Tình hình tỉnh Tây Nguyên duy nhất định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương

Admin

03/02/2025 12:30

Năm 2024, đứng trước nhiều thách thức, kinh tế Lâm Đồng duy trì mức tăng trưởng 5,3%, chưa đạt kế hoạch đặt ra.

Tình hình tỉnh Tây Nguyên duy nhất định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương- Ảnh 1.

Cụ thể, theo dự thảo báo cáo thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2024 của UBND tỉnh, tốc độ phát triển tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2024 tăng 5,3% so với kế hoạch, tăng từ 7,2 - 7,8%. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,1% (kế hoạch tăng 5,1 - 5,2%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,4% (kế hoạch tăng 7,7 - 8,7%); khu vực dịch vụ tăng 7,2% (kế hoạch tăng 9 - 10%).

Với mức tăng trưởng của các khu vực nêu trên, tính đến cuối năm 2024, cơ cấu kinh tế Lâm Đồng có tỷ lệ đóng góp từ các khu vực bao gồm: Ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 43,8% (kế hoạch từ 36,1 - 36,6%); ngành Công nghiệp, xây dựng chiếm 18,0% (kế hoạch từ 19,4 - 19,5%) và ngành Dịch vụ chiếm 38,2% (kế hoạch từ 44 - 44,4%).

Một số chỉ tiêu khác không đạt, đó là tổng vốn đầu tư toàn xã hội đến hết năm 2024 bằng 28,5% GRDP (kế hoạch từ 34 - 36%); thu ngân sách nhà nước đạt 13.100 tỷ đồng, bằng 100,1% dự toán Trung ương, bằng 92,6% dự toán địa phương...

Điểm sáng của nền kinh tế nằm ở chỉ tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 985,8 triệu USD, vượt so với kế hoạch và tăng 6,1% so với cùng kỳ; tổng lượng khách du lịch qua đăng ký lưu trú đạt 7.600 nghìn lượt khách đạt so với kế hoạch và tăng 13,4% so với cùng kỳ. Tương tự, GRDP bình quân đầu người đạt 103,6 triệu đồng so với kế hoạch từ 95 - 95,3 triệu đồng và tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 21% cao hơn so với kế hoạch là 6 - 7%.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, năm 2024, kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và khả năng, năng lực của tỉnh; ngành công nghiệp - xây dựng tăng trưởng chậm; hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn... Mặt khác, công tác thu hút đầu tư, nhất là dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chưa có nhiều chuyển biến tích cực và chỉ thu hút được 3 dự án vốn trong nước.

Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu; các công trình trọng điểm tuy được quan tâm chỉ đạo thực hiện nhưng tiến độ chưa bảo đảm theo yêu cầu của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; nhiều dự án gặp khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ dứt điểm như dự án đường cao tốc, hồ Ta Hoét, hồ Đông Thanh, hồ Kazam… dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chậm, tăng trưởng kinh tế đạt thấp.

Năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP (theo giá so sánh 2010) tăng từ 9 - 10%; trong đó, khu vực nông - lâm - thủy tăng từ 5,2 - 5,4%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng từ 13,5 - 14,5%; khu vực dịch vụ tăng từ 10,5 - 11,5%.

GRDP bình quân đầu người từ 115 - 117 triệu đồng/người; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân từ 10,7% - 11,7%. Tổng đầu tư phát triển xã hội chiếm khoảng 31% - 35% GRDP; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 14.500, phấn đấu đạt 15.000 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt giá trị 1,1 tỷ USD, tăng 11,6% so với năm 2024 và tổng lượt khách du lịch đăng ký qua lưu trú 8.300 nghìn lượt, tăng 10%, khách quốc tế 850 ngàn lượt, tăng 41,7% so với năm 2024.

Trước đó, quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 29/12/2023. Theo quy hoạch, giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Lâm Đồng sẽ phát triển trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện; xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao mang tầm khu vực Đông Nam Á.

Lâm Đồng sẽ tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, tăng năng suất, đổi mới, sáng tạo; tập trung phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ; cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt 170 triệu đồng/người.

Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân; phát triển giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; quản lý và bảo vệ rừng; xử lý ô nhiễm môi trường; bảo vệ các giá trị cốt lõi về thiên nhiên và lịch sử văn hóa.

Tập trung hoàn thiện các tuyến giao thông kết nối, tăng cường liên kết với các tỉnh trong khu vực; xây dựng hệ thống đô thị bền vững; hình thành các tổ hợp về du lịch, dịch vụ và công nghiệp; phát triển du lịch chất lượng cao, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc, tài nguyên thiên nhiên và liên kết vùng.

Mục tiêu đến năm 2050, tỉnh Lâm Đồng đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống gồm 3 quận (Đà Lạt, Bảo Lộc, Đức Trọng), 3 thị xã, 3 huyện. Lâm Đồng là tỉnh Tây Nguyên duy nhất định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương.