Bé trai 11 tuổi méo miệng do liệt dây thần kinh số VII, bác sĩ cảnh báo nguyên nhân thường gặp

Admin

16/07/2025 12:30

Đây là trường hợp nhỏ tuổi nhất mà BS CKI Phạm Hồng Ngọc, bác sĩ Khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc Phúc Trường Minh từng gặp.

Theo đó, bé trai 11 tuổi đi khám vì méo miệng do liệt dây thần kinh số VII là bệnh nhân nhỏ tuổi nhất mà BS Phạm Hồng Ngọc từng gặp, và đây cũng là trường hợp may mắn khi bệnh nhi đến khám sớm tiên lượng hồi phục tốt. Sau 3 tháng điều trị tích cực từ phía bác sĩ và đặc biệt là gia đình bệnh nhi, bé hồi phục tốt, thậm chí sau khi điều trị không ai nhận ra bé từng bị liệt dây thần kinh số VII nếu như bé không cười thật tươi. "Đó là điều vô cùng hạnh phúc với tôi và với bé, nó giúp bé tự tin hơn và không bị mặc cảm khi giao tiếp với mọi người", BS chia sẻ.

Bé trai 11 tuổi méo miệng do liệt dây thần kinh số VII, bác sĩ cảnh báo nguyên nhân thường gặp- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Được biết, liệt dây thần kinh số VII gồm hai dạng: Liệt VII trung ương và liệt VII ngoại biên. Liệt VII ngoại biên hay còn gọi liệt mặt liệt Bell là hiện tượng mất hoặc giảm vận động nửa mặt của những cơ bám da ở mặt do dây thần kinh VII chi phối, liệt VII ngoại biên khi có tổn thương từ nhân dây VII trở ra, thường do các nguyên nhân:

1. Bệnh lý

- Tổn thương cầu não: u thần kinh đệm, u lao, di căn ung thư, đột quỵ vùng cầu não, xơ cứng rải rác, hội chứng Millard - Gubler, hội chứng Foville cầu não dưới.

- Tổn thương góc cầu tiểu não: u góc cầu tiểu não (u dây VIII, u màng não), viêm màng nhện vùng góc cầu tiểu não.

- Tổn thương màng não: viêm màng não do vi khuẩn, virus, lao màng não.

- Tổn thương ở nền sọ: u di căn ở nền sọ, chấn thương vỡ nền sọ.

- Tổn thương trong xương đá: zona hạch gối, viêm tai xương chũm, u trong xương đá (hiếm).

- Tổn thương dây VII ngoài sọ: u ở tuyến mang tai, bệnh hủi, uốn ván, hội chứng Guillain - Barré (69% trường hợp liệt mặt hai bên), viêm nhiều dây thần kinh sọ não, đái tháo đường, liệt VII ngoại biên liên quan đến thai nghén (xuất hiện khi thai trên 6 tháng).

2. Chấn thương sọ não: vỡ xương đá, ổ máu tụ ở hòm nhĩ.

3. Liệt mặt ngoại biên nguyên phát (liệt Bell)

- Do virus: Herpes simplex virus là nguyên nhân thường gặp nhất, ngoài ra có thể do các virus khác như: herpes zoster, cytomegalovirus, Epstein-Barr, adenovirus, rubella virus, quai bị, cúm B, coxsackievirus.

- Do lạnh: Thường do mạch nuôi của dây thần kinh bị co thắt gây ra thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh trong cống Fallop.

Bé trai 11 tuổi méo miệng do liệt dây thần kinh số VII, bác sĩ cảnh báo nguyên nhân thường gặp- Ảnh 2.

BS CKI Phạm Hồng Ngọc, bác sĩ Khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc Phúc Trường Minh

Theo BS Phạm Hồng Ngọc, hiện tại chưa có thống kê hay nghiên cứu chỉ ra cơ chế, cũng như nguyên nhân gây liệt VII ngoại biên vào mùa nắng nóng. "Trên thực tế thăm khám và điều trị bệnh nhân liệt VII ngoại biên chúng tôi nhận thấy rằng hầu hết bệnh nhân liệt VII có thể liên quan đến zona thần kinh, đái tháo đường, viêm đa dây thần kinh, cũng có một số trường hợp khi khai thác tiền sử bệnh xuất hiện sau khi bệnh nhân ngủ điều hòa lạnh, uống rượu bia sau đó ngủ say hoặc đi làm muộn về đêm".

Khi liệt Bell điều quan trọng là cần được thăm khám và điều trị sớm do đó mọi người nên đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ chẩn đoán, đánh giá mức độ và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Để phòng tránh tổn thương dây thần kinh số VII, BS khuyên mỗi người nên chủ động thực hiện những biện pháp sau:

1. Giữ ấm cơ thể đặc biệt là vùng mặt

- Tránh để gió lùa vào mặt khi ngủ đặc biệt là khi có quạt hay máy lạnh.

- Khi ra ngoài trời lạnh hoặc có gió nên đeo khẩu trang, choàng khăn, đội mũ kín tai.

2. Tăng cường hệ miễn dịch

- Ăn uống đủ chất, bổ sung rau xanh, trái cây chứa vitamin C.

- Nghỉ ngơi hợp lý ngủ đủ giấc.

- Tập thể dục đều đặn để nâng cao sức khỏe.

- Tránh stress căng thẳng kéo dài.

3. Phòng tránh nhiễm trùng đặc biệt là nhiễm virus Herpes

- Giữ vệ sinh mũi họng tốt.

- Nếu bị cảm lạnh, cúm viêm tai, viêm xoang cần điều trị dứt điểm.

4. Tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột

- Không rửa mặt bằng nước lạnh ngay sau khi ra mồ hôi hoặc mới vận động mạnh.

- Tránh vào phòng lạnh đột ngột ngay sau khi ở ngoài trời nắng.

5. Nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị bệnh lý nền nếu có.

6. Đi khám sớm khi có dấu hiệu cảnh báo

- Tê hoặc giật nhẹ vùng mặt.

- Đau tai hoặc vùng sau tai.

- Cảm giác yếu hoặc méo miệng khi cười.