Số tỏi biến mất đầy bí ẩn
Tại tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), một sự việc hy hữu khiến dư luận địa phương không khỏi xôn xao. Một cặp vợ chồng thương lái đã chi tới 1,7 triệu nhân dân tệ (khoảng hơn 6 tỷ đồng) để thu mua gần 500 tấn tỏi và gửi vào kho lạnh bảo quản, chờ thời điểm giá lên để bán kiếm lời. Thế nhưng đến khi quay lại kiểm tra, họ chết lặng khi phát hiện toàn bộ số tỏi tích trữ đã "không cánh mà bay".

Ngay sau đó, cô Trương - người trực tiếp đứng ra thu mua số tỏi này đã lập tức cầu cứu chương trình điều tra dân sinh. Đây là chương trình nổi tiếng với việc phanh phui những vụ việc bất công, hỗ trợ người dân yếu thế và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các bên liên quan. Sau khi nhận được thông tin, phụ trách chương trình nhanh chóng có mặt tại hiện trường để tìm hiểu vụ việc.
Qua quá trình tiếp xúc, tổ điều tra xác định đây không đơn thuần là một vụ mất trộm thông thường. Vụ việc còn liên quan đến những mối quan hệ thân thiết trong chính gia đình nạn nhân, khiến mọi việc trở nên phức tạp hơn. Cô Trương chia sẻ, bản thân không phải là nông dân mà là thương lái chuyên thu mua nông sản trực tiếp từ các hộ trồng trọt rồi bán lại cho thương nhân lớn để hưởng chênh lệch.
Nhiều năm qua, gia đình cô đã xây dựng được mạng lưới hợp tác chặt chẽ với người dân địa phương. Việc mua bán diễn ra công khai, hợp pháp và được cả thương lái lẫn nông dân ủng hộ vì giúp họ tiêu thụ nông sản nhanh, giá tốt, giải quyết bài toán đầu ra cho nông dân. Năm ngoái, nhận thấy giá tỏi giảm sâu bất thường, cô Trương dự đoán giá sẽ tăng mạnh vào năm sau khi nhiều nông dân không còn mặn mà trồng tỏi vì không có lãi.
Vì vậy, hai vợ chồng quyết định dốc toàn bộ số tiền tích góp suốt nhiều năm khoảng 1,7 triệu nhân dân tệ, để thu mua tỏi tươi với giá rẻ và gửi vào kho lạnh bảo quản, chờ thời điểm thuận lợi sẽ bán ra thị trường. Thế nhưng, đến cuối mùa thu, khi quay lại kiểm tra hàng, họ tá hỏa phát hiện toàn bộ số tỏi tích trữ đã biến mất sạch sẽ.
Quá hoang mang, cô Trương lập tức đến gặp người quản lý kho lạnh để làm rõ. Ban đầu, người quản lý tỏ thái độ cứng rắn, khẳng định mọi hoạt động nhập xuất trong kho đều phải có giấy tờ hợp lệ, tuyệt đối không thể tự ý lấy hàng ra ngoài.
Tuy nhiên, khi biết tổ điều tra đã có mặt tại hiện trường, thái độ người này lập tức thay đổi, thừa nhận rằng vào một đêm nọ, có người điều khiển nhiều xe tải đến lấy hết số tỏi trong kho mà không để lại bất kỳ chứng từ nào.
Hé lộ thủ phạm và bài học về chữ tín kinh doanh
Từ lời khai của người quản lý kho, cô Trương lập tức nhớ tới Tiểu Vương - người anh họ thân thiết của chồng và cũng là người được giao phụ trách vận chuyển toàn bộ số tỏi vào kho lạnh. Do tin tưởng, nhiều năm qua gia đình cô thường xuyên giao cho Tiểu Vương nhiệm vụ này mà không cần xác nhận lại từng chuyến. Tuy nhiên, trước sự việc bất thường lần này, mọi nghi vấn bắt đầu đổ dồn về phía người quen.
Khi được chất vấn, Tiểu Vương ban đầu tìm cách quanh co chối tội. Song trước áp lực từ người thân và truyền thông, ông buộc phải thừa nhận đã biết sự việc.

Hóa ra, chính con trai của Tiểu Vương vì thua lỗ trong đầu tư, nợ nần chồng chất đã lén lút lấy toàn bộ số tỏi trong kho lạnh đem đi bán trả nợ mà gia đình không hề hay biết.
Khi phát hiện vụ việc, Tiểu Vương cũng hoảng loạn nhưng do sợ liên lụy và vì tình cảm gia đình nên không dám trình báo với cơ quan chức năng, chỉ biết im lặng che giấu.
May mắn, sự việc được phát hiện kịp thời khi số tỏi chưa kịp tiêu thụ hết ngoài thị trường. Nhờ sự hỗ trợ của Tiểu Vương, cô Trương đã tìm lại được phần lớn số hàng trị giá 1,7 triệu NDT.
Về mặt pháp lý, các chuyên gia nhận định hành vi của con trai Tiểu Vương đã đủ yếu tố cấu thành tội trộm cắp tài sản theo quy định của Luật Hình sự Trung Quốc. Riêng Tiểu Vương, dù không trực tiếp tham gia nhưng khi biết sự việc mà không báo cảnh sát, có dấu hiệu dung túng, bao che cho hành vi phạm tội của người thân. Tùy theo mức độ và hậu quả thực tế, Tiểu Vương có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với cô Trương, việc thu mua, tích trữ tỏi chờ giá bán được xác định là hoạt động kinh doanh hợp pháp, phù hợp với quy luật cung cầu của thị trường và không vi phạm pháp luật. Chính cô cũng là người chủ động tố giác sự việc, phối hợp với cơ quan chức năng xử lý vụ việc thấu đáo, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình.
Qua câu chuyện này, giới kinh doanh địa phương rút ra bài học sâu sắc: chữ tín và sự minh bạch là nền tảng quan trọng trong mọi mối quan hệ làm ăn. Lòng tham và sự thiếu trung thực không chỉ phá vỡ tình thân mà còn kéo theo những hệ lụy pháp lý nghiêm trọng. Chỉ có kinh doanh tử tế, minh bạch và tuân thủ pháp luật mới là con đường bền vững, lâu dài.
Theo Baidu
Hoặc