Chính thức từ hôm nay: Thêm nhóm đối tượng bắt buộc tham gia BHYT

Admin

01/07/2025 13:05

Từ ngày 1/7, khi Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) có hiệu lực, người tham gia bảo hiểm y tế cần lưu ý một số điều mới.

Mở rộng đối tượng tham gia BHYT bắt buộc

Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) bổ sung thêm một số đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc do ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ đóng.

Gồm: người từ đủ 75 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng; người từ đủ 70 đến dưới 75 tuổi thuộc hộ cận nghèo đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng; nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản; người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình.

Mục đích của quy định mới này là nhằm mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách bảo hiểm y tế, đặc biệt là người già và người có hoàn cảnh khó khăn. 

Bên cạnh đó, còn nhằm động viên, khích lệ và có chính sách thỏa đáng với đối tượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ở vùng sâu, vùng xa và những người trực tiếp bảo vệ an ninh, trật tự.

photo-1751343000004

Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) bổ sung thêm một số đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc do ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ đóng.

 

Thêm quyền lợi: Khám chữa bệnh BHYT không phân biệt địa giới

Theo quy định mới, người tham gia bảo hiểm y tế có thể đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại bất kỳ cơ sở y tế nào thuộc hệ thống bảo hiểm y tế trên toàn quốc, không bị giới hạn bởi địa giới hành chính. Điều này khác biệt so với quy định trước đây, khi người tham gia bảo hiểm y tế thường chỉ được đăng ký tại cơ sở y tế thuộc tuyến địa phương nơi cư trú hoặc nơi làm việc.

Bên cạnh đó, người tham gia bảo hiểm y tế được phép thay đổi cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu mỗi quý (nếu có nhu cầu), hạn thay đổi là trong 15 ngày đầu của mỗi quý.

Đặc biệt, đối với việc chuyển tuyến, Luật sửa đổi mở rộng quyền được khám chữa bệnh nội trú tại các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cấp cơ bản trên toàn quốc mà không cần giấy chuyển tuyến. Trước đây, người bệnh bắt buộc phải có giấy chuyển tuyến hợp lệ để đảm bảo quyền lợi bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh tại cơ sở không thuộc tuyến đăng ký ban đầu, gây nhiều bất tiện và hạn chế.

Hướng dẫn các cách tra cứu BHYT còn hạn không?

Tra cứu bảo hiểm y tế là việc tìm kiếm thông tin về quá trình tham gia, mức đóng và quyền lợi bảo hiểm y tế, thời hạn sử dụng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) của người tham gia. Tra cứu BHYT giúp người tham gia BHYT chủ động theo dõi, kiểm tra, ghi nhớ quyền lợi khám chữa bệnh BHYT của bản thân, đồng thời tránh tình trạng gian lận, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế (nếu có).

Các cách tra cứu bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội thông dụng nhất hiện nay bằng nhiều cách khác nhau, như sau:

Tra cứu BHYT bằng ứng dụng VNeID

Người dân có thể tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng ứng dụng VNeID như sau:

Bước 1: Đăng nhập vào ứng dụng VNeID.

Bước 2: Tại giao diện chính hãy chọn mục Thẻ BHYT (tìm trong Ví giấy tờ nếu không thấy xuất hiện trên giao diện chính).

Bước 3: Nhập passcode của ứng dụng. Tất cả thông tin của thẻ bảo hiểm y tế của sẽ có trong đây.

Chính thức từ hôm nay: Thêm nhóm đối tượng bắt buộc tham gia BHYT- Ảnh 2.

Tra cứu thông tin BHYT trên Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam

Bước 1: Truy cập vào địa chỉ website BHXH Việt Nam https://baohiemxahoi.gov.vn/ và Chọn chức năng "Tra cứu trực tuyến".

Bước 2: Chọn chức năng “Tra cứu giá trị sử dụng thẻ BHYT”

Chính thức từ hôm nay: Thêm nhóm đối tượng bắt buộc tham gia BHYT- Ảnh 3.

Bước 3: Nhập các thông tin gồm : mã số thẻ BHYT, ngày/tháng/năm sinh hoặc năm sinh, và họ tên đầy đủ. Sau đó chọn "Tôi không phải người máy" và chọn "Tra cứu".

Bước 4: Nhận kết quả tra cứu gồm 2 bảng gồm: Bảng thông báo thẻ hợp lệ, mã thẻ BHYT, thông tin cá nhân (họ tên, năm sinh, giới tính, nơi tham gia BHYT, nơi KCBBĐ) và thời hạn sử dụng của thẻ BHYT, thời điểm đủ 5 năm liên tục. Và bảng quyền lợi BHYT người dân sẽ biết được chi tiết về mức hưởng BHYT của mình khi đi khám bệnh, chữa bệnh.

(Tổng hợp)