|
Một phi đội J-10 của Trung Quốc biểu diễn năm 2015. Ảnh: Reuters. |
4h sáng ngày 7/5, một vị khách đặc biệt tới Bộ Ngoại giao Pakistan. Đó là Đại sứ Trung Quốc Khương Tái Đông. Theo lời Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan Ishaq Dar, nước này muốn cập nhật cho Trung Quốc những thông tin mới nhất về cuộc xung đột với Ấn Độ.
Ông Dar tuyên bố, đoàn đại biểu Trung Quốc vui mừng với thành công của Pakistan “Là quốc gia bạn bè, họ bày tỏ niềm vui lớn”, ông Dar nói.
Ông Khương và các nhà ngoại giao Trung Quốc có thể còn vui mừng vì nguyên nhân khác: Theo thông tin được Pakistan đưa ra, các khí tài nước này nhập khẩu từ Trung Quốc như tiêm kích J-10 và tên lửa PL-15 đã góp phần bắn hạ máy bay chiến đấu của Ấn Độ. Dù Ấn Độ chưa lên tiếng chính thức, giới Mỹ đã xác nhận thông tin này, theo Reuters.
“Các sự kiện (hôm 7/5) cho thấy công nghệ của Trung Quốc, nếu được sử dụng đúng cách, tốt ngang với công nghệ phương Tây”, ông Muhammad Shoaib, chuyên gia tại Đại học George Mason (Mỹ), nói với Nikkei.
Lần đầu xuất trận
J-10 là loại tiêm kích đa nhiệm vụ do Tập đoàn công nghiệp hàng không Thành Đô (CAIG) phát triển và chế tạo. Ngoài đương đầu với máy bay chiến đấu đối phương, J-10 cũng có thể thực hiện nhiệm vụ tấn công mặt đất.
Tới nay, Pakistan là quốc gia đối tác duy nhất sở hữu J-10, cụ thể là dòng J-10C. Phi vụ này được công bố năm 2021 và Pakistan nhận lô máy bay đầu tiên tháng 3/2022. Ngoại trưởng Ishaq Dar đã xác nhận loại máy bay này tham gia vào chiến dịch quân sự chống lại Ấn Độ vừa qua, còn Bắc Kinh chưa lên tiếng.
Ngoài J-10, một loại khí tài khác từ Trung Quốc cũng đang đóng góp vào thành tích của quân đội Pakistan: Tên lửa không đối không PL-15. Thiếu tướng không quân Pakistan Aurangzeb Ahmed đã xác nhận loại vũ khí này đã được sử dụng trong chiến dịch vừa qua.
Khoảng 81% kho vũ khí của Pakistan - bao gồm hơn một nửa phi đội tiêm kích và cường kích - đến từ Trung Quốc, theo số liệu của Viện Nghiên cứu hòa bình Stockholm (SIPRI) và Viện Quốc tế về Nghiên cứu Chiến lược (IISS).
“Pakistan tin rằng công nghệ quân sự Trung Quốc đang nổi lên và đã thể hiện ưu thế trước các hệ thống phương Tây”, ông Qamar Cheema, Giám đốc điều hành Viện Sanober (Pakistan), nói với Nikkei.
Theo Financial Times, tùy viên quốc phòng của hàng loạt quốc gia phương Tây tại Ấn Độ đang chờ đợi New Delhi chia sẻ thông tin về J-10C để gửi về nước nghiên cứu, đặc biệt trong huấn luyện lực lượng phòng không.
![]() |
Cựu Thủ tướng Pakistan Imran Khan trong buồng lái một chiếc J-10C mới được Trung Quốc chuyển giao năm 2022. Ảnh: Văn phòng Thủ tướng Pakistan/Dawn. |
“Cộng đồng không quân Trung Quốc, Mỹ và một số nước châu Âu sẽ rất quan tâm và cố gắng thu thập nhiều thông tin nhất có thể về chiến thuật, kỹ thuật, khí tài nào đã được sử dụng, cái nào hoạt động và cái nào không”, ông Douglas Barrie, chuyên gia tại IISS, nhận xét.
Khác với các loại khí tài của Mỹ hay Nga, vũ khí Trung Quốc ít được sử dụng trong thực chiến. Trung Quốc cũng đang không tham chiến trong cuộc chiến tranh “nóng” nào. Kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc cũng hạn chế hơn và các nước tiếp nhận cũng không có nhiều dịp sử dụng.
Ngay cả máy bay Rafale của Pháp - loại khí tài được Ấn Độ sử dụng - cũng đã xuất kích nhiều lần trong các chiến dịch của Pháp tại Trung Đông và Bắc Phi.
Trong bối cảnh thị trường vũ khí đang do phương Tây chiếm ưu thế, Trung Quốc đang thúc đẩy xuất khẩu vũ khí, nhất là tới các nước Trung Đông. Dù vậy, khí tài của Trung Quốc vẫn vấp phải sự hoài nghi do ít thực chiến.
Theo số liệu của SIPRI, Trung Quốc là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ tư thế giới trong giai đoạn 2020-2024, chiếm 5,9% tổng kim ngạch toàn cầu.
“Đây là lần đầu tiên khí tài quân sự Trung Quốc được thử nghiệm nhằm chống lại các khí tài quân sự hàng đầu của phương Tây”, ông Sushant Singh, giảng viên bộ môn nghiên cứu Nam Á tại Đại học Yale (Mỹ), nói.
Dân mạng Trung Quốc hào hứng
Chiến tích của các khí tài “made in China” khiến cư dân mạng Trung Quốc phấn khích. Cựu Tổng biên tập Global Times Hồ Tích Tiến tuyên bố trình độ sản xuất vũ khí của Trung Quốc “đã hoàn toàn vượt qua Nga và Pháp”.
Hôm 9/5, hashtag “Quan chức Mỹ tuyên bố J-10 bắn rơi ít nhất hai máy bay Ấn Độ” trở thành xu hướng hàng đầu với hơn 35 triệu lượt xem. Khi không quân Pakistan đăng ảnh một chiếc J-10C và tuyên bố đã bắn hạ một chiếc Rafale, bài đăng được chia sẻ rộng rãi.
“Không cần phải nói gì nữa - hy vọng doanh số sẽ tăng mạnh”, một tài khoản nổi tiếng có tên “Muxingguanhaitian” viết.
Một bài phân tích trên Guancha nhận xét sự hào hứng của dư luận Trung Quốc không đến từ cuộc xung đột giữa Pakistan và Ấn Độ mà đến từ việc năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã được chứng mình.
![]() |
Một tên lửa PL-15 của Pakistan rơi xuống lãnh thổ Ấn Độ. Ảnh: The War Zone. |
Dù vậy, ông Thời Ân Hoằng, chuyên gia tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, chỉ ra dù J-10 có thể chiếm ưu thế trong một cuộc xung đột nhỏ, “nếu xung đột lan rộng a nhiều mặt trận, khó có thể nói bên nào sẽ giành chiến thắng chung cuộc”.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc dù không trực tiếp khẳng định vũ khí Trung Quốc tham chiến tại Pakistan nhưng nhanh chóng có các bài đăng về máy bay J-10 và tên lửa PL-15, với nội dung hoàn toàn không liên quan tới cuộc xung đột.
“Zhongguojunhao”, một tài khoản mạng xã hội của tờ PLA Daily, cơ quan ngôn luận chính thức của quân đội Trung Quốc, hôm 9/5 đăng tải ba bài viết về một cuộc diễn tập của phi đội J-10C trong biên chế quân đội nước này.
Trong khi đó, tài khoản Weibo chính thức của CCTV có bài đăng quảng bá tên lửa PL-15E, tuyên bố loại vũ khí này “có tầm bắn trên 145 km, sử dụng được trong mọi điều kiện thời tiết và ngoài tầm quan sát bằng mắt thường”.
Trên sàn chứng khoán Trung Quốc, giá cổ phiếu của CAIG đã tăng hơn 40% chỉ trong hai ngày, theo Financial Times.
“Ít có màn quảng cáo nào tốt hơn thực chiến”, bà Yun Sun, chuyên gia về quân sự Trung Quốc tại Trung tâm Stimson (Mỹ), nhận xét. “Đây là điều bất ngờ vui vẻ đối với Trung Quốc”.
Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế
Mục Thế giới giới thiệu cuốn “Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế” được NXB Thế giới cho ra mắt vào năm 2018. Tác phẩm làm rõ sự phát triển và đi xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Cuốn sách vạch ra 10 quy luật để nhận diện về chu kỳ kinh tế dẫn đến vận mệnh tăng trưởng hay suy thoái của một quốc gia.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.
Hoặc