Trước đó, vào chiều 16/10, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã thăm, động viên các chủ tàu cá, ngư dân tại cảng cá Sông Đốc (thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), cũng như nắm bắt tình hình tuân thủ các quy định về chống IUU.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc gỡ "thẻ vàng" IUU giúp ngành thuỷ sản Việt Nam phát triển bền vững, tham gia hội nhập chủ động, tránh được các hàng rào kỹ thuật, thương mại khi xuất khẩu vào những thị trường lớn như châu Âu.
Những vấn đề đặt ra đối với "thẻ vàng" IUU có cả bất cập, tồn tại về hệ thống pháp lý, công tác quản lý, nhận thức của ngư dân, cũng như tình trạng cạn kiệt trữ lượng của các ngư trường.
Lãnh đạo các địa phương cần thẳng thắn, trung thực, khoa học, cầu thị để đánh giá chính xác, tìm ra nguyên nhân khiến sau 7 năm vẫn chưa gỡ được "thẻ vàng" IUU, vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các hành vi vi phạm ngày càng cao, hết sức tinh vi, thậm chí có tính liên quốc gia.
"Chúng ta cần đưa ra giải pháp tổng thể không chỉ để gỡ 'thẻ vàng', mà làm sao để nâng cao hiệu quả khai thác, đồng thời bảo vệ, phát triển nguồn lợi hải sản tại của các ngư trường", Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh, nếu để ngư dân tiếp tục ra khơi trong khi các ngư trường cạn kiệt thì không thể giải quyết triệt để các hành vi vi phạm IUU.
Vì vậy, vai trò của Nhà nước rất quan trọng trong công tác quy hoạch, đánh giá trữ lượng nguồn lợi ngư trường, xác định mùa vụ, khu vực khai thác trong năm, và số lượng tàu cá được hoạt động tương ứng, từ đó có cơ chế, chính sách định hướng, hỗ trợ cho ngư dân đầu tư sản xuất hoặc chuyển đổi nghề nghiệp.
"Các bộ, ngành, địa phương phải tiếp cận vấn đề thực chất, đã nói thì phải làm được. Các biện pháp đề ra cần rõ ràng, minh bạch, bài bản, tư duy khoa học dựa trên kinh nghiệm thực tiễn; những việc địa phương có thể làm được, những vấn đề cần Trung ương hỗ trợ về nguồn lực, cơ chế, chính sách", Phó Thủ tướng nói.
Một số nhiệm vụ chống vi phạm chậm khắc phục
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, đến nay vẫn còn một số nhiệm vụ chống vi phạm IUU chậm khắc phục.
Cụ thể, tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp. Từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra 61 tàu/418 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý, tăng 12 tàu/16 ngư dân so với cùng kỳ năm 2023 (49 tàu/402 ngư dân). Lực lượng chức năng trong nước phát hiện, bắt giữ, xử lý 19 tàu vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ngày càng tinh vi, như: Sử dụng tàu cá có chiều dài dưới 15 m không lắp thiết bị VMS; cố tình ngắt VMS khi hoạt động gần khu vực vùng biển giáp ranh; hoặc cố tình gửi, vận chuyển thiết bị VMS trên tàu cá khác.
Việc thực hiện quy định về đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản đến nay vẫn chưa hoàn thành khi mới có 89% tàu cá có đăng ký và được cập nhật trên cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia; cấp giấy phép khai thác thủy sản còn hạn mới đạt khoảng 74,1%.
Hiện cả nước còn 9.322 tàu "3 không" (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép). Tình trạng mua bán, chuyển nhượng, sang tên đổi chủ tàu cá không thực hiện thủ tục xóa đăng ký, đăng ký lại tàu cá trong tỉnh và giữa các tỉnh vẫn diễn ra thường xuyên.
Hiện cả nước mới theo dõi, giám sát được khoảng 40% hoạt động của tàu cá ra vào cảng, khoảng 30% sản lượng thủy sản khai thác được giám sát qua cảng; một số địa phương giám sát sản lượng thủy sản khai thác dưới 5%, như Quảng Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An…
Tình trạng tàu cá vi phạm hoạt động sai vùng xảy ra thường xuyên, với số lượng lớn; đặc biệt tại các tỉnh phía Bắc, như Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh… và các tỉnh có số lượng lớn nghề lưới kéo, như Bến Tre, Tiền Giang, Bình Thuận, Kiên Giang, Cà Mau, Bà Rịa-Vũng Tàu…
Vẫn còn tình trạng tàu cá không đủ điều kiện vẫn ra vào cảng, xuất nhập bến tham gia hoạt động khai thác thủy sản; tiếp tục xảy ra tình trạng tàu cá không cập cảng bốc dỡ sản phẩm thủy sản khai thác tại nhiều địa phương.
Công tác thực thi pháp luật, xử lý vi phạm IUU còn rất thấp, chưa thống nhất, đồng đều giữa các địa phương; xảy ra tình trạng địa phương nào làm nghiêm thì tàu cá có dấu hiệu vi phạm IUU di chuyển sang những nơi thiếu sự kiểm soát, giám sát chặt chẽ của lực lượng chức năng để cập cảng bốc dỡ thủy sản, ra vào cảng, xuất nhập bến để hoạt động khai thác thủy sản.
Tỉ lệ xử phạt còn rất thấp so với tổng số vụ việc vi phạm được phát hiện, đặc biệt là việc xử lý hành vi khai thác bất hợp pháp, vi phạm về thiết bị VMS, vượt ranh giới trên biển, vi phạm khai thác sai vùng, nhật ký khai thác…
Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm và kiến nghị những việc cần làm ngay để chống vi phạm IUU - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Xử lý dứt điểm tàu '3 không', quản lý chặt tàu dưới 15 m
Bộ NN&PTNT kiến nghị tập trung cao điểm nguồn lực ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, đặc biệt tại các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bình Định…
Các địa phương khẩn trương hoàn thành công tác quản lý đội tàu, đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, đánh dấu tàu cá, xử lý dứt điểm tàu cá "3 không"; kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản khai thác; khẩn trương thực hiên nghiêm túc, có hiệu quả hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử (eCDT); kiên quyết xử lý hình sự hành vi hợp thức hóa hồ sơ cho các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm và kiến nghị những việc cần làm ngay: Xác định rõ trách nhiệm trong quản lý hoạt động của các tàu cá ở cảng cá và trên biển; hỗ trợ chủ tàu mua thiết bị VMS; quản lý chất lượng thiết bị VMS; xử lý các tàu khai thác sai vùng, sai tuyến…
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, việc xử lý hình sự một số vụ vi phạm IUU đã tác động lớn đến nhận thức, suy nghĩ của chủ tàu, ngư dân. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử kiến nghị bổ sung một số ngành nghề đặc thù như câu mực, câu cá ngừ phải lắp VMS dù kích thước chưa đủ 15 m theo quy định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh đề nghị quản lý chặt chẽ với đội tàu cá có chiều dài dưới 15 m, không phải lắp thiết bị VMS; có bộ phận chuyên hỗ trợ, cung cấp thông tin về các tàu cá bị bắt giữ ở vùng biển nước ngoài để chính quyền địa phương có căn cứ xử lý ở trong nước.
Đối với việc quản lý tàu cá "3 không", lãnh đạo tỉnh Bến Tre, tỉnh Cà Mau cho rằng đây là trách nhiệm của địa phương; kiến nghị Ban Chỉ đạo quốc gia cần chỉ đạo rà soát đồng loạt để phân loại, xử lý dứt điểm vào cuối tháng 11/2024. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đã chia sẻ kinh nghiệm lập dữ liệu đối với các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU, kết nối các cảng cá để chia sẻ thông tin tàu cá ra vào.
Đại diện Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, lực lượng kiểm ngư, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau đã trao đổi, làm rõ một số kiến nghị của địa phương, như cung cấp thông tin về tàu cá bị bắt giữ ở nước ngoài; quản lý hoạt động tàu cá trên biển; kiểm soát tàu cá ra vào cảng, xử lý hình sự các vụ vi phạm IUU…
Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tổng Tham mưu trưởng cho rằng, quan trọng nhất là phải quản lý hết sức chặt chẽ tàu cá ngay tại cảng. Chính quyền địa phương, quân đội, công an phải là một khối thống nhất, phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể cho từng lực lượng chức năng, từ tuyên truyền đến kiểm soát, giám sát hoạt động tàu cá, xử lý vi phạm, theo nguyên tắc "1 việc 1 người chịu trách nhiệm".
Thực hiện ngay những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thống nhất nhận thức, việc thực hiện các biện pháp nhằm gỡ "thẻ vàng" IUU không chỉ để tham gia thị trường châu Âu, mà phát phát triển ngành thuỷ sản bền vững, bảo đảm lợi ích, sinh kế lâu dài, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho ngư dân, đồng thời thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.
Phó Thủ tướng chỉ ra một số bất cập, tồn tại lớn, như: Chưa kiểm soát được toàn bộ của tàu cá, nhất là tàu "3 không"; chưa rõ trách nhiệm của các lực lượng chức năng trong việc quản lý hoạt động tàu cá từ cửa sông đến cảng cá và trên biển; các quy định quản lý, xử lý tàu cá, chủ tàu vi phạm và công tác tổ chức thực hiện chưa sát với thực tiễn; việc lắp đặt, sử dụng thiết bị VMS chưa rõ trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp thiết bị, dịch vụ cũng như chủ tàu.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát, quán triệt nghiêm túc Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống IUU và phát triển bền vững ngành thuỷ sản; kiểm điểm trách nhiệm, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, "coi đây là nhiệm vụ chính trị ưu tiên".
Bộ NN&PTNT làm rõ những tồn tại, yếu kém, nguyên nhân, nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trước mắt đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài, không khai báo.
Trong tháng 11/2024, các địa phương phải hoàn thành việc đăng ký, quản lý 100% số tàu cá tại địa bàn, không để còn tàu cá "3 không".
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ NN&PTNT phối hợp, khẩn trương kết nối, chia sẻ các địa phương, lực lượng chức năng (bộ đội biên phòng, kiểm ngư, cảnh sát biển, hải quân) sử dụng cơ sở dữ liệu về tàu cá đăng ký, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cũng như hoạt động của toàn bộ tàu cá trên biển.
Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về vai trò điều phối của lực lượng kiểm ngư đối với quản lý tàu cá hoạt động trên biển; rà soát chế tài để xử lý nghiêm các vụ vi phạm IUU, nhất là trách nhiệm của chủ tàu, thuyền trưởng, "sát thực tiễn, có lý, có tình, rõ ràng, minh bạch để vừa răn đe, vừa phòng ngừa"…
Bộ NN&PTNT rà soát quy trình thủ tục hành chính kiểm định thiết bị, tàu cá, với tinh thần "khả thi, thiết thực, khoa học, bảo đảm an toàn"; nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ chủ tàu mua, lắp đặt thiết bị VMS; có chế tài xử lý các hành vi cố tình ngắt tín hiệu, hoặc gửi, vận chuyển thiết bị VMS trên tàu cá khác như là hành vi xâm phạm tài sản công; cung cấp dịch vụ sửa chữa thiết bị VMS trên biển.
Phó Thủ tướng giao Cục Kiểm ngư xây dựng chiến dịch cao điểm phối hợp với các lực lượng chấp pháp để kiểm soát toàn bộ tàu cá "3 không", tàu cá đã xoá số đăng ký.
Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an ở cơ sở phối hợp với ngành nông nghiệp, chính quyền xã, phường để rà soát lại những tàu cá chưa có đăng ký, đăng kiểm, cập nhật cơ sở dữ liệu.
Minh Khôi
Hoặc