Trả lời Báo Điện tử VTC News về kế hoạch livestream sắp tới, ông Thịnh nói: " Nếu bà con cần, tôi sẵn sàng livestream nữa ".
Ông thông tin thêm, việc ông livestream bán vải diễn ra ngày 29/6, trong khuôn khổ chương trình "Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn - Tự hào nông sản Việt". Dù ông Thịnh thừa nhận là chưa có kinh nghiệm livestream nhưng ngay trong lần đầu bán hàng trực tuyến, ông và đội ngũ hỗ trợ của mình đã bán được tới 54 tấn vải chỉ trong 6 tiếng.
Ông Phạm Văn Thịnh đã xuất hiện với phong thái mộc mạc, tay cầm chùm vải thiều Lục Ngạn, quảng bá về đặc sản của tỉnh, hướng dẫn người mua "chốt đơn". Phiên bán hàng này đã ngay lập tức đạt hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, hàng nghìn bình luận tích cực tràn ngập mạng xã hội, đơn hàng liên tiếp đổ về từ Hà Nội, TP.HCM, và cả từ Mỹ, Australia, Nhật Bản. Nhiều người dân bày tỏ sự xúc động, gọi điện cảm ơn và chia sẻ niềm vui khi thấy lãnh đạo "bước ra khỏi phòng họp, trực tiếp đứng về phía người dân".
"Đây là hành động tự phát nhưng xuất phát từ tinh thần đổi mới, sáng tạo trong hành động. Tôi tham gia livestream vì tin rằng điều này thực sự mang lại lợi ích cho người trồng vải. Tôi muốn cổ vũ bà con nông dân hãy tự kể câu chuyện về sản phẩm của mình, và khuyến khích các bạn trẻ mạnh dạn bước ra thị trường toàn cầu" , ông Thịnh chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Phạm Văn Thịnh trực tiếp xuất hiện trước máy quay, đóng vai trò người bán hàng, chỉ trong 6 tiếng đã chốt bán được 54 tấn vải thiều. (Ảnh: baobacninhtv.vn)
Theo Phó Chủ tịch Bắc Ninh, trước buổi lên sóng, ông chưa có thời gian học hỏi gì, chỉ lướt qua vài phiên bán hàng online và "mua thử một vài đơn" để quan sát: " Tôi không có kỹ năng bán hàng online, nhưng tôi tin vào trái vải Lục Ngạn và muốn lan tỏa niềm tin đó đến người tiêu dùng ", ông Thịnh nói thêm.
Với quan điểm "đôi khi chỉ một cuộc livestream là đủ để tạo ra thay đổi", ông Phạm Văn Thịnh kỳ vọng mô hình này sẽ lan tỏa, để lãnh đạo các địa phương khác cũng sẵn sàng cùng bà con chuyển đổi phương thức bán hàng.
"Khi lãnh đạo đồng hành, người tiêu dùng cũng có thể đặt niềm tin không chỉ vào chất lượng sản phẩm, mà cả vào sự tử tế của người bán", ông Thịnh chia sẻ.
Ông Thịnh cho biết đã dành nhiều năm theo dõi sự phát triển của thương mại điện tử và ấn tượng mạnh với mô hình làng Nghĩa Ô (Trung Quốc) - nơi nông dân có thể bán hàng triệu USD chỉ nhờ livestream, kết hợp AI để kể chuyện sản phẩm bằng nhiều ngôn ngữ.
Là người trực tiếp phụ trách lĩnh vực thương mại điện tử và tiêu thụ nông sản của tỉnh, ông bắt tay vào hành động. Tháng 5/2025, ông mời các chuyên gia công nghệ và các cá nhân có ảnh hưởng về đào tạo miễn phí cho nông dân Lục Ngạn - từ kỹ năng livestream, thiết kế bao bì, đến cách dựng cảnh quay chuyên nghiệp.
Tỉnh Bắc Ninh cũng đang triển khai chương trình tập huấn kỹ năng số cho nông dân, đồng thời thúc đẩy thành lập các đội bán hàng nông sản, câu lạc bộ KOL, KOC; phối hợp với doanh nghiệp logistics và công nghệ để bảo đảm đầu ra ổn định.
Sau thành công của phiên phát sóng đầu tiên, tỉnh tiếp tục xây dựng kế hoạch hỗ trợ toàn diện để đưa nông dân bước vào môi trường số: từ mở các khóa đào tạo kỹ năng, thành lập đội ngũ bán hàng trẻ, đến kết nối với các đơn vị logistics và công nghệ.
Đây là lần đầu tiên lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh trực tiếp tham gia bán hàng qua livestream, cho thấy sự chủ động, linh hoạt và cam kết mạnh mẽ của chính quyền địa phương trong việc đồng hành với nông dân đưa đặc sản vải thiều, niềm tự hào của nông sản Việt đến gần hơn với người tiêu dùng khắp mọi miền.
Hoặc