Vào mùa hè nóng nực, chẳng ai lại không muốn ở trong không gian mát lạnh của điều hòa dù đang làm bất cứ việc gì. Cũng từ suy nghĩ này mà 3 người phụ nữ trong độ tuổi 30 ở Thái Châu, Chiết Giang, Trung Quốc suýt mất mạng do ngộ độc carbon monoxide (CO).
Tai nạn xảy ra khi cả ba quyết định nướng cá bằng than củi trong phòng kín, cửa ra vào và cửa sổ đều đóng chặt, điều hòa thì bật liên tục. Họ cho rằng như vậy vừa mát mẻ lại không lo bí bách vì bản thân điều hòa đã lọc không khí liên tục rồi.

Ảnh minh họa
Ban đầu, mọi thứ diễn ra bình thường và vui vẻ. Nhưng gần 4 tiếng sau, cả 3 lần lượt rơi vào trạng thái hôn mê. May mắn là người nhà phát hiện ra sự việc trong gang tấc và lập tức đưa họ đi cấp cứu.
Tại bệnh viện, các bác sĩ cũng phải sốc khi kiểm tra thấy nồng độ carboxyhemoglobin (chỉ số đo lượng khí carbon monoxide trong máu) ở cả 3 đều vượt xa giới hạn bình thường, trên 35%. Một trong số đó lên đến 39,4% trong khi mức an toàn phải dưới 3%. Trong khi bác sĩ cấp cứu cho biết: “Chỉ cần chậm trễ điều trị ngộ độc CO dù chỉ 1 phút, đã có thể khiến khoảng 100.000 tế bào não bị chết vĩnh viễn”.
Sau 2 lần điều trị bằng oxy cao áp, chỉ số trong máu của họ mới trở lại bình thường, qua được cửa tử. Tuy nhiên vẫn cần nằm viện tiếp tục theo dõi, điều trị bổ sung. Những di chứng sau lần ngộ độc này tới sức khỏe cũng được bác sĩ cảnh báo là “khó tránh khỏi”.
Bác sĩ nhắc nhở: Cảnh giác với loại khí vô hình, giết người trong âm thầm
Theo Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe Hồng Kông (Trung Quốc), khí carbon monoxide là một loại khí không màu, không mùi, không vị và hoàn toàn không thể phát hiện bằng giác quan. Nó sinh ra trong quá trình đốt cháy không hoàn toàn các nhiên liệu chứa carbon như than, gas, củi...
Khi hít phải, CO đi vào phổi, kết hợp với hemoglobin trong máu để tạo thành carboxyhemoglobin - chất này chiếm chỗ của oxy trong hồng cầu, khiến tế bào không thể hấp thụ oxy để tạo năng lượng. Hậu quả là thiếu oxy nghiêm trọng ở các cơ quan trọng yếu như não, tim.

Ảnh NV do BV cung cấp
Người tiếp xúc với nồng độ thấp có thể cảm thấy chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, mệt mỏi. Đây đều là những triệu chứng dễ bị nhầm lẫn với say nắng hoặc tụt huyết áp. Nhưng nếu tiếp xúc lâu với nồng độ cao, tình trạng có thể chuyển biến nghiêm trọng: rối loạn ý thức, mất khả năng phối hợp, co giật, hôn mê sâu, tổn thương não không hồi phục hoặc tử vong. Ngay cả khi CO chỉ chiếm 0,4% trong không khí, nó vẫn có thể khiến con người bất tỉnh và tử vong trong vài phút nếu tiếp xúc liên tục.
Nói về trường hợp của 3 người phụ nữ trên, một bác sĩ độc chất lâm sàng thuộc Bệnh viện Nhân dân số 2 Lâm Hải (Trung Quốc) cảnh báo: “Những trường hợp ngộ độc do ăn uống đồ nướng, đốt than/củi để sưởi ấm trong phòng kín không hề hiếm. Dù liên tục được cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng không năm nào là không có.
Giống như 3 người phụ nữ ở Thái Châu,nhiều người lầm tưởng rằng bật điều hòa nghĩa là không khí vẫn được lưu thông. Nhưng thực tế, điều hòa chỉ làm mát không khí chứ không trao đổi khí với bên ngoài. Khi các khí độc như CO tích tụ dần trong phòng kín, người trong phòng hít phải sẽ bị đầu độc từ từ mà không hề hay biết”.
4 tình huống dễ xảy ra ngộ độc khí CO mà ai cũng cần cảnh giác
Thông qua câu chuyện đau lòng của 3 người phụ nữ trên, Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe Hồng Kông cũng một lần nữa đưa ra cảnh báo về 4 địa điểm và tình huống phổ biến dễ gây ra ngộ độc CO:
- Đốt than/củi trong nhà hoặc trong không gian kín: Đặc biệt nguy hiểm khi bật điều hòa hoặc máy sưởi trong lúc đốt than như trường hợp trên.

Ảnh minh họa
- Sử dụng bình nước nóng hoặc bếp gas mà không có hệ thống thông gió tốt.
- Chạy xe máy, xe ô tô trong gara đóng kín.
- Sử dụng máy phát điện hoặc lò sưởi gas trong nhà trong mùa lạnh.
Đồng thời, cần nhớ 3 bước sơ cứu "vàng" khi phát hiện có người nghi ngờ bị ngộ độc CO là:
- Nhanh chóng mở toàn bộ cửa sổ, cửa ra vào để thoáng khí.
- Di chuyển nạn nhân ra khỏi nơi có khí độc đến nơi thoáng đãng.
- Gọi cấp cứu ngay lập tức và không tự điều trị tại nhà.
Ngoài ra, sau khi được cứu sống, người bệnh vẫn cần theo dõi thần kinh vì ngộ độc CO có thể gây di chứng muộn như rối loạn trí nhớ, thay đổi tâm trạng, giảm trí tuệ.
Nguồn và ảnh: HK01, China News
Hoặc