên do.
Lý do thứ nhất có thể là thời hạn vay của dự án không phù hợp với khả năng cân đối vốn của ngân hàng. “Hệ thống ngân hàng chủ yếu huy động lượng vốn ngắn hạn, trong khi nhu cầu cho vay của thị trường bất động sản lại là dài hạn”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ.
Lý do thứ hai có thể là các tổ chức tín dụng ưu tiên mục tiêu cấp bách khác để đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng.
Vốn đầu tư vào thị trường bất động sản thường yêu cầu giá trị lớn, thời hạn dài và cần huy động từ nhiều kênh. Ảnh: Nam Khánh. |
Trên thực tế, tín dụng lĩnh vực bất động sản đã tăng nhanh trong thời gian qua, và tăng trưởng tín dụng của mảng bất động sản thường cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Theo số liệu thống kê của NHNN, hiện nay số dư nợ của tín dụng bất động sản lên đến 3,15 triệu tỷ đồng, chiếm trên 20% tổng dư nợ chung của nền kinh tế.
Lãi suất cho vay mới đã giảm 3 điểm %
Báo cáo của Bộ Xây dựng chỉ ra vào nửa cuối năm 2022, việc tiếp cận tín dụng của thị trường bất động sản rất khó khăn ngay cả khi dự án có tài sản đảm bảo.
Về vấn đề này, Thống đốc nhắc tới sự cố rút tiền hàng loạt bắt đầu từ đầu tháng 10/2022 tại Ngân hàng SCB.
"Đây là sự cố rút tiền hàng loạt quy mô lớn chưa từng có tiền lệ. Sự cố này đã lan truyền đến thanh khoản của các tổ chức tín dụng khác và ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài khiến tỷ giá tăng đến 10%.
Thời điểm đó, NHNN đã phải đặt mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn hệ thống và khả năng chi trả cho người gửi tiền để tránh hoảng loạn tài chính. Tùy từng thời điểm mà NHNN sẽ ưu tiên mục tiêu cao nhất”, Thống đốc chia sẻ.
Người đứng đầu cơ quản quản lý tiền tệ cũng cho biết NHNN đã phải tăng lãi suất trong tháng 10/2022 và chưa nới room tín dụng để đảm bảo thanh khoản cho toàn hệ thống. Khi hệ thống thanh khoản cải thiện thì mới nới room tín dụng. Bằng các biện pháp này mới mang lại sự ổn định cho hệ thống ngân hàng tới thời điểm hiện tại.
“Thời điểm đó, bản thân các tổ chức tín dụng cũng lo ngại rằng người dân sẽ rút tiền tại tổ chức tín dụng của mình nên họ cũng rất thận trọng khi cho vay mới và đặc biệt là với các dự án bất động sản có kỳ hạn dài”, Thống đốc giải thích thêm.
Liên quan việc nhiều doanh nghiệp kiến nghị rằng lãi suất cho vay hiện vẫn còn cao, Thống đốc cho biết hiển nhiên khi doanh nghiệp đi vay thường mong muốn lãi suất thấp và nếu so với mong muốn của doanh nghiệp thì nhận định lãi suất còn cao bao giờ cũng sẽ đúng và là điều dễ hiểu.
Trong bối cảnh lãi suất quốc tế tăng rất cao, mặt bằng lãi suất của Việt Nam đã kiểm soát được. Lãi suất cho vay mới hiện đã giảm khoảng 3% so với đầu năm 2022
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng
Tuy nhiên, Thống đốc muốn Quốc hội cùng doanh nghiệp ghi nhận và chia sẻ những cố gắng, thành tựu mà NHNN cũng như tổ chức tín dụng trong hệ thống đã đạt được thời gian qua.
Cụ thể, trong bối cảnh lãi suất quốc tế tăng rất cao, mặt bằng lãi suất của Việt Nam đã được kiểm soát. Lãi suất cho vay mới hiện đã giảm khoảng 3% so với đầu năm 2022.
Khi doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn, các tổ chức tín dụng cũng dành chính nguồn lực tài chính của mình để miễn, giảm lãi và thuế. Ước tính con số này lên đến 60.000 tỷ đồng.
Thống đốc cũng nhấn mạnh các khoản cho vay đối với lĩnh vực bất động sản kỳ hạn dài sẽ thường có lãi suất cao hơn so với khoản vay ngắn hạn, bởi lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài có lãi suất cao hơn tiền gửi ngắn hạn.
"Trong việc chỉ đạo điều hành, NHNN luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết kiệm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, đồng thời đơn giản hóa thủ tục để tiết kiệm thời gian, nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân", Thống đốc nhấn mạnh thêm.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.
Hoặc