Trung Quốc đưa “sứ giả” đặc biệt trở lại Washington, D.C.

16/10/2024 12:30

Trung Quốc vừa gửi 2 chú gấu trúc khổng lồ đến Vườn thú quốc gia Smithsonian ở Washington, D.C., Mỹ. Đây là một động thái ngoại giao hiếm hoi giữa hai siêu cường hàng đầu thế giới.

Hai chú gấu trúc 3 tuổi – một chú gấu đực tên là Bao Li và một chú gấu cái tên là Qing Bao – hôm 15/10 đã đến Sân bay quốc tế Dulles ở Virginia, nằm cách trung tâm Washington D.C. khoảng 42 km về phía Tây.

Cặp gấu trúc Bao Li và Qing Bao nằm trong số ít những chú gấu đen trắng khổng lồ hiện diện ở Mỹ.

Trước đó, hầu hết các thành viên của họ gấu này rất được yêu mến ở "xứ cờ hoa" đã được gửi trở về quê hương Trung Quốc của chúng trong những năm gần đây theo các hợp đồng đã thỏa thuận trước. Theo đó, 3 chú gấu trúc tại Vườn thú quốc gia Washington đã hồi hương vào tháng 11 năm ngoái.

Nhiều người cho rằng việc "khoảng trống" do 3 chú gấu này để lại không được lấp đầy nhanh chóng phản ánh sự căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) đã nhanh chóng hứa rằng ông sẽ gửi những chú gấu trúc mới tới như là "sứ giả của tình hữu nghị".

Hồi tháng 8, Vườn thú San Diego đã chào đón 2 chú gấu trúc khổng lồ mới. Đây là những chú gấu đầu tiên đến Mỹ sau 21 năm.

"Một phần mang tính biểu tượng của DC"

Công chúng đang cực kỳ mong đợi về sự xuất hiện của cặp gấu trúc mới là Bao Li và Qing Bao tại Washington, D.C. Thậm chí, trang web của sở thú còn dành riêng một dòng trạng thái để thông báo: "Những chú gấu trúc đang đến".

Trung Quốc đưa “sứ giả” đặc biệt trở lại Washington, D.C.- Ảnh 1.

Một máy bay chở hàng do FedEx vận hành đang vận chuyển 2 chú gấu trúc khổng lồ, hạ cánh xuống sân bay Dulles ở Virginia, ngày 15/10/2024. Ảnh: Getty Images

Trung Quốc đưa “sứ giả” đặc biệt trở lại Washington, D.C.- Ảnh 2.

Cặp gấu trúc khổng lồ đến sân bay Dulles ở Virginia, ngày 15/10/2024. Ảnh: Getty Images

"Những chú gấu trúc khổng lồ là một phần mang tính biểu tượng của Washington, D.C., đối với cả người dân địa phương và du khách đến đây", ông Elliott L Ferguson II, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Destination DC – tổ chức chính thức chuyên quảng bá về thủ đô nước Mỹ, cho biết.

"Sự quan tâm và phấn khích liên quan đến sự trở lại của gấu trúc mang lại lợi ích trực tiếp cho toàn bộ thành phố, thu hút thêm sự quan tâm và du khách đến các khách sạn, nhà hàng và các điểm tham quan khác của chúng tôi", ông Ferguson nói.

Bao Li là hậu duệ của gấu trúc Bao Bao, sinh ra tại D.C. vào năm 2013 và sống ở đó đến năm 2017. Tất cả gấu trúc sinh ra tại Vườn thú quốc gia đều trở về Trung Quốc khi được 4 tuổi như một phần của chương trình nhân giống giúp bảo vệ tuổi thọ của loài, hiện đang được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) coi là “dễ bị tổn thương”.

Trung Quốc đưa “sứ giả” đặc biệt trở lại Washington, D.C.- Ảnh 3.

Gấu trúc cái 2 tuổi Qing Bao trong môi trường sống của mình tại Dujiangyan, ở Tứ Xuyên, Trung Quốc, ngày 17/5/2024. Ảnh: Viện Bảo tồn Sinh học và Vườn thú Quốc gia Smithsonian

Vườn thú quốc gia đã cải tạo môi trường sống của gấu trúc trước khi những chú gấu mới đến, thiết lập các hồ nước nông và bệ tre mới. Công chúng sẽ không được nhìn thấy cặp gấu trúc mới ngay lập tức, vì chúng sẽ bị cách ly trong môi trường sống của gấu trúc trong tối thiểu 30 ngày. Dự kiến ngày Bao Li và Qing Bao ra mắt công chúng “xứ cờ hoa” là ngày 24/1 năm sau.

"Ngoại giao gấu trúc"

Trung Quốc đã sử dụng phương thức gọi là "ngoại giao gấu trúc" kể từ năm 1972, khi những chú gấu đầu tiên được gửi đến Washington, D.C. như một món quà, sau chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ khi đó là Richard Nixon tới Trung Quốc.

Sau đó, một loạt các thỏa thuận hợp tác kéo dài 10 năm đã được ký kết, điều mà người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ Lưu Bằng Vũ (Liu Pengyu) ghi nhận là đã thúc đẩy nghiên cứu bảo tồn gấu trúc.

"Vòng hợp tác hiện tại sẽ tập trung vào việc phòng ngừa và điều trị các bệnh chính, bảo vệ môi trường sống và quần thể gấu trúc khổng lồ hoang dã", ông Lưu trả lời truyền thông Mỹ qua email. "Chúng tôi hy vọng sự xuất hiện của những chú gấu trúc sẽ tạo động lực mới cho các cuộc trao đổi giữa Trung Quốc và Mỹ, đồng thời giúp ổn định mối quan hệ song phương rộng lớn hơn".

Theo Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), tính đến năm 2014, có khoảng 1.860 con gấu trúc khổng lồ trong tự nhiên, tăng 17% so với thập kỷ trước. Vào năm 2021, các nhà bảo tồn Trung Quốc đã phân loại lại loài động vật này từ loài có nguy cơ tuyệt chủng thành loài dễ bị tổn thương.

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Cách biệt giữa bà Harris và ông Trump đang biến mất, bầu cử Tổng thống Mỹ nghẹt thở đến phút chótCách biệt giữa bà Harris và ông Trump đang biến mất, bầu cử Tổng thống Mỹ nghẹt thở đến phút chót

Minh Đức (Theo Al Jazeera, ABC News)