Cần thiết xây dựng ban hành Nghị quyết
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 38, chiều 9/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Tp.Hải Phòng.
Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 45, Tp.Hải Phòng đã đạt được những thành tựu và kết quả quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao.
Cùng với những kết quả đạt được, thành phố còn gặp khó khăn, vướng mắc trong mô hình quản lý hiện nay, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước tại địa bàn đang phát triển năng động.
Mô hình tổ chức chính quyền địa phương của thành phố chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của việc quản lý một đô thị lớn, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, của thành phố trong giai đoạn mới,…
Thực tiễn đó đã đặt ra yêu cầu cần tổ chức bộ máy chính quyền đô thị tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, công khai, minh bạch trong quản lý và phục vụ nhân dân tốt hơn của chính quyền các cấp của thành phố.
Bên cạnh đó, vừa qua, việc tổ chức chính quyền đô thị tại các Tp.Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã đạt được những kết quả tích cực và Quốc hội đã ban hành các Luật, Nghị quyết để thực hiện chính thức;
Ngày 13/9/2024, Bộ Chính trị đã họp đồng ý triển khai chính thức mô hình tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng.
Vì vậy, việc xây dựng ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Tp.Hải Phòng là cần thiết.
Dự thảo Nghị quyết gồm 10 điều, quy định về: Về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng; nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương khi tổ chức chính quyền đô thị; Về cơ cấu tổ chức của HĐND và UBND khi tổ chức chính quyền đô thị;
Về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, UBND cấp huyện, đơn vị sự nghiệp công lập;…
Trình Quốc hội xem xét, quyết định
Thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban tán thành với sự cần thiết trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Tp.Hải Phòng.
Việc quy định về mô hình chính quyền đô thị tại Tp.Hải Phòng để thực hiện ngay mà không cần thí điểm đã bảo đảm đầy đủ các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn.
Hồ sơ dự thảo Nghị quyết do Chính phủ trình bảo đảm đầy đủ theo quy định, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Về phạm vi điều chỉnh, Ủy ban Pháp luật đề nghị Nghị quyết chỉ tập trung quy định về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại Tp.Hải Phòng, những nội dung khác liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù, khác với luật của Quốc hội nên được thực hiện thí điểm để bảo đảm đúng theo yêu cầu của Bộ Chính trị và quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về các nội dung cụ thể của dự thảo nghị quyết, đề nghị tiếp tục rà soát, chỉnh lý các quy định của dự thảo về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND thành phố để bảo đảm phù hợp, khả thi; không tách biệt nhiệm vụ, quyền hạn của UBND và nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND quận, phường...
Tại phiên họp, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết và nội dung tại dự thảo Nghị quyết. Việc thực hiện tổ chức chính quyền đô thị phải đảm bảo sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn,hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cải cách, đổi mới hoạt động của chính quyền địa phương theo hướng phân định rõ hơn nhiệm vụ, thẩm quyền,...
Đồng thời, bảo đảm phù hợp với các chủ trương, định hướng của Đảng tại Nghị quyết số 45 và Kết luận của Bộ Chính trị.
Theo đó, các ý kiến cũng bày tỏ tán thành việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Tp.Hải Phòng tương tự với mô hình đang được thực hiện tại Tp.Đà Nẵng và Tp.Hồ Chí Minh; tán thành với việc tăng cường bộ máy, tăng thêm số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách cho HĐND thành phố;
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Chính phủ, các Bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền thành phố Hải Phòng đã xây dựng hồ sơ dự thảo Nghị quyết bảo đảm đầy đủ theo quy định; đủ các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật kỹ lưỡng, nêu rõ quan điểm đối với từng nội dung cụ thể.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với nội dung dự thảo Nghị quyết. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của các cơ quan thẩm tra, khẩn trương hoàn thiện Hồ sơ dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, giao Ủy ban Pháp luật hoàn thiện Báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8 theo quy định.
Hoặc