“Ước gì con đi làm gần nhà, những lúc gió bão thế này có con ở nhà với mẹ và em”

06/09/2024 16:18

Nhiều cảm xúc lo lắng đan xen, tâm trạng sốt ruột chỉ muốn được trở về nhà ngay là điều khó tránh khỏi với những bạn trẻ đang đi học, đi làm xa nhà cả trăm, nghìn cây số.

Những ngày gần đây, tin tức về siêu bão số 3 (bão Yagi) khiến nhiều người bày tỏ sự lo lắng. Ai đang sinh sống tại những tỉnh, thành được dự đoán có bão đổ bộ đều chuẩn bị sẵn sàng tinh thần ứng phó. Còn với những bạn trẻ đang sống xa nhà lúc này, nghe tin bão cũng đầy thấp thỏm, lo âu.

Lo mẹ và em ở nhà không biết đã chuẩn bị đầy đủ chưa, lo nhà cắt điện phải liên lạc thế nào, lo cả những ruộng lúa sắp trổ bông lại ngập trong lũ,... Vô vàn những nỗi lo khác khiến hội Gen Z “đứng ngồi không yên”, thậm chí không thể ngủ chỉ để cập nhật tình hình mưa bão ở nhà.

Và nếu có một điều muốn được thực hiện nhất lúc này với hội đi học, đi làm xa nhà chính là: “Ước có mặt ở nhà bên gia đình lúc này”.

“Ước gì con đi làm gần nhà, những lúc gió bão thế này có con ở nhà với mẹ và em”- Ảnh 1.

Không dám tâm sự sợ gia đình lo thêm, nhiều bạn trẻ chọn cách giãi bày tâm trạng xa nhà trên MXH (Ảnh chụp màn hình)

Nghe thấy tin bão là lo sợ, ký ức mái nhà bị thổi tung chạy trong đầu

Hà My (SN 2000, Thanh Hoá) hiện tại đang làm việc tại Hà Nội cho biết khu vực nhà mình năm nào cũng có những đợt bão lớn, bão nhỏ. Do vậy dù có kinh nghiệm phòng tránh hay chạy lụt thì cứ đến mùa này, nghe tin bão vẫn khiến Hà My lo sợ. Nhất là hiện tại, khi đang ở xa nhà, không ở cùng bố mẹ càng khiến nỗi lo nhân lên gấp bội.

Trong ký ức của My mấy năm trước, khi chưa đắp đê cao và kiên cố thì trận bão nào cũng gây ra ngập úng. “Những năm trước cứ đến mùa mưa bão là kiểu gì cũng lụt, có năm mấy nhà cấp 4 lụt gần quá nóc nhà, nửa đêm cả xã đi chạy lũ với đắp đê. Nhà mình mấy năm trước bão còn thổi tung cả nóc nhà, nên giờ nghe tin bão là lo lắm, sợ mọi người ở quê nguy hiểm. Mà bão Yagi còn được dự đoán là cơn bão lớn nhất năm nên mình càng sợ hơn”, Hà My chia sẻ.

Sinh ra và lớn lên ở Nam Định, Bùi Thanh (SN 2002) hiện cũng đang công tác tại Hà Nội cho biết: “Chỗ mình không hay phải chịu nhiều trận bão lớn nhưng cũng đã bị ảnh hưởng khá nhiều. Bởi dông gió, mưa lớn gây thiệt hại hoa màu, ruộng lúa của mọi người. Nhớ mấy năm trước nhiều hộ gia đình phải gieo mạ lại 2 đến 3 lần vì cứ gieo xong lại ngập lụt nên lúa chết hết. Và giờ tới khi lúa sắp trổ bông lại nghe tin bão lớn lần này, Nam Định quê mình cũng nằm trong vùng đỏ nên thật sự rất hoang mang, lo lắng”.

“Ước gì con đi làm gần nhà, những lúc gió bão thế này có con ở nhà với mẹ và em”- Ảnh 2.

(Ảnh: MXH)

“Ước gì con đi làm gần nhà, những lúc gió bão thế này có con ở nhà với mẹ và em”- Ảnh 3.

Vùng mây lớn xám xịt trước khi bão đến ở một số nơi được cộng đồng mạng cập nhật liên tục (Ảnh: MXH)

Cũng theo Bùi Thanh, cô bạn cho biết nếu mái nhà không được lợp kiên cố thì việc bị gió bão thổi bay là điều khó tránh khỏi. “Khu nhà mình may mắn hơn khi mọi người chủ yếu đã chuyển sang mái bê tông nên phần nào chắc chắn, an toàn. Còn những vùng khó khăn hơn, mọi người vẫn lợp mái tôn, mái ngói thì mỗi khi bão tới đều bị thổi bay vì không gia cố kỹ. Nghĩ lại thấy thương mọi người nên chỉ mong đợt này bão tan sớm, nhẹ nhàng thôi để không gây thiệt hại lớn”, Bùi Thanh bày tỏ.

Chia sẻ thêm về kinh nghiệm mà bản thân từng trải qua, Hà My bày tỏ: “Ở quê mình, mọi người thường cho cát hoặc đất vào bao tải rồi đặt trên mái nhà cho đỡ tốc mái, gạch đá hay đồ nặng cũng dùng được. Nếu nước dâng chuẩn bị lũ thì rời đi chỗ khác và đóng kín cửa, để đồ đạc không trôi theo dòng nước. Trữ đồ ăn và tránh ra ngoài khi bão tới. Ngoài ra trong nhà nên mua sẵn đèn pin, áo mưa,... chuẩn bị cho tình huống cắt điện phải di chuyển. Và tránh mở cửa lúc mưa bão vì mở cửa gió chỉ vào mà không ra được, dễ bay nhà”.

"Cảm giác mỗi lần thiên tai mà mình không làm gì được, bất lực lắm"

Cũng bởi đã từng trải qua những đợt bão lớn nên việc đi học, đi làm xa nhà trong những ngày này khiến nhiều bạn trẻ không khỏi sốt ruột. Thậm chí, không dám ngủ chỉ để cập nhật tin tức bão về tới đâu, gia đình ở nhà chuẩn bị những gì,...

Quốc Thái (quê Hải Phòng) đi làm xa nhà hơn 1600km, gần như thức cả đêm chỉ để theo dõi tin bão. “Năm nay quê mình lại là tâm điểm của siêu bão. Mình gửi tin nhắn, gọi điện cho mẹ và em gái dặn mọi người phải chuẩn bị gia cố nhà cửa, đề phòng gió giật với nếu được có thể tích trữ thực phẩm cho vài ngày tới không ra đường.

Mẹ thì nói mình cứ yên tâm nhưng thú thực cảm giác của mình khó tả lắm. Vì ở rất xa nhà lúc này, đọc tin mà hơi thở như nghẹn lại, tim hẫng đi một nhịp vì lo lắng”.

Bên cạnh đó, Quốc Thái cũng cho biết mấy ngày này TP.HCM nơi anh đang sinh sống cũng mưa nặng hạt, điều này càng ảnh hưởng nhiều đến tâm trạng của một người xa nhà. “Mình cũng chỉ biết dặn dò mẹ và em gái chứ không thể nào trở về nhà lúc này. Nghe mẹ nói: ‘Ước gì con đi làm gần, mấy lúc bão gió này có con ở nhà với mẹ và em cho đỡ sợ’, mình thấy cay khóe mắt”, Quốc Thái bày tỏ.

“Ước gì con đi làm gần nhà, những lúc gió bão thế này có con ở nhà với mẹ và em”- Ảnh 4.

Quốc Thái khiến nhiều bạn trẻ cũng đang xa nhà nghẹn lòng với câu nói của mẹ (Ảnh chụp màn hình)

Có chung tâm trạng, Hà My cũng cho biết những lúc như thế này chỉ muốn được về nhà, ở cạnh gia đình cho đỡ lo. “Tối qua mình nhận được điện thoại của mẹ nói ở nhà mưa to gió giật sợ lắm. Mình sợ nhà cửa không đủ kiên cố là sẽ tốc luôn. Mà đây mới chỉ mở đầu chứ bão còn chưa vào hẳn, đường điện cũng bị cắt rồi.

Giờ làm ở xa cũng không về ngay được, chỉ biết gọi điện cho người ở nhà cập nhật tình hình thôi, cảm giác mỗi lần có thiên tai mà mình không làm gì được nó cũng bất lực lắm. Mình cũng đã bảo mẹ ở nhà gia cố nhà cửa với ưu tiên an toàn, dù sao thì còn người còn của”, Hà My chia sẻ.

Sau vài cuộc gọi nhanh với gia đình, Hà My bày tỏ cũng không dám nhắn nhiều vì ở nhà cắt điện, muốn mọi người để dành pin điện thoại. Cô bạn nghẹn ngào nói: “Mình không dám nhắn tin, hay gọi gì thêm cả. Một phần sợ mọi người lo thêm, một phần để cả nhà dự trự pin sạc vì không có điện, đề phòng trường hợp khẩn cấp nữa. Mình chỉ bật chuông điện thoại lớn để có chuyện gì mẹ còn gọi được thôi. Nhưng sợ lắm nếu tiếng chuông vang trong đêm báo tin dữ”.

“Ước gì con đi làm gần nhà, những lúc gió bão thế này có con ở nhà với mẹ và em”- Ảnh 5.

"Chỉ mong rằng bão tan nhanh và mọi người đều an toàn", Hải Nam bày tỏ (Ảnh: NVCC)

Còn với Hoàng Hải Nam, cậu bạn cho biết đang đi học tại Hải Phòng còn quê gốc ở Thái Bình, đây đều là 2 tỉnh, thành trong tâm điểm của siêu bão. Hơn ai hết, Hải Nam cũng thấp thỏm không yên khi nhận tin: "Mình may mắn vì ở đây cùng bố mẹ nhưng vẫn còn người thân, họ hàng ở quê Thái Bình nên tâm trạng cả nhà giờ đều sốt ruột. Hải Phòng cũng được dự sẽ có mưa bão lớn, mình cũng đã chuẩn bị lương thực, thực phẩm vừa đủ cho những ngày tới. Ngoài ra, mình cũng liên tục gọi về quê để cập nhật tình hình của mọi người". 

Có lẽ với những bạn trẻ ở xa nhà lúc này, một từ "lo lắng" đôi khi không đủ để tả hết tâm trạng, cảm xúc "như lửa đốt" trong lòng. Dù luôn miệng dặn người thân yên tâm, vững vàng nhưng "cơn bão lòng" cũng đang cuộn trào, sục sôi. Dẫu vậy, điều duy nhất có thể làm lúc này là mong mỏi con bão nhẹ đến, nhẹ đi. Và dù thế nào, cũng chỉ hy vọng tất cả mọi người đều an toàn và khoẻ mạnh. “Đất đai, hoa màu hay nhà cửa vẫn có thể làm lại, chỉ cần ông bà, bố mẹ. các em và mọi người bình an là đủ rồi”, Bùi Thanh nói.