Sáng 18/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày chuyên đề nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch thực hiện nghị quyết này.
Thủ tướng nêu: Kinh tế tư nhân liên tục phát triển, khẳng định vị thế là một động lực quan trọng của nền kinh tế ; góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước. Kinh tế tư nhân tạo việc làm, thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; thúc đẩy hội nhập quốc tế…
Số lượng doanh nghiệp thành lập tăng mạnh, đến nay có gần 1 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế ở tất cả lĩnh vực. Đồng thời liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, là khu vực có đóng góp lớn nhất trong nền kinh tế, chiếm tỉ trọng khoảng 50% GDP.
Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đang hình thành, phát triển, vươn tầm khu vực, quốc tế. Thủ tướng chia sẻ, ngay sau khi ban hành Nghị quyết 68, tinh thần lan tỏa rất lớn, phong trào khởi nghiệp được đẩy lên cao.

Đội ngũ doanh nhân ngày càng phát triển lớn mạnh, tinh thần kinh doanh, tinh thần đổi mới và khát vọng vươn lên ngày càng mạnh mẽ.
Đến năm 2045, kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động
Cũng trong bài phát biểu, Thủ tướng cho hay Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ chuẩn bị phát động phong trào toàn dân thi đua làm giàu, đóng góp, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
"Sau khi có Nghị quyết này, phải phát động phong trào toàn dân thi đua làm giàu. Bộ Nội vụ sẽ chủ trì việc này. Như Tổng Bí thư Tô Lâm nói, mọi người, mọi nhà, mọi gia đình, tất cả các thành phần kinh tế tham gia vào mới làm được. Phải phát động phong trào thi đua làm giàu trên cả nước", Thủ tướng nêu rõ.
Nghị quyết 68 nêu các mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thể hiện tinh thần đổi mới, đột phá, cải cách mạnh mẽ, bảo đảm bám sát 3 đột phá chiến lược (về thể chế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng).
Thủ tướng cho biết doanh nghiệp quan tâm nhiều việc phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự để củng cố niềm tin, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân.
Bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, quyền tài sản, quyền cạnh tranh bình đẳng và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân.
Nghị quyết nêu quan điểm tuân thủ nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự; giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm.
Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự.
Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo.
Không hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp. Bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, xét xử các vụ án.
Thủ tướng đề nghị tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao.
Hồi đầu tháng này, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Theo đó, nghị quyết đưa ra mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân, có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10 - 12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55 - 58% GDP, khoảng 35 - 40% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84 - 85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5 - 9,5%/năm.
Trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á.
Tầm nhìn đến năm 2045, kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, đóng góp khoảng trên 60% GDP.
Hoặc