1.
9 năm trước, vừa thi xong ĐH, Hoàng Văn Nhất (Nam Định) bắt xe một mình từ quận Hai Bà Trưng về nhà cô ruột ở Đông Anh. Nhà cô nằm trong cụm khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Sau đó, Nhất nhờ "mối quan hệ", xin làm thêm ở một quán cơm bụi dành cho công nhân.
Công việc gồm chuẩn bị thực phẩm, dọn dẹp, phục vụ và rửa bát đũa, xoong nồi... Làm từ 9h sáng đến 2h trưa, Nhất đạp xe 3km về nhà cô ngủ, rồi lại đạp xe sang làm từ 4h chiều đến 7-8h tối. Mỗi ngày được trả 80 nghìn đồng, với Nhất lúc đấy đã là cả một món tiền lớn vì ở nhà cả ngày làm nón lá cậu chỉ kiếm được 20 nghìn đồng. Nhất làm được 3 ngày rồi bỏ...
2.
Năm 2015 vào Đại học, lần đầu đi thuê trọ, Nhất không đủ khả năng để trả 1 triệu đồng/tháng tiền phòng, đành về Đông Anh ở với cô. Căn phòng trọ 500 nghìn đồng/tháng là nơi Nhất nằm ngủ ở dưới đất suốt mùa đông, còn chiếc giường chỉ đủ chỗ cho cô và đứa cháu họ. Về sau Nhất ra ở chung với 2 người khác ở Xuân Đỉnh. Cuối tuần Nhất hay sang nhà cô, vừa để phụ nhà cô bán phở, vừa tranh thủ mua rau, thịt ở một cái chợ nhỏ tên là "Chợ Ế" - nơi thực phẩm không thể bán ở nội thành được đưa về, bán rẻ cho công nhân.
3.
Đôi giày đầu tiên Nhất mua được có giá 50 nghìn đồng, lúc đi ngang qua Thượng Đỉnh đoạn đường Nguyễn Trãi. Đôi giày nằm lộn xộn trong đống giày "xả" của cả nam, cả nữ đặt ngay trước cửa hàng. Nhấ lí nhí hỏi cô bán hàng, nhờ tìm cho một đôi của nam và nhận được câu lời lạnh lùng: "Giày xả thì tự tìm". Cái nghèo lúc nào cũng đi kèm với cái hèn mọn, giết chết đi bao nhiêu phần tự tin trong con người ta đến thế.
4.
Nhất tìm được công việc gia sư đầu tiên khi bắt đầu học tại ĐHQG Hà Nội. Nhà học sinh ở khu Trại Gà, đường Phú Diễn. Mỗi chiều tan học, cậu ăn vội cơm bụi ở trong ký túc xá Ngoại Ngữ, rồi nhanh chóng bắt 2 chặng xe buýt đi dạy. Có những tối xe buýt chạy tuyến cuối, Nhất đi bộ một quãng dài để ra đường 32 bắt xe về ký túc xá. Con đường về mệt nhoài, người ngợm rã rời. Thế nhưng mỗi buổi dạy 2 tiếng được 100 nghìn đồng đối với cậu lúc ấy đã là quá lớn, mỗi tháng đỡ đi cho mẹ một khoản tiền kha.
9 năm trước, Nhất quần quật đi dạy thêm để kiếm tiền tiêu hàng tháng đến mức phải vào viện vì đau dạ dày. Nhất cũng bị bạn bè bắt nạt, dè bỉu vì tính cách lầm lì, khó hiểu, bởi sự tự ti vì cái nghèo dai dẳng.
9 năm sau, cậu thanh niên tự ti ngày nào giờ đã tốt nghiệp thạc sĩ, tìm được một công việc ở châu Âu và tiếp tục học lên Tiến sĩ. Nhất đã có đủ khả năng để lo cho bản thân và gia đình, đã có những nền tảng nhất định để trở thành một con người tốt hơn - tốt hơn với chính mình của 9 năm về trước, và tốt hơn với chính những người xung quanh.
Với xuất phát điểm tự nhận là "tầm thường" theo đúng nghĩa đen, Hoàng Văn Nhất đã vượt khó thành công để viết nên trang mới cho cuộc đời mình.
Xuất phát điểm "tầm thường" của chàng trai không tầm thường
Quê Nhất ở một ngôi làng nhỏ ở Nam Định, gia đình thuộc dạng nghèo nhất xã. Cả bố và mẹ đều học chưa quá cấp 2 còn 2 chị gái bỏ học từ lớp 9 để đi làm giúp gia đình. Duy chỉ có Nhất và anh trai may mắn được học hành đàng hoàng. Nhất học trường "làng" hồi cấp 3.
Năm Nhất thi đại học, cậu được gia đình khuyên nên thi vào trường Điện Lực ngành Điện hạt nhân. Thời điểm đó, nhà nước đang đầu tư cho một số dự án điện ở Ninh Thuận, theo học sẽ không mất học phí - vẫn là vì hoàn cảnh gia đình. Nhất vào học khóa thứ 10, được một kì thì bỏ vì nhận ra đây là ngành học mình không thuộc về.
Sau khi nghỉ học, Nhất về nhà tự ôn thi lại rồi vào trường Đại học Công Nghệ, ĐH Quốc Gia Hà Nội với số điểm... "vớt" nhờ kết quả thi đánh giá năng lực. Học kì đầu khá suôn sẻ, kết quả cũng khá tốt. Sau đó, Nhất bắt đầu đi xin làm gia sư để kiếm tiền sinh hoạt vì khi đó anh trai cũng đang học ĐH, mẹ vất vả không nuôi nổi 2 anh em.
Tháng 7/2017, tình cờ đọc được thông tin về học bổng toàn phần của Panasonic, Nhất cũng thử nộp hồ sơ. Thế mà cuối cùng cậu lại được chọn, trở thành ứng viên miền Bắc duy nhất được trao học bổng. Số tiền Nhất nhận 1 năm là 30 triệu, bao gồm sinh hoạt phí và học phí, học bổng sẽ trao đến tận lúc ra trường nếu giữ được kết quả học tập tốt.
Vấn đề tiền bạc tạm được giải quyết, Nhất vẫn đi gia sư đều tuần 4-5 buổi, nhưng cũng an tâm tập trung học hành. Nhất cũng bắt đầu tự học tiếng Anh từ năm 2, khi ấy làm thử đề Toeic nghe - đọc lần đầu được 235 điểm, vừa nản vừa thấy mình kém cỏi. Thế nhưng không có tiền nên Nhất cũng chẳng đến trung tâm, tự cày cuốc bằng mấy tài liệu tải trên mạng.
Đến năm 3, muốn học quá mà chẳng biết lấy tiền đâu ra, Nhất rủ 2 bạn khác trong trường tự mở một lớp tiếng Anh, thuê 2 sinh viên trao đổi người nước ngoài ở ĐHQG về dạy. Nhất vừa tổ chức lớp, vừa trợ giảng, vừa được học tiếng Anh miễn phí mà bản thân cũng trở nên dạn dĩ hơn rất nhiều.
Nhất ra trường tháng 7/2020, GPA xếp thứ 2 của lớp và khoảng top 5% trong khoa, tiếng Anh lúc ấy cũng khá ổn vì dành nhiều thời gian học từ vựng và phát âm
Lúc này, Nhất có một quyết định khá "mạo hiểm", đó là không đi làm công ty như hầu hết bạn cùng lớp. Hôm cô trưởng khoa gọi Nhất và một số bạn khác về việc ở lại trường tạo cán bộ nguồn, Nhất từ chối, rồi "mạnh miệng" nói: "Em sẽ xin học bổng để đi du học ạ", dứt lời mới thấy giật mình vì trong tay chẳng có gì.
Có thầy ĐHQG hướng dẫn, Nhất xin sang một trường đại học làm trợ lý nghiên cứu, hy vọng có thêm kinh nghiệm để hồ sơ đủ mạnh xin học bổng. Nhất cũng làm một vài dự án nhỏ nhỏ nhưng chẳng có bài báo nào được xuất bản, bạn bè cùng lớp thì dần ổn định trong khi lương mình được 6 triệu đồng/tháng khiến Nhất cũng hơi khủng hoảng.
Nhất lại lỡ đợt nộp học bổng đầu tiên do chần chừ mãi không thi IELTS, nên lại gia hạn làm thêm ở trường đại học này một năm nữa. Cũng may, Nhất có thời gian rảnh hơn để học tiếng Anh, đi dạy thêm sau giờ làm, coi như thời gian nghỉ trước khi bắt đầu mùa nộp học bổng năm tiếp theo.
Cuối cùng, cậu nhận được học bổng toàn phần cho chương trình về Hệ thống thông minh của Erasmus, và sau đó là học bổng ngành Kỹ thuật điện của khối trường Paris Sacley của Pháp. Nhất chọn học bổng của Erasmus vì tỉ lệ cạnh tranh cao hơn, được nhiều chi phí hỗ trợ hơn, cũng có nhiều trải nghiệm hơn khi được học ở 3 quốc gia Phần Lan, Na Uy và Hungary trong vòng 2 năm.
Con đường của một du sinh bắt đầu từ gian khổ và nghèo đói đầy khó khăn, nhưng sau 9 năm Nhất đã chạm tay tới thành công ban đầu trong sự nghiệp.
"Chẳng ai ngờ được một đứa chỉ học cấp 3 trường làng, vào đại học bằng vé vớt lại có thể tiến những bước rất xa, đến những nơi mà bản thân của 10 năm trước còn chưa từng nghe tới. Dù nước mắt đã từng rơi không ít, nhưng cuối cùng em đã được đi trên con đường mà mình ước mơ", Nhất nói.
Sau tất cả, nam sinh này muốn truyền một thông điệp: Dù khởi đầu của bạn ra sao, hãy vạch ra đường đi, kiên trì bước đi, rồi có ngày nhất định bạn sẽ tới đích.
Hoặc