Bị nợ 3 tháng lương, đoạn tin nhắn xin nghỉ việc khiến dân mạng phải thốt lên: “Hiếm có ai tử tế được vậy”

Admin

03/04/2025 08:14

Không phải ai trong hoàn cảnh đi làm “3 tháng không công” cũng làm được như bà mẹ trong câu chuyện này.

Đi làm để kiếm tiền trang trải cuộc sống mà mấy tháng trời không được trả lương, quyết định cuối cùng là nghỉ việc - điều này chẳng có gì lạ nữa. Bà mẹ trong câu chuyện dưới đây cũng không may rơi vào tình cảnh ấy.

Tuy nhiên cách hành xử, cách cô nói về số tiền lẽ ra mình phải được nhận, lại khiến tất cả phải nể phục, ngợi khen. Không bóc phốt, không chê trách, ngược lại vẫn còn biết ơn vô cùng.

Công ty nợ 3 tháng lương, còn cho sếp vay thêm tiền

Trong bài tâm sự của mình, cô viết: "Cả nhà ơi, đợt suy thoái kinh tế này có ảnh hưởng đến công ty của mọi người không?

Mình gắn bó với công ty 7 năm rồi, sếp rất tốt nhưng đợt này công ty đã nợ lương 3 tháng, chị sếp còn vay riêng của mình 1 chút, tổng nợ hơn 70 triệu. Mình muốn buông xuôi và nghỉ việc rồi, không muốn đòi sếp, vì mình biết chị đấy cũng chẳng có, đã cố gắng gồng gánh công ty rất nhiều.

Mình là mẹ đơn thân, hơn chục năm đi làm chỉ tiết kiệm được gần 200 triệu, mình tính về quê mở shop quần áo bán tiện trông 2 bé nhà mình được không cả nhà?

Mình cũng muốn xin kinh nghiệm mọi người đã vượt qua giai đoạn khó khăn này thế nào vậy ạ? Vì mình chỉ làm lễ tân của công ty, đã rất lâu chưa đi xin việc lại ở đâu…".

Bị nợ 3 tháng lương, đoạn tin nhắn xin nghỉ việc khiến dân mạng phải thốt lên: “Hiếm có ai tử tế được vậy”- Ảnh 1.

Đoạn tin nhắn của cô với sếp trước khi nghỉ việc khiến tất cả phải nể

Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho bà mẹ này. Cô không những không trách móc sếp và công ty, ngược lại, còn dành cho nơi mình từng gắn bó những lời chúc, lời biết ơn.

Đúng là chẳng phải ai trong tình cảnh bị nợ lương nên nghỉ việc cũng làm được thế này!

"Lần đầu em thấy sếp nợ lương mà nhân viên cho sếp vay thêm tiền. Chị tử tế quá. Chúc chị sớm tìm được hướng đi tốt hơn" - Một người cảm thán.

"Tiết kiệm được 200 triệu mà sếp nợ 70 triệu thì phải cố mà đòi chị ạ, em tưởng 700k thì còn thư thư được" - Một người khác khuyên.

"Thời điểm hiện tại mình nghĩ đi làm thuê vẫn là lựa chọn an toàn và tốt nhất, chứ kinh doanh mà không có kinh nghiệm, may thì ổn được vài tháng, còn không thì có khi mất sạch. Nhưng rút kinh nghiệm bạn ạ, chọn chỗ nào không nợ lương ấy" - Một người khác chia sẻ.

Những điều cần lưu ý để chọn được công ty uy tín, không nợ lương nhân viên

Hành trình tìm kiếm một công việc lý tưởng đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn trọng.

Bị nợ 3 tháng lương, đoạn tin nhắn xin nghỉ việc khiến dân mạng phải thốt lên: “Hiếm có ai tử tế được vậy”- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Bước đầu tiên, bạn cần nghiên cứu kỹ lưỡng về công ty đang có dự định ứng tuyển, không chỉ dừng lại ở việc đọc thông tin trên website chính thức, mà còn cần tìm hiểu sâu hơn qua MXH, các cộng đồng tâm sự chia sẻ kinh nghiệm tìm việc làm. Cần đặc biệt chú ý đến những dấu hiệu cảnh báo tiềm ẩn, như tần suất tuyển dụng liên tục cho 1 vị trí, sự thiếu minh bạch trong thông tin công ty, hoặc những phản hồi tiêu cực lặp đi lặp lại từ nhân viên cũ. Những dấu hiệu này có thể là cảnh báo về một môi trường làm việc không ổn định hoặc có vấn đề về quản lý.

Tiếp theo, việc đánh giá môi trường làm việc một cách trực tiếp là vô cùng quan trọng. Nếu có cơ hội, hãy đến thăm văn phòng công ty để quan sát không gian làm việc, sự tương tác giữa các đồng nghiệp và thái độ của nhân viên. Trong buổi phỏng vấn, đừng ngần ngại đặt những câu hỏi sâu sắc về văn hóa công ty, cơ hội phát triển nghề nghiệp, quy trình làm việc và đặc biệt là quy trình trả lương. Hãy tìm hiểu về cách công ty đánh giá hiệu suất làm việc, cơ hội đào tạo và phát triển kỹ năng, cũng như cách họ giải quyết các vấn đề phát sinh trong môi trường làm việc.

Để bảo vệ quyền lợi của mình, hãy đảm bảo rằng hợp đồng lao động được soạn thảo một cách rõ ràng và chi tiết. Đọc kỹ từng điều khoản về mức lương, thời gian làm việc, chế độ phúc lợi, các khoản phụ cấp, bảo hiểm và đặc biệt là các điều khoản liên quan đến chấm dứt hợp đồng. Hãy lưu giữ tất cả các giấy tờ liên quan, như hợp đồng lao động, bảng lương và các giấy tờ xác nhận thanh toán, để làm bằng chứng trong trường hợp xảy ra tranh chấp.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tham khảo ý kiến từ những người có kinh nghiệm trong ngành. Họ có thể chia sẻ những thông tin quý báu về văn hóa công ty, môi trường làm việc và cả những rủi ro tiềm ẩn. Hãy tận dụng mạng lưới quan hệ của mình để tìm kiếm những người có kinh nghiệm và sẵn lòng chia sẻ.

Cuối cùng, hãy đặc biệt chú ý đến các điều khoản trong hợp đồng liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng lao động. Điều này sẽ giúp bạn hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình trong trường hợp xảy ra tranh chấp hoặc khi bạn quyết định rời công ty. Hãy đảm bảo rằng bạn hiểu rõ quy trình chấm dứt hợp đồng, các khoản bồi thường (nếu có) và các điều khoản bảo mật thông tin.