Thủ tướng Slovakia Robert Fico dự kiến sẽ gặp người đồng cấp Ukraine, Denys Shmyhal, tại thành phố biên giới Uzhhorod của Ukraine vào ngày 7/10. Dự kiến các cuộc hội đàm song phương sẽ tập trung vào chủ đề năng lượng, nhưng có khả năng cuối cùng cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ vẫn là trọng tâm.
Kể từ khi trở lại làm Thủ tướng Slovakia cách đây một năm, ông Fico đã thay đổi đáng kể lập trường của quốc gia thành viên NATO-EU này đối với Ukraine, bao gồm việc dừng viện trợ quân sự cho Kiev.
Mặc dù nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy của Slovakia ủng hộ khả năng quốc gia láng giềng trở thành thành viên EU, nhưng lại cực lực phản đối việc Ukraine gia nhập liên minh quân sự NATO.
"Tôi nghĩ rằng câu hỏi về tư cách thành viên NATO của Ukraine sẽ là thời điểm mang tính quyết định, tiết lộ nhiều điều về tương lai của NATO", ông Fico nói với Đài truyền hình Slovak tại địa điểm diễn ra trận chiến Thế chiến II gần ngôi làng Vysny Komarnik ở Đông Bắc Slovakia vào ngày 6/10.
"Đây là điều mà tôi đã công khai nói với Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal, người Mỹ và mọi người khác: Miễn là tôi còn là Thủ tướng Slovakia, với tư cách là lãnh đạo đảng cầm quyền SMER, tôi sẽ chỉ thị cho các nhà lập pháp nằm dưới sự kiểm soát chính trị của tôi rằng họ không bao giờ đồng ý để Ukraine gia nhập NATO", ông Fico nói.
"Điều đó sẽ chỉ tạo ra cơ sở cho Thế chiến III. Bởi vì các vị biết điều gì có thể xảy ra: Một khi Ukraine trở thành thành viên NATO và một cuộc xung đột tương tự như hiện tại nổ ra, thì nó sẽ được coi là một cuộc tấn công vào một quốc gia thành viên NATO, và một số cơ chế cực kỳ nguy hiểm có thể được kích hoạt", nhà lãnh đạo Slovakia nói, ám chỉ đến Điều 5 trong Hiến chương NATO về phòng thủ tập thể.
"Do đó, chúng tôi phản đối mạnh mẽ ý tưởng rằng Ukraine nên gia nhập NATO", Thủ tướng Slovakia nhấn mạnh.
Bình luận của ông Fico trái ngược hoàn toàn với lập trường của tân Tổng thư ký NATO Mark Rutte, người đã phát biểu hôm 3/10 rằng, "Ukraine đang gần gũi hơn bao giờ hết với NATO và sẽ tiếp tục con đường này cho đến khi các bạn trở thành thành viên của liên minh của chúng tôi".
Theo hiệp ước thành lập NATO năm 1949, các quyết định mở rộng được thông qua "bằng sự nhất trí", nghĩa là sự phản đối của ông Fico đối với việc Ukraine gia nhập liên minh thực sự có thể ngăn chặn tư cách thành viên của nước này, ít nhất cho đến khi nhà lãnh đạo Slovakia kết thúc nhiệm kỳ hiện tại của mình vào năm 2027. Các thành viên NATO thân Nga khác cũng có thể tìm cách ngăn cản nguyện vọng gia nhập liên minh của Ukraine.
Trong các bình luận hôm 6/10, Thủ tướng Fico cũng kêu gọi chấm dứt giao tranh ở Ukraine và gợi ý rằng ông có thể sẽ đến Moscow vào tháng 5 tới nhân kỷ niệm 80 năm ngày kết thúc Thế chiến II, "miễn là tôi được mời".
"Mọi người đều đang cầu nguyện cho cuộc chiến vô nghĩa này mà các nước phương Tây nghĩ rằng sẽ khiến Nga phải khuất phục thông qua Ukraine, nhưng đã thất bại", ông Fico nói.
"Các công ty lớn đang mất rất nhiều tiền (do cuộc xung đột). Và bạn sẽ thấy: Ngay khi một thỏa thuận hòa bình được ký kết, mọi người sẽ đổ xô đến Nga và làm những việc như trước. Đơn giản là họ gọi đó là công việc kinh doanh như thường lệ".
Quan hệ giữa Bratislava và Kiev ngày càng căng thẳng, đặc biệt là những bất đồng về dòng chảy dầu và khí đốt Nga qua lãnh thổ Ukraine.
Hồi tháng 6, Kiev đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với gã khổng lồ dầu mỏ LUKoil của Nga, ngăn chặn dầu của công ty này đi qua Ukraine đến các nhà máy lọc dầu ở Slovakia và Hungary.
Ông Fico cho biết vào ngày 29/7 rằng đất nước của ông sẽ dừng cung cấp dầu diesel cho Ukraine nếu Kiev không khôi phục dòng dầu từ LUKoil qua lãnh thổ của mình. Ukraine cần dầu diesel để cung cấp cho các lực lượng của mình trên tiền tuyến.
Minh Đức (Theo RFE/RL, Politico EU)
Hoặc