*Bài viết là dòng tâm sự của bà Lã Tuyết Lan trên nền tảng Toutiao (Trung Quốc)
Tôi là Lã Tuyết Lan, năm nay ngoài 60 tuổi, đã nghỉ hưu sau hơn ba mươi năm làm việc trong ngành tài chính. Lương hưu của tôi là 10.000 NDT/tháng (hơn 36 triệu đồng), cũng gọi là có của ăn của để. Thế nhưng ngay từ ngày nghỉ việc, tôi chỉ nói với con trai rằng mức lương hưu của tôi chỉ khoảng 3.000 NDT (hơn 10 triệu đồng).
Tôi không giấu con để giữ tiền riêng cho bản thân. Tôi giấu vì muốn thử lòng con, cũng là vì một nỗi sợ âm ỉ: nếu con biết mẹ có tiền, liệu nó có còn cư xử tự nhiên như trước?
Con trai tôi - Tiểu Lưu - là con một. Chồng mất sớm, tôi một mình nuôi con ăn học, lo cho nó cưới vợ, ra ở riêng. Nó ngoan ngoãn, học giỏi, ra trường đi làm ở công ty nước ngoài, thu nhập cũng ổn định. Thế nhưng hai năm nay, tôi thấy con có chút thay đổi: ít gọi điện, ít qua thăm mẹ. Nếu có gọi điện cũng chỉ hỏi thăm qua loa rồi lại vội vàng cúp máy với lý do: “con đang bận họp”, “mẹ để lát con gọi lại”.

Ảnh minh hoạ: Internet
Tôi không trách con bởi tôi biết tuổi trẻ bây giờ vất vả hơn xưa nhiều. Tuy nhiên, tôi cũng thử “giấu nhẹm” số tiền lương hưu thực sự và thỉnh thoảng còn than nghèo để thử lòng con. Và rồi, chuyện gì đến cũng đến.
Hôm đó là một buổi chiều thứ Bảy, tôi ghé qua nhà con trai để thăm cháu. Gõ cửa mãi không ai trả lời, tôi đành nhấn chuông liên tục. Cuối cùng, con dâu tôi hấp tấp chạy ra mở cửa, mặt tái mét: “Mẹ, chồng con đang mệt lắm. Anh ấy nằm từ sáng đến giờ rồi, con lo quá.” Nghe vậy, tôi lao vào phòng xem tình hình.
Tiểu Lưu nằm bẹp trên giường, người nóng ran, mặt tái nhợt. Tôi và con dâu vội đưa nó vào viện. Bác sĩ bảo con trai tôi bị suy kiệt do làm việc quá sức, mất ngủ kéo dài, cơ thể thiếu dưỡng chất, có dấu hiệu rối loạn tiền đình. Tôi nghe mà tim đau như có ai bóp nghẹt.
Trên đường về nhà lấy đồ, tôi gọi cho con dâu để hỏi thêm tình hình. Và chính lúc ấy, tôi mới phát hiện ra một sự thật đau lòng.
Con dâu tôi kể: “Anh ấy thất nghiệp cách đây gần 3 tháng mẹ ạ. Công ty bất ngờ thông báo sa thải, chồng con giấu mẹ vì sợ mẹ lo lắng, không thể giúp đỡ lại phiền lòng. Chồng con cũng không cho con nói với mẹ. Ban ngày anh ấy đi làm shipper, tối nhận thêm dự án,…”
Nghe những lời đó, tôi lặng người. Hóa ra bấy lâu nay, không phải con tôi thờ ơ, mà vì nó sợ tôi không đủ sức giúp, sợ trở thành gánh nặng và làm tôi buồn. Phải đến lúc đó, tôi mới thực sự thấy ân hận vì đã giấu con sự thật.

Ảnh minh hoạ: Internet
Tối hôm đó, tôi ngồi bên giường bệnh và thì thầm với Tiểu Lưu: “Mẹ có lương hưu, không quá nhiều nhưng vẫn đủ sống thoải mái và có thể giúp những lúc con cần. Đừng thấy ngại và cũng đừng gồng một mình như thế nữa con ạ.”
Sau khi Tiểu Lưu xuất viện, tôi giúp con trả nợ, thậm chí giúp con dâu mở cửa hàng nhỏ để tăng thu nhập. Tuy nhiên, điều lớn nhất tôi làm, là ngồi xuống nói chuyện với con như hai người trưởng thành, không giấu giếm, không thử lòng. Đó cũng là lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi nghe đứa con trai duy nhất của mình thoải mái chia sẻ những ngổn ngang trong lòng nó.
Khoảnh khắc ấy khiến tôi hiểu rằng, bước vào tuổi già, điều quan trọng không chỉ là tích lũy tiền bạc, mà còn là học cách đồng hành cùng con cái bằng sự thấu hiểu và sẻ chia. Khi còn đủ sức, hãy giúp con không chỉ bằng vật chất, mà bằng sự lắng nghe, tin tưởng và bao dung. Đừng coi tiền bạc chưa là thước đo tình thân. Bởi điều con cái cần nhất, đôi khi chỉ là cảm giác biết rằng mẹ vẫn luôn ở phía sau, lặng lẽ dõi theo và sẵn sàng dang tay khi chúng chênh vênh.
(Theo Toutiao)
Hoặc