'Chính phủ phải chịu trách nhiệm khi thi hành sớm 3 luật bất động sản'

02/07/2024 09:59

Phó chủ tịch Quốc hội yêu cầu Chính phủ cam kết và chịu trách nhiệm toàn diện về hiệu quả của việc thi hành sớm và điều khoản chuyển tiếp của các luật như trong tờ trình.

Phó chủ tịch Quốc hội yêu cầu không để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách trong việc thực thi 3 luật bất động sản. Ảnh: Quochoi.

Tại phiên họp cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ban hành các văn bản hướng dẫn để thi hành Luật từ ngày 1/8 theo đề xuất.

"Rà soát kỹ các điều khoản chuyển tiếp để bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi, không chồng chéo, mâu thuẫn trong nội tại của từng luật, giữa các luật và hệ thống pháp luật", Phó chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Đồng thời, ông nhấn mạnh Chính phủ cần cam kết và chịu trách nhiệm toàn diện trước Quốc hội và nhân dân về hiệu quả của việc điều chỉnh hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp của các luật như thuyết minh trong tờ trình của Chính phủ.

"Không tạo khoảng trống pháp luật, pháp lý hoặc để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách, hợp thức hóa các sai phạm, lợi ích nhóm. Không gây vướng mắc, ách tắc, khó khăn cho các địa phương, người dân, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển", Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu.

Bên cạnh đó, Phó chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu không tạo ra hiệu ứng pháp lý tiêu cực, ảnh hưởng đến quyền lợi của đối tượng chịu tác động, môi trường đầu tư kinh doanh, quyền và lợi ích của người dân và doanh nghiệp, tổ chức tín dụng.

Trước đó, hồi cuối tháng 5, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các Tổ chức tín dụng theo thẩm quyền và trách nhiệm đã được giao, hoàn thành trong tháng 6.

"Quá trình xây dựng, ban hành cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan để đảm bảo đồng bộ, thống nhất của các văn bản pháp luật", công điện nêu.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, Luật Nhà ở năm 2023 có nhiều nội dung mới mang tính đột phá quan trọng để góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển nhà ở.

Trong khi đó, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 sẽ tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương và thiết lập công cụ kiểm soát quản lý thị trường bất động sản.

Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 có hiệu lực sớm sẽ góp phần kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong việc phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản; hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển lành mạnh và bền vững thị trường bất động sản.