Cung đèo ám ảnh
Đèo Lo Xo là nỗi ám ánh của cánh tài xế mỗi khi phải lưu thông qua tuyến đường này. Cung đèo quanh co, uốn lượn, hai bên núi cao vực thẳm, nguy cơ tai nạn luôn rình rập. Chính vì vậy, nhiều người gọi nơi đây là đèo "tử thần".
Thực tế, những năm qua, đã có rất nhiều vụ tai nạn thảm khốc tại đây, cướp đi sinh mạng của hàng chục người. Trong bối cảnh đầy thách thức của thiên nhiên khắc nghiệt, tinh thần đoàn kết, cứu hộ cứu nạn của con người trở thành điểm sáng đầy cảm động.
Đèo Lò Xo, dài 37km, từ xã Đăk Man (huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) đến thị trấn Khâm Đức (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam).
Theo ghi nhận của chúng tôi, cung đèo với nhiều đoạn cua gấp khúc, hai bên là vực sâu thăm thẳm. Đặc biệt, vào những ngày mưa bão trên đèo sương mù dày đặc che khuất tầm nhìn, mặt đường trơn trượt rất dễ xảy ra tai nạn.
Ông Lê Huy Thanh, cựu Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đăk Man là người tham gia cứu hộ cứu nạn hàng chục vụ tai nạn thảm khốc trên đèo Lo Xo. Với thâm niên hơn 10 năm gắn bó với trạm y tế, nằm gần khu vực đèo Lo Xo, ông Thanh nhớ như in những lần cứu người trên đèo.
Trò chuyện với chúng tôi ông Thanh kể, hàng chục năm công tác tại Trạm Y tế xã Đăk Man, bản thân ông đã chứng kiến vô số vụ tại nạn thảm khốc. Ông nhớ nhất là vụ tai nạn năm 2005 đã cướp đi sinh mạng của 29 cựu chiến binh.
Ông Thanh nhớ lại, vào năm 2005, một xe khách chở đoàn cựu chiến binh đi từ Bắc vào Nam để thăm lại chiến trường xưa nhân dịp ngày Thương binh liệt sĩ 27/7. Khi xe đổ đèo Lò Xo, tài xế không quen đường, kèm theo những đoạn cua gấp khúc nên xe bị mất lái lao xuống dưới vực sâu.
"Lúc đó, khoảng 7h sáng, tôi vừa đến trạm thì nhận được tin báo vụ tai nạn. Tôi lập tức chạy ra hiện trường. Chiếc xe bẹp dúm, nằm dưới vực sâu, khiến công tác cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn. Lực lượng chức năng ở xa chưa đến kịp, nhiều tài xế, người dân khu vực lân cận nghe tin chạy đến ứng cứu.
Họ buộc dây thừng, dùng mọi cách có thể xuống vực, tìm cách tiếp cận chiếc xe bị nạn. Một số người, dù không được trang bị chuyên nghiệp, đã bất chấp nguy hiểm để cứu những hành khách bị mắc kẹt.
Thế nhưng, trên xe có tổng cộng 31 người thì 29 nạn nhân tử vong. Vụ tại nạn thảm khốc đó cho đến nay tôi vẫn nhớ mãi", ông Thanh kể.
Theo ông Thanh, có những vụ tai nạn xảy ra vào đêm khuya, công tác cứu hộ người bị nạn gặp rất nhiều khó khăn.
Biệt đội cứu người
Nằm lưng chừng chân đèo Lò Xo là cửa hàng sửa chữa ô tô của anh Nguyễn Vỹ Ly (35 tuổi, trú tại xã Đăk Pek, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum).
Trò chuyện với chúng tôi, anh Ly cho biết: "Là một người dân sinh sống và gắn bó với đèo Lò Xo từ thuở bé, bản thân cũng đã chứng kiến vô số vụ tai nạn giao thông thảm khốc, nhiều nạn nhân đã phải "nằm lại" trên đỉnh đèo Lò Xo lạnh lẽo. Chứng kiến cảnh tượng đó, mình cũng cảm thấy xót xa, thương cảm cho những phận người phải ra đi mãi mãi".
Để kịp thời cứu giúp người bị nạn, một số anh em sinh sống và làm việc trên địa bàn huyện đã tập hợp lại và tham gia cứu giúp những người gặp nạn trên đèo Lò Xo. Thấy việc làm ý nghĩa, thiết thực, nên lâu dần nhiều người cùng tham gia và đặt tên là Đội SOS đèo Lò Xo".
Anh Đinh Văn Hoàng (36 tuổi, trú tại thôn Măng Khênh, xã Đăk Man, huyện Đăk Glei) thành viên của đội SOS, vẫn nhớ như in câu chuyện những ngày giáp năm 2022. Anh Hoàng kể, khoảng 4h sáng, nghe tin trên đèo Lò Xo xảy ra tai nạn, anh cùng anh các anh em trong đội vội vàng chuẩn bị dụng cụ kìm cộng lực, kích thủy lực, dụng cụ y tế nhanh chóng lên đường ứng cứu người bị nạn.
Hiện trường trước mắt là một người bị văng ra khỏi xe, nằm trên đường, còn một người bị kẹt cứng trong cabin xe.
"Trước sự nguy cấp, chúng tôi dùng kìm cộng lực cắt phá cabin xe để tập trung ứng cứu người bị nạn. Sau đó, nạn nhân này được kịp thời đưa ra khỏi cabin an toàn, sơ cứu ban đầu rồi chuyển xuống Trung tâm Y tế huyện Đăk Glei. Tuy nhiên, đau lòng là nạn nhân bị văng ra khỏi xe đã tử vong ngay sau đó", anh Hoàng nói.
Theo anh Hoàng, trong những năm qua, đội SOS luôn sẵn sàng hỗ trợ người dân. Khi nghe có trường hợp tai nạn các anh em trong đội không quản ngày đêm, mưa nắng tức tốc đến hiện trường. Nhờ sự cơ động, ứng cứu nhanh mà nhiều người gặp nạn được sơ cứu kịp thời nên giữ được tính mạng.
Không chỉ cứu hộ các phương tiện gặp nạn, mà đội SOS còn thực hiện nhiều việc làm khác giúp đỡ cộng đồng.
Thời điểm tháng 10/2020 tỉnh Kon Tum phải hứng chịu hậu quả của cơn bão số 9 càn quét qua, huyện Đăk Glei cũng bị thiệt hại nặng nề.
Nhiều tuyến đường đi vào các xã như Mường Hoong, Ngọc Linh, Đăk Blô bị chia cắt hoàn toàn, hàng chục căn nhà bị bùn đất tràn vào.
Để kịp thời giúp đỡ người dân, các thành viên Đội SOS đèo Lò Xo cũng đã tình nguyện "mở đường" đưa các nhu yếu phẩm như: áo ấm, mì tôm, nước để giúp đỡ bà con bị mắc kẹt.
Bên cạnh đó, các thành viên trong đội cũng xung phong hỗ trợ người dân dọn dẹp bùn đất, vận chuyển đồ đạc đến những nơi an toàn.
Bên cạnh đó, Đội SOS đèo Lò Xo còn tổ chức "nồi cháo yêu thương" hay "áo ấm mùa đông" để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Ông Hoàng Văn Bản, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Man cho biết, trước tình hình tai nạn xảy ra liên tục trên cung đường đèo Lò Xo, vừa qua, lãnh đạo xã đã có buổi làm với Hạt Quản lý đường bộ. Xã đã đề xuất Hạt Quản lý đường bộ xin ý kiến Cục Đường bộ mở rộng phạm vi các "điểm đen" thường xuyên xảy ra tai nạn. Bên cạnh đó, làm những đoạn đường tránh nạn, để khi các xe xảy ra sự cố có thể đánh lái vào đó, hạn chế tối thiểu những sự cố dẫn đến tai nạn thương tâm.
Với những việc làm thầm lặng, thiết thực và ý nghĩa, những "dũng sĩ" của đội SOS đèo Lò Xo đã được Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Đăk Glei và Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) tặng bằng khen về sự nghĩa hiệp, kịp thời cứu giúp người gặp nạn.
Hoặc