Bộ Tài chính: Địa phương được khai thác tài sản dôi dư sau sáp nhập

Admin

27/05/2025 12:30

Liên quan việc sắp xếp tài sản dôi dư sau sáp nhập, Bộ Tài chính cho biết phần còn lại sau sắp xếp các địa phương được kêu gọi đầu tư, làm dự án phù hợp với quy hoạch, định hướng.

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: MOF.

Đây là thông tin được Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo tại Hội nghị lấy ý kiến về các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và sắp xếp tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trong lĩnh vực tài chính.

Hướng tới phân cấp triệt để

Tại hội nghị, đại diện TP Hải Phòng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, có hướng thống nhất quan điểm khi bỏ cấp huyện thì những nhiệm vụ nào ở cấp huyện chuyển về cấp xã, nguyên tắc chung là nhiệm vụ nào cấp huyện đang thực hiện thì chuyển về cấp xã, nhiệm vụ nào xã không thực hiện được mới chuyển về cấp tỉnh. Đối với vấn đề thoái vốn, địa phương kiến nghị giao thẩm quyền cho địa phương thực hiện việc sắp xếp, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Trả lời ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng nêu quan điểm không có công thức chung nào về việc chuyển nhiệm vụ này lên tỉnh, nhiệm vụ kia về xã. Hơn nữa, cách thức thực hiện tại mỗi địa phương lại khác nhau. Tuy nhiên, có thể bám vào nguyên tắc “phân cấp triệt để xuống địa phương”, “địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm”.

Hai là theo tiêu chí nơi nào thực hiện dễ và hiệu quả hơn thì nơi đó sẽ thực hiện, “tỉnh làm tốt hơn thì để ở tỉnh, xã làm tốt hơn thì chuyển về xã”.

Tương tự với chuyện thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, quan điểm của Bộ Tài chính là thoái vốn hay không thoái vốn phải phụ thuộc tình hình thực tiễn.

Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu để tham mưu theo hướng có lĩnh vực, doanh nghiệp phải tiếp tục thoái vốn nhưng cũng có lĩnh vực, doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, tỷ suất sinh lời cao thì Nhà nước nghiên cứu, thậm chí điều chỉnh tăng vốn tại các doanh nghiệp này.

Một vấn đề nhiều địa phương quan tâm là phương án xử lý, quản lý tài sản công sau khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp để đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí.

Đại diện UBND Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành địa phương tham mưu ban hành sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, các Nghị định hướng dẫn thi hành. Đề nghị Bộ Tài chính xem xét, sắp xếp, điều chỉnh mô hình Kho bạc Nhà nước đồng bộ với địa phương sau sáp nhập để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình quản lý tài chính, ngân sách giữa các cơ quan tài chính, thuế, hải quan, kho bạc và chính quyền địa phương.

Đại diện UBND tỉnh Thái Nguyên cũng cho rằng tới đây nhu cầu điều chuyển tài sản dôi dư từ các địa phương sau sáp xếp, sáp nhập sẽ rất lớn. Đề nghị Bộ Tài chính quan tâm vấn đề này.

tai san doi du anh 1

Toàn cảnh Hội nghị lấy ý kiến về các văn bản quy phạm pháp luật diễn ra chiều 26/5. Ảnh: MOF.

Liên quan đến nội dung trên, Bộ trưởng Thắng đồng tình cho rằng vấn đề chuyển giao quản lý tài sản công khi sáp nhập bỏ cấp trung gian, việc sử dụng tài sản công thế nào cho hiệu quả là vấn đề quan trọng.

Về sắp xếp tài sản dôi dư sau sắp xếp, sáp nhập, Bộ Tài chính đã tham mưu báo cáo Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị, ưu tiên sắp xếp cho một số ngành lĩnh vực (y tế, giáo dục, xây dựng, công trình công cộng như cây xanh…), phần còn lại sau sắp xếp, cho phép các địa phương thực hiện kêu gọi đầu tư, triển khai dự án phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu và có hướng dẫn nếu phát sinh vướng mắc từ các địa phương… Cũng theo Bộ trưởng, khi thực thực hiện sáp nhập tỉnh thì hệ thống kho bạc, thuế, hải quan sẽ đều có sự điều chỉnh phù hợp với địa giới hành chính của các địa phương.

“Một mũi tên, trúng hai đích”

Sau khi nghe báo cáo và trao đổi, kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng giao các đơn vị thuộc Bộ Tài chính chủ trì xây dựng các văn bản nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa để hoàn thiện dự thảo Nghị định, gửi xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để trình Chính phủ ký ban hành theo đúng tiến độ được giao.

Để đảm bảo kịp trình Chính phủ trước ngày 30/5, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ phối hợp trong công tác thẩm định, cho ý kiến, xin ý kiến Thành viên Chính phủ để Bộ có cơ sở tiếp thu, hoàn thiện trình Chính phủ ký ban hành.

Dự kiến tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025), Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, trình Chính phủ để trình Quốc hội một số dự án luật để tiếp tục thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025, cũng như chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ.

Bộ Tài chính đề nghị các lãnh đạo, địa phương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung tổng kết, đánh giá thi hành và đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung gửi Bộ Tài chính để báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành, hoàn thành mục tiêu trong năm 2025 cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những điểm nghẽn do quy định pháp luật; bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của các cơ quan sau sắp xếp tổ chức bộ máy, tháo gỡ vướng mắc phát sinh từ thực tiễn.

Trước đó, thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với sắp xếp tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 155 về nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính từ nay đến ngày 30/6.

Thực hiện chỉ đạo, Bộ Tài chính đã tích cực xây dựng, sửa đổi, bổ sung các luật trong các lĩnh vực như đầu tư công, đấu thầu, thống kế, tài chính - ngân sách Nhà nước, quản lý giá, quản lý sử dụng tài sản công…

Bộ Tài chính đã chủ trì soạn thảo, trình Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV và khóa XV ban hành 10 Nghị quyết cho phép thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các địa phương, trong đó có 27 chính sách thực hiện phân cấp, phân quyền tại 10 tỉnh, thành phố.

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV cũng đã cho phép thể chế hóa 3 chính sách phân cấp, phân quyền để tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Di sản văn hóa.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.