Tại khoản 3, Điều 53 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Tại Khoản 4 Điều 6 Thông tư 58 ban hành ngày 16/06/2020 của Bộ Công an về quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ quy định như sau: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe thì tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng, được phân bổ, thừa kế xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục cấp đăng ký, biển số.
Trường hợp xe lưu thông trên đường mà chưa đăng ký, gắn biển số thì có thể bị xử phạt hành chính. Cụ thể Nghị định 100/2019/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP) quy định:
Đối với người điều khiển phương tiện
Người điều khiển ôtô sẽ bị phạt 2.000.000-3.000.000 đồng nếu vi phạm một trong các lỗi:
-Điều khiển xe không có Giấy đăng ký xe theo quy định hoặc sử dụng Giấy đăng ký xe đã hết hạn sử dụng (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc);
- Điều khiển xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) không gắn biển số (đối với loại xe có quy định phải gắn biển số);
- Điều khiển xe ô tô tải (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) có kích thước thùng xe không đúng với thông số kỹ thuật được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe;
- Điều khiển xe lắp đặt, sử dụng còi vượt quá âm lượng theo quy định.
Ngoài ra, người điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 1-3 tháng.
Đối với môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), mức phạt từ 800.000 đến 1.000.000 đồng đối với các lỗi:
- Điều khiển xe không có Giấy đăng ký xe theo quy định hoặc sử dụng Giấy đăng ký xe đã hết hạn sử dụng;
- Sử dụng Giấy đăng ký xe đã bị tẩy xóa; sử dụng Giấy đăng ký xe không đúng số khung, số máy của xe hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp;
- Điều khiển xe không gắn biển số (đối với loại xe có quy định phải gắn biển số); gắn biển số không đúng với Giấy đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Đối với chủ phương tiện
Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô đưa phương tiện không gắn biển số (đối với loại xe có quy định phải gắn biển số) tham gia giao thông. Bị tạm giữ phương tiện đến 07 ngày trước khi ra quyết định xử phạt.
Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô. Bị tạm giữ phương tiện đến 07 ngày trước khi ra quyết định xử phạt.
Tuy nhiên, không phải lúc nào việc vi phạm quy định về biển số xe cũng bị phạt. Dưới đây là một số trường hợp ngoại lệ.
Xe mới mua trong thời gian chờ đợi: Một trong những trường hợp ngoại lệ phổ biến nhất là xe mới mua. Theo quy định, sau khi mua xe mới, người sở hữu có thời gian tối đa từ 30 đến 60 ngày để hoàn tất thủ tục đăng ký biển số xe. Trong thời gian chờ đợi này, để tránh bị phạt khi lưu thông, chủ xe nên mang theo đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc, hóa đơn mua bán xe.
Trong khoảng thời gian này, xe mới mua thường được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm tạm thời giúp chủ xe có quyền lưu thông trên đường mà không bị xử phạt. Tuy nhiên, khi được cấp đăng ký xe tạm thời nhưng tham gia giao thông ngoài phạm vi hoặc quá thời hạn quy định, bạn vẫn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định.
Xe được chuyển quyền sở hữu: Khi xe chuyển quyền sở hữu từ người này sang người khác, việc thay đổi thông tin đăng ký biển số xe là điều cần thiết. Đối với tình huống này, người mua có thời gian tối đa là 30 ngày từ lúc ký kết hợp đồng mua bán để hoàn tất thủ tục thay đổi thông tin tại cơ quan chức năng.
Tương tự như xe mới mua, khi lưu thông trong thời gian này, chủ xe cần mang theo các giấy tờ liên quan để tránh bị xử phạt nếu bị kiểm tra bởi lực lượng chức năng.
Xe của các cơ quan, tổ chức đặc thù: Một số phương tiện thuộc sở hữu của các cơ quan, tổ chức đặc thù có thể được miễn hoặc có quy định riêng về việc đăng ký biển số. Ví dụ, xe của lực lượng vũ trang, quốc phòng hoặc những tổ chức đặc thù như lãnh sự quán nước ngoài tại Việt Nam. Những phương tiện này thường có các ký hiệu riêng biệt và được miễn trừ một số quy định nhằm phục vụ nhiệm vụ đặc thù của họ.
Xe phục vụ mục đích nghiên cứu, thử nghiệm: Xe phục vụ mục đích nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ mới cũng có thể được miễn trừ việc đăng ký biển số trong một khoảng thời gian nhất định. Thông thường những loại xe này cần có giấy phép đặc biệt từ các cơ quan quản lý và tuân thủ các quy định cụ thể liên quan đến việc thử nghiệm và kiểm tra trên đường.
M.H (t/h theo VTC News, VOV)
Hoặc