Chậm nhất trong năm 2025 phải khởi công
Chiều ngày 22/12, trong chương trình công tác tại Lào Cai, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khảo sát phương án xây dựng, hướng tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng kết nối Việt Nam với Trung Quốc.
Tại vị trí dự kiến quy hoạch ga liên vận quốc tế Lào Cai, phường Lào Cai, TP Lào Cai, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác đã nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trần Hồng Minh báo cáo khái quát phạm vi, quy mô tuyến, vị trí điểm nối ray với Trung Quốc, quy hoạch nhà ga.
Theo quy hoạch, đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng có tổng chiều dài 417 km, đi qua 9 địa phương (Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng). Tuyến sẽ kết nối với cảng biển quốc tế Hải Phòng, kết nối liên vận quốc tế với Trung Quốc, đáp ứng nhu cầu vận tải với chất lượng cao, nhanh chóng, thuận tiện và an toàn.
Sau khi nghe báo cáo, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT và các bộ, cơ quan liên quan đẩy nhanh hơn nữa tiến độ chuẩn bị trình dự án, trong tháng 1/2025 phải trình Chính phủ để trong tháng 2/2025 trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án và các cơ chế, chính sách đặc thù, chậm nhất trong 12/2025 phải khởi công tuyến đường sắt này.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm khi thiết kế tuyến đường sắt mới phải ngắn nhất, thẳng nhất. Tính toán vị trí nhà ga, quy mô nhà ga phù hợp theo mô hình TOD (lấy giao thông làm trung tâm phát triển đô thị), đảm bảo tầm nhìn dài hạn, trở thành động lực phát triển cho khu vực.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu tách dự án giải phóng mặt bằng thành dự án riêng, giao các địa phương làm, tăng cường nhân lực chuyên trách để chuẩn bị, xây dựng dự án do một Thứ trưởng Giao thông vận tải phụ trách.
Nghiên cứu các tuyến đường kết nối từ ga đường sắt đến cao tốc Nội Bài - Lào Cai
Cũng trong ngày 22/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thị sát dự án tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng tại khu vực điểm nối ray giữa 2 nước Việt Nam - Trung Quốc.
Theo quy hoạch, vị trí điểm nối ray với Trung Quốc tại Km5+110 tại khu vực biên giới giữa 2 nước Việt Nam – Trung Quốc. Chiều dài chính tuyến gần 400km tính từ điểm nối ray với đường sắt Trung Quốc thuộc thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai đến ga cảng Lạch Huyện thuộc huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng. Trong đó, tổng chiều dài tuyến đoạn qua địa phận tỉnh Lào Cai là 65,01km.
Báo cáo tại buổi làm việc, tỉnh Lào Cai đã chủ động cung cấp tài liệu, phối hợp làm việc với đơn vị tư vấn và Ban Quản lý dự án đường sắt làm cơ sở thống nhất với Bộ Giao thông Vận tải về hướng tuyến và các vị trí ga trên tuyến.
Thông tin trên Báo Lào Cai cho biết, tỉnh đã rà soát ranh giới, thống kê để xây dựng phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư. Ngoài ra, tỉnh cũng đang nghiên cứu đầu tư trong giai đoạn 2025 - 2030 các tuyến đường kết nối từ ga đường sắt đến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và các tuyến đường trục để kết nối đến các khu, cụm công nghiệp, đến khu kinh tế cửa khẩu và khu du lịch nhằm khai thác hiệu quả tuyến đường sắt.
Quyết tâm làm tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng "chỉ trong 3 năm"
Hồi đầu tháng 12, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đã có cuộc hội kiến với Tổng cục trưởng Tổng cục Hợp tác phát triển quốc tế quốc gia Trung Quốc (CIDCA) La Chiếu Huy.
Tại buổi gặp gỡ này, Thứ trưởng thường trực Nguyễn Minh Vũ đã nhắc đến 3 tuyến đường sắt nối Việt Nam và Trung Quốc. Trong đó, ông Vũ đề nghị Trung Quốc sớm phê duyệt viện trợ không hoàn lại giúp Việt Nam lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Đáp lời lại, Tổng cục trưởng CIDCA La Chiếu Huy cho biết Trung Quốc sẵn sàng cung cấp viện trợ để hỗ trợ Việt Nam xây dựng báo cáo khả thi tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phối hợp triển khai lập quy hoạch các tuyến đường sắt Đồng Đăng - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng, hỗ trợ đào tạo nhân viên đường sắt.
Trong chuyến công tác, dự các hội nghị đa phương tại Trung Quốc hồi đầu tháng 11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Đới Hòa Căn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng công trình đường sắt Trung Quốc (CRCC).
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ rất quyết tâm làm tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, khởi công trong năm 2025 và làm "chỉ trong 3 năm".
Bên cạnh tuyến đường sắt này, ông Đới Hòa Căn cho biết Tập đoàn rất quan tâm đến dự án đường sắt đô thị ở TPHCM và việc nghiên cứu bước đầu với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Theo quy hoạch, đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có tổng mức đầu tư dự kiến 11,6 tỷ USD, huy động từ vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Dự án được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (8,57 tỷ USD) sẽ giải phóng mặt bằng toàn tuyến, đầu tư đường đơn và xây các công trình trên tuyến. Giai đoạn 2 sẽ xây dựng hoàn chỉnh đường đôi.
Hoặc