Con gái làm phép tính "7×4=28" bị gạch sai, bố vò đầu bứt tai không hiểu tại sao, dân mạng thì cãi nhau ầm ầm

Admin

01/07/2025 16:33

Hóa ra toán tiểu học không đơn giản như chúng ta tưởng.

Nhiều người vẫn nghĩ toán tiểu học chỉ xoay quanh những phép cộng trừ nhân chia đơn giản, làm sao mà sai được? Nhưng thực tế không ít phụ huynh đã phải "quay xe" khi nhìn vào cách dạy và cách chấm điểm của con em mình ngày nay, bởi có đôi khi chỉ cần đổi thứ tự phép nhân cũng đủ khiến bài toán bị gạch đỏ.

Một ông bố ở Đài Loan (Trung Quốc) mới đây đã chia sẻ đề toán của con gái tiểu học lên Threads, kèm theo câu hỏi đầy bối rối: "Con tôi làm đúng mà vẫn bị cô sửa là sao?".

Con gái làm phép tính "7×4=28" bị gạch sai, bố vò đầu bứt tai không hiểu tại sao, dân mạng thì cãi nhau ầm ầm- Ảnh 1.

Bài toán bị gạch sai của con gái khiến ông bố vò đầu gãi tai

Theo đó, trong sách bài tập của cô bé tiểu học có một đề bài yêu cầu: "Trên sườn đồi có 7 con bò, 7 con bò có tổng cộng bao nhiêu cái chân?". Cô bé trả lời đúng kết quả: 28 cái chân, kèm phép tính: 7×4 = 28. Nhưng điều bất ngờ là cô giáo lại dùng bút đỏ khoanh vào công thức này và yêu cầu sửa lại thành 4×7 = 28.

Ông bố thấy con bị "gạch bài" dù đáp án đúng nên lên mạng hỏi ý kiến, lập tức tạo nên cuộc tranh luận sôi nổi. Không ít người đồng tình với giáo viên, cho rằng việc đổi thứ tự phép nhân không chỉ là hình thức mà còn liên quan đến tư duy logic:

- Đề hỏi bao nhiêu cái chân, tức là phải lấy số chân mỗi con bò (4) nhân với số lượng bò (7). Như vậy mới đúng logic là đơn vị chân × số lượng bò = tổng số chân.

- Phép nhân tuy giao hoán được nhưng ý nghĩa không giống nhau. 4×7 nhấn mạnh đơn vị là chân, còn 7×4 dễ khiến học sinh nhầm tưởng đơn vị là con bò.

Một số người còn chia sẻ mẹo để học sinh dễ nhớ:

- Cứ nhớ: cái nào cố định thì để trước. Mỗi con bò luôn có 4 chân nên 4 là đơn vị cố định, đặt lên đầu là ổn.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc bắt bẻ thứ tự phép nhân là không cần thiết, nhất là với học sinh nhỏ tuổi. Bởi phép nhân là giao hoán, 7×4 hay 4×7 đều ra 28 và cái chính là học sinh hiểu bản chất vấn đề.

Rõ ràng tranh cãi này không đơn thuần là chuyện một phép tính đúng sai mà còn phần nào phản ánh quan điểm dạy toán hiện đại, đó là không chỉ dạy tính nhanh mà còn dạy cách tư duy. Câu chuyện cũng khiến nhiều phụ huynh "mướt mồ hôi" nhận ra rằng dạy con học toán bây giờ, không dễ như ngày xưa.