
Yên Bái là một tỉnh miền núi, nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, là "cửa ngõ phên dậu" vùng Tây Bắc. Yên Bái là một vùng đất nhiều tiềm năng với hình sông thế núi được kiến tạo dọc sông Hồng trên nền phù sa cổ sinh, với những cánh đồng bằng phẳng đan xen cùng núi non. Đây là tặng vật của thiên nhiên để con người gây dựng nên những xóm làng trù mật và thanh bình.
Trong thời đại mới, Yên Bái đã có những thay đổi rõ nét, trở thành một trong những mảnh đất thu hút được nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh.
Theo số liệu từ Cổng thông tin điện tử tỉnh Yên Bái, tính đến hết quý 1/2025, tăng trưởng của ngành công nghiệp tỉnh Yên Bái đã ghi nhận những con số hết sức ấn tượng.
Tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp, xây dựng ước đạt 11,92%, đứng thứ 6/14 tỉnh vùng (trong đó công nghiệp ước đạt 13%). Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,8% (kịch bản tăng trưởng quý I/2025 là 8,5%). Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 4.460 tỷ đồng, bằng 22,3% kế hoạch; bằng 105,2% so với kịch bản tăng trưởng quý I/2025 và bằng 110,5% so với cùng kỳ năm 2024.

Năm 2005, tỉnh Yên Bái thành lập KCN Phía Nam là KCN đầu tiên của tỉnh. Trải qua 20 năm đầu tư phát triển các KCN, tỉnh Yên Bái đã phê duyệt quy hoạch xây dựng 4 KCN thuộc hệ thống KCN quốc gia, với tổng diện tích 882,39 ha. Trong số đó, 3 KCN gồm: Âu Lâu, Minh Quân và Phía Nam đã chính thức đi vào hoạt động, với hạ tầng kỹ thuật được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Tính đến ngày 25/3/2025, các KCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút 96 dự án đầu tư, bao gồm 18 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký đạt 16.612 tỷ đồng và tổng diện tích đất đăng ký 457 ha. Tỷ lệ lấp đầy trung bình tại các KCN đạt khoảng 90%. Hiện nay, có 43 dự án đã chính thức đi vào hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 4.500 lao động, với mức lương trung bình 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Các KCN mỗi năm đóng góp giá trị sản xuất công nghiệp ước tính hơn 7.650 tỷ đồng, cùng với giá trị xuất khẩu đạt trên 170 triệu USD. Đồng thời, 606,5 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước đã được huy động để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch. Hàng năm, các KCN đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 90 tỷ đồng.

Một KCN tại Yên Bái
Để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư vào các KCN và hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất, tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030 sẽ mở rộng KCN Minh Quân và KCN Trấn Yên.
Đồng thời, tỉnh cũng sẽ quy hoạch thêm 4 khu công nghiệp mới với tổng diện tích 1.025 ha, bao gồm: KCN Y Can 350 ha tại huyện Trấn Yên, KCN Đông An 350 ha tại huyện Văn Yên, KCN Thịnh Hưng 184 ha tại huyện Yên Bình và KCN Lục Yên 300 ha tại huyện Lục Yên. Mục đích nhằm có thêm quỹ đất cho các nhà đầu tư thứ cấp thực hiện dự án trong các KCN, tạo thêm việc làm cho lao động, tăng thu ngân sách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tại Chương trình Cà phê doanh nhân - Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm trao đổi, chia sẻ, giải quyết khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà đầu tư đang hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trong các KCN trên địa bàn tỉnh diễn ra hôm 3/4, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Anh yêu cầu Ban Quản lý các KCN tỉnh cần chủ động cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh thực hiện thủ tục hành chính, hỗ trợ mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư làm tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; kiên quyết thu hồi các dự án không đảm bảo tiến độ do nguyên nhân chủ quan.
Hoặc