Vì sao trung tâm hành chính tỉnh Bắc Ninh sau sáp nhập đặt tại TP Bắc Giang?

Admin

04/05/2025 16:30

Theo đề án sáp nhập, tỉnh mới được hợp nhất từ Bắc Ninh và Bắc Giang sẽ mang tên Bắc Ninh, với trung tâm chính trị – hành chính đặt tại TP Bắc Giang.

Tại Nghị quyết 60 của Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương khóa 13, Trung ương dự kiến hợp nhất tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Để triển khai việc sáp nhập, tỉnh Bắc Giang được giao chủ trì sắp xếp với tỉnh Bắc Ninh.

Dự thảo Đề án sáp nhập tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang nêu rõ, lấy tên tỉnh là Bắc Ninh, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP Bắc Giang.

Vì sao trung tâm hành chính tỉnh Bắc Ninh sau sáp nhập đặt tại TP Bắc Giang?- Ảnh 1.

TP Bắc Giang được lựa chọn làm trung tâm chính trị - hành chính tỉnh Bắc Ninh sau sáp nhập.

Việc lựa chọn này là phù hợp cả về lịch sử, văn hóa, định hướng phát triển và đúng chủ trương tại Kết luận số 130 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Đặc biệt, tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang có nhiều nét tương đồng về phong tục, tập quán, văn hóa do cùng có chung nguồn gốc lịch sử, được tách ra, nhập vào qua một số lần (năm 1831 là tỉnh Bắc Ninh, năm 1895 tách ra thành hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, năm 1962 hợp nhất tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang thành tỉnh Hà Bắc, năm 1997 tách ra thành hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang).

Nơi hội tụ văn hóa vùng

TP Bắc Giang có lịch sử lâu dài là một trung tâm hành chính, văn hóa của vùng. Từ thời Pháp thuộc là Phủ Lạng Thương đã được người Pháp xem xét và lựa chọn là trung tâm hành chính của khu vực tỉnh Hà Bắc. Tháng 10/1963, Quốc hội quyết định hợp nhất 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh; Bác Hồ và Trung ương đã đặt tên tỉnh là Hà Bắc, chọn TP Bắc Giang hiện tại là trung tâm hành chính.

TP Bắc Giang đóng vai trò là thủ phủ hơn 33 năm của tỉnh Hà Bắc cho đến khi tách thành 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh vào năm 1997.

TP Bắc Giang là trung tâm văn hóa, nơi giao thoa giữa văn hóa Kinh Bắc (khu vực Bắc Ninh và Việt Yên, Hiệp Hòa - Bắc Giang) và văn hóa các dân tộc ít người (Tày, Nùng các vùng Yên Thế, Lạng Giang, Lục Ngạn, Sơn Động của Bắc Giang). Đặt tỉnh lỵ tại TP Bắc Giang hiện tại sẽ là trung tâm cho các nền văn hóa dễ giao thoa, hòa nhập, không thiên lệch, giúp bảo vệ đa dạng các văn hóa cộng đồng.

Bắc Giang có nền văn hóa lâu đời, phong phú và đa dạng, từng là trung tâm Phật giáo của cả nước thời Lý - Trần. Số lượng di tích văn hóa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đứng thứ 2 cả nước, nổi bật là con đường Hoàng dương Phật pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông, chùa Bổ Đà, chùa Vinh Nghiêm, chùa Tây Yên Tử.

Vì sao trung tâm hành chính tỉnh Bắc Ninh sau sáp nhập đặt tại TP Bắc Giang?- Ảnh 2.

Khu di tích Chiến thắng Xương Giang là biểu tượng sức mạnh, tinh thần và ý chí quyết thắng của dân tộc Việt Nam.

Vị ̣trí chiến lược về quân sự

TP Bắc Giang hiện tại sau khi sáp nhập 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang đáp ứng yếu tố trung tâm của tỉnh, thuận lợi về giao thông đi đến tất cả các địa phương trong tỉnh với khoảng cách 40-70km (nếu đặt ở TP Bắc Ninh khoảng cách lên đến 90km).

Bắc Giang từ xưa đến nay có vi ̣trí chiến lược về quân sự, là phên dậu phía Bắc của Hà Nội (trong lịch sử đã chứng minh: Chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang, Cần Trạm - Hố Cát, khởi nghĩa Yên Thế...). Việc đặt tỉnh lỵ ở phía Bắc sông Cầu là khoảng cách an toàn đảm bảo an ninh quốc phòng cho Hà Nội và quốc gia; việc di chuyển đến các quân đoàn chủ lực đóng trên địa bàn thuận lợi, nhanh chóng.

Vì sao trung tâm hành chính tỉnh Bắc Ninh sau sáp nhập đặt tại TP Bắc Giang?- Ảnh 3.

Các thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất của tỉnh Bắc Giang vẫn còn mới.

Trụ sở hiện đại, đồng bộ

Tỉnh Bắc Giang hiện có 2 tòa Trung tâm hành chính (16 tầng) và vừa xây dựng xong thêm một tòa mới 21 tầng; trước mặt là quảng trường rộng phục vụ khối các cơ quan hành chính Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội.

Trụ sở Tỉnh ủy và các cơ quan Đảng; trụ sở HĐND và UBND tỉnh vẫn đảm bảo chất lượng tốt.

TP Bắc Giang cũng mới xây dựng và đưa và sử dụng trụ sở Thành ủy, UBND thành phố với 2 tòa nhà lớn, có trung tâm hội nghị riêng, có quảng trường trước mặt.

Sáp nhập tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh đặt trung tâm hành chính tại TP Bắc Giang hiện tại, đồng thời kết thúc hoạt động của cấp huyện thì toàn bộ cơ sở vật chất trên đáp ứng bố trí cho toàn bộ cán bộ cấp tỉnh của 2 tỉnh làm việc ổn định.

Dư địa phát triển đô thị quy mô lớn

Về lâu dài 2 tỉnh sau sáp nhập cần phải hình thành một đô thị mới với quy mô lớn, hiện đại. Vì vậy, việc tiếp tục đặt trụ sở hành chính ở TP Bắc Ninh hay TP Bắc Giang (trước khi sáp nhập với Yên Dũng) là không phù hợp, do những khu vực này đã đến giới hạn về không gian phát triển.

Tỉnh Bắc Giang đã quy hoạch trung tâm hành chính mới (trên 10.000 ha) tại khu vực phường Hương Gián, Tân An - TP Bắc Giang nằm ở vị trí trung tâm của tỉnh Bắc Giang, địa hình bằng phẳng, còn rất nhiều dư địa tạo không gian, động lực để phát triển lâu dài ổn định hàng trăm năm.

Vì sao trung tâm hành chính tỉnh Bắc Ninh sau sáp nhập đặt tại TP Bắc Giang?- Ảnh 4.

Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang là tuyến đường huyết mạch nối Bắc Ninh và Bắc Giang, sau này sẽ nối Bắc Ninh (mới) với Hà Nội.

Vị trí quy hoạch kết nối giao thông (cả đường sắt, đường bộ, đường thủy, đường không), hướng quay vào Lục Đầu Giang (nơi hội tụ của 6 con sông lớn) và Biển Đông; dễ dàng di chuyển đến các đơn vi ̣hành chính cấp xã trên địa bàn toàn tỉnh thông qua hệ thống giao thông rất thuận tiện; khoảng cách di chuyển tương đồng (trung bình khoảng 40km).

Cụ thể, vị trí dự kiến đặt trung tâm chính trị với giao thông hiện hữu và giao thông đường bộ theo quy hoạch kết nối rất thuận tiện đến các tuyến đường huyết mạch, liên kết vùng động lực: Trục đại lộ Bắc Nam qua trung tâm chính trị mặt cắt 120m kết nối trực tiếp tới tuyến đường vành đai 5 Thủ đô Hà Nội - Lạng Sơn (khoảng 5km); tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hạ Long (khoảng 15km); đường vành đai IV (khoảng 15km). Tuyến đường tỉnh 293 mặt cắt 60m kết nối trực tiếp cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn (khoảng cách 5km). Trục đại lộ Bắc Nam kết nối thuận tiện tới sân bay Gia Bình với khoảng cách khoảng 25km.

Ngoài giao thông đường bộ còn nhiều tiềm năng khai thác phát triển giao thông đường sắt (Hà Nội - Đồng Đăng, Kép - Hạ Long) và giao thông đường thủy (gần sông Thương, sông Cầu, sông Lục Nam).

Vì sao trung tâm hành chính tỉnh Bắc Ninh sau sáp nhập đặt tại TP Bắc Giang?- Ảnh 5.

Các Khu công nghiệp gần TP Bắc Giang cũng là động lực quan trọng để phát triển trung tâm hành chính mới trở thành đô thị lớn, hiện đại, cung cấp nơi ở và các dịch vụ phục vụ doanh nghiệp và lao động trong các khu công nghiệp.

Với tầm nhìn chiến lược, các khu công nghiệp đã được quy hoạch bao quanh TP Bắc Giang hiện tại, là động lực quan trọng phát triển trung tâm hành chính mới trở thành đô thị lớn, hiện đại, cung cấp nơi ở và các dịch vụ phục vụ doanh nghiệp và lao động trong các khu công nghiệp (như dịch vụ tài chính, nghiên cứu phát triển, giáo dục, đào tạo, y tế, vui chơi giải trí). Trung tâm hành chính đặt tại vị trí đề xuất sẽ tạo động lực phát triển lan tỏa đồng đều tới các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, tạo ra sự đồng bộ trong việc phát triển toàn tỉnh.

Mặt khác, với khoảng cách vừa đủ với trung tâm TP Hà Nội (không quá gần nhưng cũng không quá xa), vị trí đặt trung tâm hành chính tại tỉnh Bắc Giang có tiềm năng trở thành một trung tâm kinh tế mới của cả vùng, giảm tải áp lực lên Hà Nội.

Việc đặt trung tâm hành chính tỉnh Bắc Ninh (mới) tại TP Bắc Giang cũng có thể mang lại những triển vọng to lớn cho sự phát triển của tỉnh. Một trung tâm hành chính hiện đại, năng động và có vị trí thuận lợi có thể trở thành hạt nhân thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo ra một bản sắc mới cho tỉnh. Quyết định này có thể mở ra một chương mới trong lịch sử phát triển của vùng đất Kinh Bắc - Bắc Giang.

Sau sáp nhập, tỉnh Bắc Ninh (mới) có diện tích tự nhiên là 4.718,6 km² (đạt tỷ lệ 94,3% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số 3.619.433 người (đạt tỷ lệ 258,5% so với tiêu chuẩn) và có 99 đơn vị hành chính cấp xã.