Bình Dương sẽ có tuyến đường sắt đi qua khu công nghiệp, tổng mức đầu tư 60.000 tỉ đồng

Admin

02/05/2025 00:11

Tuyến đường sắt Dĩ An - Bàu Bàng xuất phát từ ga An Bình, TP Dĩ An, đi về phía Tây Khu Công nghiệp VSIP II và điểm cuối là ga Bàu Bàng.

Bình Dương dự kiến đưa vào khai thác tuyến đường sắt Dĩ An - Bàu Bàng vào năm 2033. Theo đơn vị tư vấn báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tuyến đường sắt có quy mô tuyến với điểm đầu tuyến là ga An Bình (phường Dĩ An, TP Dĩ An), điểm cuối tuyến là ga Bàu Bàng (thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng).

Chiều dài toàn tuyến đường sắt khoảng 52,25 km, bố trí 10 ga; quy hoạch tuyến đường đôi khổ 1.435mm. Loại hình đường sắt vận chuyển hành khách và hàng hóa. Tuyến đường sắt đi qua địa bàn 5 thành phố: Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên, Thủ Dầu Một, Bến Cát và huyện Bàu Bàng.

Bình Dương sẽ có tuyến đường sắt đi qua khu công nghiệp, tổng mức đầu tư 60.000 tỉ đồng- Ảnh 1.

Đường sắt Dĩ An- Bàu Bàng sẽ đi qua Khu Công nghiệp VSIP II, TP Thủ Dầu Một

Về hướng tuyến, từ ga An Bình đi song song về bên trái đường Mỹ Phước - Tân Vạn, đến khu vực Bình Chuẩn, rẽ phải đi về phía Đông TP Thủ Dầu Một, sau đó đi về phía Tây Khu Công nghiệp VSIP II về ga Bàu Bàng.

Dự kiến, trên tuyến đường sắt này có nhiều cầu vượt, hầm chui đi qua. Tổng mức đầu tư dự kiến là khoảng 60.000 tỉ đồng; trong đó chi phí giải phóng mặt bằng chiếm trên 20.000 tỉ đồng, chi phí xây dựng khoảng 17.000 tỉ đồng, chi phí thiết bị 8.000 tỉ đồng, các chi phí còn lại khoảng 14.000 tỉ đồng.

Mới đây, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 1170/QĐ-UBND về quy chế phối hợp trong giải quyết, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính đối với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28-4-2025.

Nguyên tắc phối hợp giữa các cơ quan là thực hiện những thủ tục hành chính đảm bảo trình tự, thủ tục, đồng thời đơn giản hóa theo hướng chuyển từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, sớm đưa dòng vốn đầu tư bổ sung vào nền kinh tế.

Các cơ quan, đơn vị chủ động rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục thuộc trách nhiệm của mình, phấn đấu thực hiện mục tiêu rút ngắn từ 30% đến 50% tổng thời gian thực hiện thủ tục hành chính so với quy định hiện hành.