5 điều người EQ thấp thường nói khi nghỉ việc

Admin

16/07/2025 16:02

Khi quyết định nghỉ việc, điều bạn nói ra có thể ảnh hưởng lâu dài tới hình ảnh cá nhân.

Dù không hài lòng với môi trường hiện tại, việc lựa chọn từ ngữ khéo léo sẽ giúp bạn giữ được sự chuyên nghiệp và bảo vệ danh tiếng nghề nghiệp. Dưới đây là năm kiểu phát ngôn phổ biến khi nghỉ việc thường bị đánh giá là phản ánh chỉ số EQ thấp.

1. “Tôi nghỉ vì không ưa nổi sếp”

Dù là sự thật hay không, câu nói kiểu này luôn là dấu hiệu báo động trong mắt nhà tuyển dụng. Việc thẳng thắn chỉ trích cấp trên không chỉ tạo ấn tượng tiêu cực với người nghe mà còn khiến bạn bị gán nhãn là người thiếu kiểm soát cảm xúc và thiếu kỹ năng giải quyết mâu thuẫn.

Kết quả nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tâm lý học Ứng dụng Mỹ cho thấy, việc công khai phàn nàn về cấp trên là một trong những biểu hiện rõ ràng nhất của EQ thấp.

Điều này cho thấy bạn không biết cách giữ sự khách quan, dễ bị cảm xúc chi phối, đồng thời thiếu khả năng đối thoại tích cực để tháo gỡ vấn đề. Đặc biệt, trong những lĩnh vực có sự giao thoa chuyên môn cao, tiếng xấu có thể lan truyền rất nhanh và ảnh hưởng tiêu cực đến cơ hội nghề nghiệp sau này.

5 điều người EQ thấp thường nói khi nghỉ việc- Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Internet

Thay vì bộc lộ cảm xúc tiêu cực, bạn nên hướng câu chuyện sang việc tìm kiếm thử thách mới hoặc mong muốn phát triển bản thân, điều đó sẽ giúp bạn giữ được sự tôn trọng từ đồng nghiệp và quản lý cũ.

2. “Tôi chịu hết nổi rồi!”

Đây là kiểu phát ngôn mang nặng cảm xúc tiêu cực, thể hiện sự bộc phát và thiếu khả năng kiểm soát căng thẳng. Những người sở hữu EQ cao thường biết cách điều tiết cảm xúc, ngay cả trong hoàn cảnh không mong muốn. Ngược lại, việc buông ra câu nói “chịu hết nổi” chứng minh bạn là người dễ mất bình tĩnh, dễ bị áp lực đánh gục.

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Hành vi Tổ chức và Tạp chí Hành vi nghề nghiệp Mỹ cho thấy nhà tuyển dụng coi trọng khả năng điều chỉnh cảm xúc và khả năng phục hồi. Nếu bạn không thể kiểm soát được mình trong tình huống từ chức, nhà tuyển dụng sẽ đặt câu hỏi: Liệu bạn có thể xử lý những tình huống khó khăn trong công việc hay không?

Một người có EQ cao sẽ khéo léo nói về quyết định nghỉ việc như một bước đi cần thiết cho sự phát triển cá nhân, thay vì trút bỏ sự bất mãn cá nhân lên người khác.

3. “Bên công ty mới ngon hơn hẳn”

So sánh nơi làm việc hiện tại với công ty mới một cách phô trương không chỉ thiếu khôn ngoan mà còn cho thấy bạn dễ bị “màu mè” bên ngoài lôi kéo. Việc đề cao môi trường làm việc mới trước mặt đồng nghiệp hoặc quản lý cũ dễ khiến người khác nhìn nhận bạn là người thiếu trung thành và có xu hướng “nhảy việc” theo xu thế.

Một chỉ số EQ quan trọng là khả năng cư xử tinh tế và xây dựng mối quan hệ bền vững. Khi bạn liên tục khoe khoang về điểm tốt ở nơi sắp đến, điều đó có thể làm tổn thương đồng nghiệp cũ, làm lu mờ thành tựu tập thể mà bạn từng đóng góp.

Người tinh tế thường lựa chọn cách diễn đạt khéo léo hơn như “Tôi đang tìm kiếm thử thách phù hợp hơn với định hướng cá nhân”. Điều này giúp bạn giữ được sự tôn trọng từ đồng nghiệp cũ và xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp trong mắt cộng đồng nghề nghiệp.

5 điều người EQ thấp thường nói khi nghỉ việc- Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Internet

4. “Mai sẽ nghỉ luôn”

Thông báo nghỉ việc đột ngột, đặc biệt là không báo trước, luôn bị đánh giá thấp trong mọi ngành nghề. Việc này không chỉ thể hiện sự thiếu trách nhiệm mà còn cho thấy bạn không quan tâm đến ảnh hưởng của mình với tập thể.

Chỉ số EQ không chỉ nằm ở cách bạn ứng xử cá nhân mà còn được đo qua khả năng xây dựng và gìn giữ mối quan hệ chuyên nghiệp. Những người EQ thấp thường hành xử cảm tính, sẵn sàng “buông bỏ” ngay lập tức mà không cân nhắc đến hậu quả cho đội nhóm hoặc những người ở lại.

Một nhân viên trưởng thành sẽ hiểu rằng nghỉ việc cũng cần để lại ấn tượng tốt đẹp. Việc thông báo trước đầy đủ, thậm chí đề nghị hỗ trợ bàn giao sẽ khiến bạn được đánh giá cao hơn, mở ra cơ hội quay lại hoặc nhận được sự giới thiệu tốt trong tương lai.

5. “Không biết nên nghỉ không nữa…”

Việc tỏ ra lưỡng lự, thiếu quyết đoán cũng là một chỉ dấu của EQ thấp trong môi trường công việc. Khi bạn liên tục thể hiện sự hoài nghi về quyết định nghỉ việc, điều đó phản ánh sự thiếu tự tin, không kiểm soát được mục tiêu nghề nghiệp của mình.

Tệ hơn, kiểu phát ngôn này khi lặp đi lặp lại có thể làm ảnh hưởng tiêu cực đến cả nhóm làm việc. Đồng nghiệp sẽ cảm thấy thiếu tin tưởng vào sự cam kết của bạn, cấp trên sẽ e dè khi giao cho bạn các nhiệm vụ quan trọng, bởi họ luôn nghi ngờ bạn có thể “rời đi bất kỳ lúc nào”.

Người có EQ cao sẽ lựa chọn trao đổi riêng với quản lý về định hướng nghề nghiệp hoặc đưa ra quyết định dứt khoát sau khi đã suy xét kỹ lưỡng. Họ biết rằng những phát ngôn mập mờ không chỉ làm giảm uy tín cá nhân mà còn khiến quá trình làm việc trở nên rối ren.

Cách bạn nói khi nghỉ việc có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh bản thân trong mắt đồng nghiệp, cấp trên và thậm chí cả đối tác trong tương lai. Thay vì buông ra những lời nói mang tính cảm xúc bộc phát, hãy lựa chọn cách cư xử lịch thiệp, chuyên nghiệp.

EQ cao không phải ở việc bạn cảm thấy thế nào, mà ở cách bạn thể hiện cảm xúc ấy ra sao. Một sự ra đi khéo léo luôn là bước đệm tốt đẹp cho sự nghiệp phía trước.

Bạn đang đọc bài viết "5 điều người EQ thấp thường nói khi nghỉ việc" tại chuyên mục Phong cách sống.