Tình cờ phát hiện loài vật mới ở Việt Nam
Theo Science Daily, cuối năm 2022, các nhà khoa học Việt Nam đã vô tình phát hiện một loài vật khổng lồ từng nằm ngoài bản đồ khoa học khi mua mẫu vật tại chợ hải sản ở Gia Lai (Quy Nhơn, Bình Định cũ). Những sinh vật có hình thù lạ kỳ này được bán như một loại "bọ biển ăn được", thường được người dân địa phương hấp hoặc nướng như một món đặc sản.
Không ngờ, khi gửi mẫu vật đến Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Lee Kong Chian (Singapore), các chuyên gia tại đây phát hiện rằng chúng không khớp với bất kỳ loài nào từng được mô tả trước đó. Nhóm nghiên cứu do giáo sư Peter Ng dẫn đầu đã cùng các cộng sự mô tả và đặt tên cho loài này là Bathynomus vaderi lấy cảm hứng từ chiếc mũ của nhân vật Darth Vader trong loạt phim Star Wars vì ngoại hình quá giống nhau.

Các nhà khoa học Việt Nam đã vô tình phát hiện một loài vật khổng lồ từng nằm ngoài bản đồ khoa học khi mua mẫu vật tại chợ hải sản ở Gia Lai. (Ảnh: X)
Cũng theo ScienceDaily, Bathynomus vaderi được công bố chính thức trên tạp chí khoa học ZooKeys vào tháng 1/2025 với tư cách một loài hoàn toàn mới của nhóm bọ biển khổng lồ (supergiant isopod) sống ở vùng biển sâu Việt Nam.
Đặc điểm hình thái và kích thước của loài vật mới
Thông tin đăng tải trên Live Science cho hay, Bathynomus vaderi thuộc nhóm bọ biển khổng lồ, kích thước dài tối đa 32,5 cm (12,8 in) và cân nặng hơn 1 kg (2,2 lb), đặt nó vào hàng lớn nhất thế giới. Chúng có 14 chân, phần đầu phẳng, thuôn nhọn, hai mắt lồi giống kính hồng ngoại, cùng bộ vỏ cứng như giáp sắt tạo nên diện mạo đáng sợ hệt như bước ra từ thế giới khác.
Chúng khác với các loài đã biết trước đó như Bathynomus jamesi, loài mà các nhà nghiên cứu đã sử dụng để so sánh trong bài báo của họ. Những điểm khác biệt gồm các vạt 'đuôi' của Bathynomus vaderi không giống như ở Bathynomus jamesi. Các cạnh của phần cuối của Bathynomus vaderi cũng có nhiều gai hơn với các sợi lông cứng giữa các gai lớn hơn.

So sánh sự khác nhau giữa bọ biển Bathynomus vaderi và Bathynomus jamesi. (Ảnh: Sciene Daily)
Hiện Bathynomus vaderi mới chỉ được tìm thấy gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhưng các nhà khoa học dự đoán loài này có thể phân bố rộng hơn trong vùng Biển Đông.
Các cá thể của loài chỉ được thu thập qua hoạt động đánh bắt sâu của tàu kéo, vị trí cụ thể chưa xác định chính xác do môi giới mua bán chợ hải sản không ghi rõ tọa độ. Các nhà nghiên cứu cho rằng loài này có thể phân bố rộng hơn trong Biển Đông, nhưng cần khảo sát thêm để xác minh.
Đặc biệt, loài này sống ở độ sâu hàng trăm mét dưới đáy biển Đông, nơi thiếu ánh sáng, nhiệt độ lạnh và áp suất cực cao. Do đó, cấu trúc sinh học của nó cực kỳ thích nghi với môi trường khắc nghiệt và gần như không có kẻ thù tự nhiên.

Loài vật này sống ở độ sâu hàng trăm mét dưới đáy biển Đông, nơi thiếu ánh sáng, nhiệt độ lạnh và áp suất cực cao. (Ảnh: BBC)
Hiện tại, mới chỉ có 11 loài bọ biển siêu khổng lồ và 9 loài khổng lồ được ghi nhận. Bathynomus vaderi là bọ biển khổng lồ thứ hai được phát hiện tại Biển Đông.
Bathynomus vaderi là loài ăn xác thối, giống các loài Bathynomus khác, săn các loài đã chết trên đáy biển như cá, mực, động vật thân mềm, thậm chí xác cá voi hoặc động vật biển lớn khác. "Loài vật này giống như 'máy hút bụi' sinh học ở đáy biển. Chúng chuyên ăn xác chết, dọn dẹp hệ sinh thái sâu một cách thầm lặng," – giáo sư Peter Ng nhận định trên LiveScience.
Chúng có khả năng tồn tại lâu dài trong môi trường thiếu thức ăn, hiện đã có những báo cáo về loài bọ biển sống đến hơn 5 năm mà không ăn trong điều kiện nuôi nhốt.

Hiện tại, mới chỉ có 11 loài bọ biển siêu khổng lồ và 9 loài khổng lồ được ghi nhận. (Ảnh: X)
Trong bài phân tích của Mongabay, các chuyên gia cho rằng "Giống như ong trong hệ sinh thái trên cạn, loài này là mắc xích không thể thiếu ở đại dương sâu". Điều này có nghĩa là nguy hiểm lớn nhất của Bathynomus vaderi nằm ở khả năng làm mất cân bằng sinh thái nếu bị khai thác cạn kiệt. Với vai trò dọn rác sinh học ở tầng đáy, loài này giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn phân hủy, hạn chế lây lan dịch bệnh giữa các loài cá và động vật biển sâu khác. Nếu biến mất, hệ sinh thái biển sâu Việt Nam sẽ phải đối mặt với hệ quả nghiêm trọng, khó phục hồi.
Nguồn gốc xa xôi và bí ẩn chưa có lời giải
Bathynomus vaderi là một trong số rất ít loài bọ biển khổng lồ được phát hiện tại khu vực Đông Nam Á, và hiện chỉ được ghi nhận tại vùng biển Việt Nam, chưa từng thấy ở Trung Quốc, Philippines hay Indonesia hay những quốc gia liền kề.

Bathynomus vaderi là một trong số rất ít loài bọ biển khổng lồ được phát hiện tại khu vực Đông Nam Á. (Ảnh: Live Science)
Nguồn gốc tiến hóa của chúng vẫn là một bí ẩn. Một số giả thuyết cho rằng chúng có thể đã tồn tại từ thời kỳ cổ đại, trôi dạt theo các dòng hải lưu từ vùng Ấn Độ Dương hoặc thậm chí là di tích sinh học còn sót lại từ kỷ Phấn trắng.
Từ quái vật đáy biển thành đặc sản trên bàn ăn
Trước năm 2017, các loài bọ biển tại Việt Nam chỉ là đánh bắt vô tình, được bán với giá cực thấp chỉ vài chục ngàn đồng cho 1kg. Nhưng kể từ khi báo chí và truyền thông làm rộ lên hình ảnh lạ lẫm, thịt ngon như tôm hùm, chúng trở thành đặc sản đắt hàng, được bán sống trong bể lạnh, giao hàng online đến các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng.

Các loài bọ biển ở Việt Nam hiện nay đang trở thành đặc sản đắt hàng, được bán sống trong bể lạnh. (Ảnh:Youtube)
Theo Phys, giá bọ biển bắt đầu tăng lên đến khoảng 2 triệu đồng/kg (~ 80 USD) năm 2017, sau đó giảm nhẹ theo thời gian đến khoảng 1–1,5 triệu đồng/kg (40–60 USD) vào năm 2023; tới giữa năm 2024, mặt hàng phổ biến đến kỳ giảm chỉ còn khoảng 0,68 triệu đồng/kg (~ 27 USD) cho cá thể nặng 0,6–0,9 kg, tuy nhiên loài nặng hơn vẫn bán giá cao hơn do khan hiếm và kích thước lớn ấn tượng.
Ý nghĩa khoa học và bảo tồn
Việc phát hiện một loài bọ biển khổng lồ đã tồn tại từ lâu giữa các hộ dân và chợ cá mà chỉ mới được khoa học xác minh đến năm 2025 cho thấy chúng ta vẫn hiểu rất ít về thế giới đại dương sâu, đặc biệt là tại khu vực Đông Nam Á.

Bathynomus vaderi là một minh chứng sống động cho thấy loài vật mới có thể tồn tại ngay cạnh chúng ta mà vẫn chưa được ghi nhận chính thức. (Ảnh: X)
Tác động của hoạt động đánh bắt thương mại lên quần thể bọ biển mới này hiện chưa rõ, và cần nghiên cứu để định hướng bảo vệ và khai thác bền vững. Do tốc độ sinh sản chậm, bọ biển dễ bị khai thác quá mức, và các nhà khoa học lo ngại về việc chúng có thể bị tuyệt chủng nếu trở thành món ăn quá phổ biến.
Bathynomus vaderi là một minh chứng sống động cho thấy loài vật mới có thể tồn tại ngay cạnh chúng ta mà vẫn chưa được ghi nhận chính thức. Khi con người ngày càng đẩy mạnh các hoạt động như đánh bắt hải sản, khai thác dầu mỏ và khoáng sản tại khu vực này, việc nghiên cứu sâu hơn về hệ sinh thái biển sâu trở thành nhiệm vụ cấp bách. Công bố trong ZooKeys năm 2025 là khởi đầu, và hy vọng sẽ thúc đẩy nhiều nghiên cứu sâu hơn về biển sâu Việt Nam.
Hoặc