Tòa Hiến pháp Thái Lan bãi nhiệm Thủ tướng Srettha Thavisin

14/08/2024 21:00

Phán quyết của Tòa Hiến pháp Thái Lan là phán quyết cuối cùng và không thể kháng cáo.

Tòa Hiến pháp Thái Lan hôm 14/8 đã bãi nhiệm Thủ tướng Srettha Thavisin sau phán quyết rằng ông vi phạm hiến pháp trong việc bổ nhiệm nội các. Phán quyết này có khả năng tái hiện tình trạng bế tắc mà chính trường Thái Lan từng trải qua một năm sau cuộc tổng tuyển cử năm 2023.

Hồi tháng 5, Tòa Hiến pháp đã chấp nhận đơn thỉnh cầu do 40 Thượng nghị sĩ đệ trình nhằm bãi nhiệm ông Srettha khỏi vị trí Thủ tướng. Các Thượng nghị sĩ lập luận rằng việc ông Sretta bổ nhiệm ông Pichit Chuenban làm bộ trưởng nội các vào tháng 4 là vi hiến vì ông Pichit đã bị kết án 6 tháng tù vào năm 2008 vì một vụ án hối lộ.

Tòa Hiến pháp Thái Lan bãi nhiệm Thủ tướng Srettha Thavisin- Ảnh 1.

Tòa Hiến pháp Thái Lan bãi nhiệm Thủ tướng Srettha Thavisin với phán quyết rằng ông vi phạm hiến pháp trong việc bổ nhiệm nội các. Ảnh: Rappler

Hiến pháp Thái Lan quy định rằng một bộ trưởng "không được có hành vi vi phạm nghiêm trọng hoặc không tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức", và rằng chức vụ bộ trưởng của người đó sẽ chấm dứt khi vi phạm quy định.

Ông Srettha cho biết quá trình bổ nhiệm ông Pichit làm bộ trưởng được thực hiện hợp pháp và cẩn trọng, đồng thời nói thêm rằng ông sẽ tôn trọng phán quyết của Tòa bất kể phán quyết đó ra sao.

Phán quyết của Tòa Hiến pháp Thái Lan là phán quyết cuối cùng và không thể kháng cáo.

Từng là một "ông trùm" bất động sản, ông Srettha đã trở thành Thủ tướng Thái Lan vào tháng 8 năm ngoái khi Đảng Pheu Thai (Vì người Thái) của ông có cơ hội thành lập chính phủ liên minh hiện tại, chấm dứt 9 năm cầm quyền của phe quân đội.

Ưu tiên của ông Srettha kể từ khi nhậm chức là khắc phục nền kinh tế trì trệ của đất nước. Ông ủng hộ một chương trình phát tiền ví kỹ thuật số trị giá 500 tỷ baht (13,8 tỷ USD) mà ông cho biết sẽ tạo ra việc làm và thúc đẩy chi tiêu ở các khu vực kém phát triển. Kế hoạch này hiện vẫn chưa được triển khai.

Ông Srettha cũng đặt mục tiêu thu hút nhiều đầu tư nước ngoài hơn và biến Thái Lan trở thành trung tâm du lịch toàn cầu, mở rộng chính sách miễn thị thực và công bố kế hoạch tổ chức các sự kiện lớn nhằm thúc đẩy nền kinh tế.

Với việc nhà lãnh đạo đương nhiệm phải từ chức, các nhà lập pháp Thái Lan sẽ triệu tập một cuộc bỏ phiếu của quốc hội để chọn một Thủ tướng mới. Người được chọn phải nằm trong số các ứng cử viên Thủ tướng mà các chính đảng đã đệ trình lên Ủy ban bầu cử trước cuộc tổng tuyển cử gần đây nhất là vào năm 2023.

Đảng Pheu Thai cầm quyền có 2 ứng cử viên khác là bà Paetongtarn Shinawatra, con gái của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, và ông Chaikasem Nitisiri.

Minh Đức (Theo Nikkei Asia, CNN)

Bạn đang đọc bài viết "Tòa Hiến pháp Thái Lan bãi nhiệm Thủ tướng Srettha Thavisin" tại chuyên mục Tin tức. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903 78 12 09, hoặc gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com.