![]() |
VN-Index sắp phá đỉnh lịch sử. Ảnh: Nam Khánh. |
Thị trường chứng khoán Việt Nam rung lắc dữ dội vào đầu phiên giao dịch ngày 22/7. Trước dư âm của nguồn cung nối dài từ phiên gần nhất, VN-Index chứng kiến nhịp sảy chân gần 8 điểm và lùi xuống dưới 1.480 điểm.
Tuy nhiên, dòng tiền nhập cuộc nhanh chóng đưa chỉ số trở về tham chiếu. Bước sang phiên chiều, diễn biến chung trở nên tích cực hơn khi phe mua mạnh tay gom cổ phiếu, qua đó tạo hiệu ứng lan tỏa ra cả thị trường.
Kết phiên, VN-Index tăng 24,49 điểm (+1,7%) lên 1.509,54 điểm. Đây cũng là mức đóng cửa cao nhất trong vòng hơn 3 năm qua. So với đỉnh lịch sử, VN-Index vẫn còn cách khoảng 25 điểm.
Trên sàn Hà Nội, HNX-Index tăng 2,06 điểm (+0,8%) lên 247,85 điểm; riêng UPCoM-Index ngược chiều giảm 0,25 điểm (-0,2%) xuống 104,02 điểm.
Thanh khoản trên cả 3 sàn tiếp tục neo ở mức cao, đạt 37.500 tỷ đồng. Đây cũng là phiên thứ 8 liên tiếp giá trị giao dịch trên thị trường đạt trên 30.000 tỷ đồng.
Trái ngược lại hôm qua, sắc xanh đã trở lại trên bảng điện tử. Toàn thị trường ghi nhận 512 mã tăng (gồm 39 mã tăng trần), 786 mã giữ tham chiếu và 305 mã giảm (gồm 9 mã giảm sàn).
Trong đó, rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 đóng góp 26 mã tăng (gồm VJC tăng trần), 2 mã điều chỉnh và 2 mã đứng giá. Sự vượt trội của các cổ phiếu tăng giúp chỉ số đại diện rổ tăng gần 28 điểm và tiến lên mốc kỷ lục mới - 1.655 điểm.
![]() |
VN-Index chính thức đóng cửa trên mốc 1.500 điểm. Ảnh: TradingView. |
Động lực đưa VN-Index leo cao hôm nay tiếp tục đến từ các cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC (+4,9%), VHM (+3,8%), VCB (+1,5%), BID (+2,1%), VJC (tăng trần), EIB (tăng trần), HVN (+4,8%), HDB (+3,9%), GEX (tăng trần) và FPT (+1,6%).
Với riêng VJC của Vietjet, mã cổ phiếu hàng không này ghi nhận giao dịch thỏa thuận đột biến với hơn 20,9 triệu đơn vị được sang tay, tương đương giá trị khoảng 1.900 tỷ đồng. Theo quan sát, đây là giao dịch bán từ phía nhà đầu tư nước ngoài.
Đà tăng mạnh trong phiên hôm nay đã đưa thị giá VJC lên mức 101.700 đồng/cổ phiếu, cao nhất trong vòng 7 tháng. Qua đó, vốn hóa của Vietjet tăng lên xấp xỉ 55.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 2,1 tỷ USD.
Cùng với diễn biến tích cực của cổ phiếu, giá trị tài sản của Chủ tịch HĐQT Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo cũng tăng mạnh. Bà hiện trực tiếp nắm giữ 47,47 triệu cổ phiếu VJC và gián tiếp sở hữu thêm gần 155 triệu cổ phiếu thông qua Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny.
Tổng cộng, khối lượng cổ phiếu VJC do bà Thảo nắm giữ đạt khoảng 202,4 triệu đơn vị, tương đương giá trị thị trường gần 20.584 tỷ đồng, tăng 1.336 tỷ đồng so với phiên hôm nay.
Chiều ngược lại, áp lực gây rung lắc chỉ số chủ yếu đến từ các mã VPL (-0,6%), TCB (-0,3%), GVR (-0,5%), HNA (-5,4%), BMP (-1,4%), FRT (-0,7%), BCG (-3,5%), LDG (giảm sàn), PHR (-1,3%) và NLG (-0,6%).
Khối ngoại chốt lời mạnh tay với quy mô ròng âm 1.800 tỷ đồng, chủ yếu do giao dịch bán thỏa thuận VJC (-1.858 tỷ đồng) và các mã khác như SSI (-228 tỷ đồng), SHB (-155 tỷ đồng), PDR (-101 tỷ đồng).
Trong khi đó, cổ phiếu tài chính - ngân hàng gồm SHS (+69 tỷ đồng), TPB (+62 tỷ đồng), VCB (+60 tỷ đồng) được nhóm này gom vào.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.
Hoặc