Thủ tướng biểu dương Thanh Hóa, Hà Nam, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu...

Admin

20/05/2025 16:12

Sáng nay (20/5), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025. Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thanh Hóa, Hà Nam, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu là các địa phương được giao vốn đầu tư công lớn và có tỷ lệ giải ngân cao

Theo báo cáo tại Hội nghị, về kết quả đạt được, ngay từ ngày 4/12/2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2025 cho bộ, cơ quan và địa phương, với tổng số vốn gần 829,4 nghìn tỷ đồng. Con số này đạt 100% kế hoạch vốn được Quốc hội phân bổ để quyết tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025.

Tính đến ngày 30/4, giải ngân chung cả nước ước là 128,5 nghìn tỷ đồng, đạt 15,56% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2024 (16,64%), nhưng cao hơn 18 nghìn tỷ đồng xét trên giá trị tuyệt đối. 

Báo cáo cũng cho biết, có 10/47 bộ, cơ quan Trung ương và 36/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ở trên mức trung bình.

Trong đó, một số đơn vị được giao vốn lớn và có tỉ lệ giải ngân cao như: Bộ Quốc phòng (giao trên 23 nghìn tỷ, giải ngân đạt 16,3%), Bộ Công an (giao 4,1 nghìn tỷ, giải ngân đạt 27,3%), Bộ Nông nghiệp và Môi trường (giao 22,3 nghìn tỷ, giải ngân đạt 16,6%), Thanh Hóa (giao 13,3 nghìn tỷ, giải ngân đạt 39,2%); Hà Nam (giao 10,6 nghìn tỷ, giải ngân đạt 38,4%), Lâm Đồng (giao 7,24 nghìn tỷ đồng, giải ngân đạt 30,1%), Bà Rịa-Vũng Tàu (giao 13,8 nghìn tỷ đồng, lệ giải ngân đạt 26,6%).

Bên cạnh đó, giải ngân chương trình mục tiêu quốc gia đạt 21,4% kế hoạch Thủ tướng giao, cao hơn so với cùng kỳ năm 2024.

Thủ tướng biểu dương Thanh Hóa, Hà Nam, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu...- Ảnh 1.

Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025 (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Nhiều dự án, nhất là dự án quan trọng quốc gia được triển khai khẩn trương với khí thế thi công "vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "thi công 3 ca 4 kíp", "làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết", "chỉ bàn làm, không bàn lùi"... Các dự án trọng điểm, quan trọng về đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, sân bay, cảng biển, hạ tầng giáo dục, y tế, xã hội… được ưu tiên bố trí vốn và tập trung triển khai.

Cả nước cũng đã đồng loạt khởi công, khánh thành 80 công trình, dự án trọng điểm, hạ tầng chiến lược kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa vào khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất và thông xe tuyến chính 5 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam…

Báo cáo cũng chỉ ra, nhiều nhà thầu, cơ quan quản lý đã ứng dụng mạnh mẽ và làm chủ các công nghệ hiện đại, đẩy nhanh tiến độ thi công, nâng cao chất lượng công trình như Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bến cảng 3, 4, 5, 6 khu bến Lạch Huyện...

Vẫn còn 17 bộ, cơ quan Trung ương và 21 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được giao

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến phát biểu. Khái quát một số kết quả nổi bật, Thủ tướng thay mặt Chính phủ ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những kết quả mà các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực đạt được, nhất là 10 bộ, cơ quan và 36 địa phương có tỉ lệ giải ngân trên mức trung bình cả nước.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đặc biệt biểu dương cán bộ, công nhân, người lao động trên các công trường; đồng thời cảm ơn người dân đã nhường mặt bằng, nơi ăn chốn ở, nơi sinh kế, thờ tự… cho các dự án, thể hiện lòng tin với Đảng, Nhà nước. Từ đó, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển hạ tầng chiến lược, xây dựng và phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Thủ tướng biểu dương Thanh Hóa, Hà Nam, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu...- Ảnh 2.

Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những kết quả mà các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực đạt được, nhất là 10 bộ, cơ quan và 36 địa phương có tỉ lệ giải ngân trên mức trung bình cả nước (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Về tồn tại, hạn chế, Thủ tướng nhấn mạnh vẫn còn 17 bộ, cơ quan Trung ương và 21 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được giao với tổng số vốn gần 8 nghìn tỷ đồng, phải phân bổ hết trong tháng 5. Có 37/47 bộ, cơ quan và 27/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước, trong đó một số đơn vị được giao số vốn lớn nhưng tỉ lệ giải ngân thấp.

Tiến độ giải ngân của một số dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm ngành GTVT, dự án giao thông liên vùng do địa phương làm chủ quản còn thấp như dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; Hòa Bình - Mộc Châu - Sơn La; Gia Nghĩa - Chơn Thành; vành đai 4 TPHCM; Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương…

Theo Thủ tướng, giải ngân vốn đầu tư công còn một số khó khăn như giải phóng mặt bằng, tiêu chuẩn kỹ thuật, nguồn cung nguyên vật liệu, giải ngân vốn ODA. Công tác kiểm tra, đôn đốc có lúc còn lỏng lẻo; một số bộ, cơ quan, địa phương chưa chủ động, quyết liệt, thậm chí có tâm lý né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, chờ đợi chỉ đạo. 

Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện các kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có lúc, có nơi còn chậm. Năng lực quản lý, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại một số nơi còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi chính sách ở cơ sở.