Mới đây, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Duy Anh, Trung tâm Ung bướu, Xạ trị và Y học hạt nhân Quốc tế, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, chia sẻ về trường hợp một bệnh nhân mắc ung thư phổi giai đoạn cuối kiên trì làm 1 điều giúp khối u thu nhỏ 50%.
Cụ thể, nam bệnh nhân đã kiên trì điều trị, tin tưởng và nghe theo phác đồ của bác sĩ.
Theo đó, bệnh nhân là một người đàn ông ngoài 60 tuổi, phát hiện ung thư phổi giai đoạn cuối vào khoảng một năm trước, khi tế bào ung thư đã lan lên não. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có đột biến gen EGFR – cho phép sử dụng thuốc nhắm trúng đích, được ví như “viên đạn thông minh” tấn công trực tiếp tế bào ung thư.
Bệnh nhân được điều trị kết hợp: xạ phẫu Gamma Knife cho tổn thương di căn não và uống thuốc đích thế hệ mới hàng ngày. Suốt gần một năm, bệnh nhân duy trì tình trạng ổn định. Tuy nhiên, đến đầu năm 2025, trong lần tái khám định kỳ, bác sĩ phát hiện các tổn thương mới ở não và khối u tại phổi phát triển nhanh chóng khiến bệnh nhân liệt nửa người trái.
Không chỉ sức khỏe sa sút, tinh thần cả gia đình cũng rơi vào khủng hoảng vì sau gần một năm điều trị, chi phí y tế đã trở thành gánh nặng lớn.
“Thuốc nhắm trúng đích và thuốc miễn dịch không còn hiệu quả. Xét nghiệm PD-L1 cho thấy khả năng đáp ứng với miễn dịch rất thấp. Bệnh nhân cũng không xuất hiện thêm đột biến gen nào khác để dùng thuốc đích mới. Trong khi đó, xạ trị toàn não có nguy cơ biến chứng vì trước đó đã xạ phẫu. Hóa trị thì ai cũng e ngại vì lo ngại tác dụng phụ”, bác sĩ Duy Anh kể lại.
Dẫu vậy, điều khiến các bác sĩ cảm động là tinh thần chiến đấu của bệnh nhân và niềm tin vững vàng từ gia đình. Bệnh nhân và gia đình quyết tâm điều trị và tin theo phác đồ của bác sĩ.
“Chúng tôi cùng ngồi xuống, cân nhắc mọi khả năng, cả về chuyên môn lẫn tài chính. Cuối cùng, chúng tôi chọn hóa trị – một phương án không quá tốn kém, có thể được bảo hiểm y tế hỗ trợ, và có bằng chứng khoa học rõ ràng”, bác sĩ Duy Anh chia sẻ.
Sau ba chu kỳ hóa trị (hơn 2 tháng), điều bất ngờ đã đến: Khối u tại phổi giảm kích thước đến 50%, nhiều tổn thương di căn ở não biến mất hoặc thu nhỏ đáng kể.

Khối u phổi nhỏ hơn một nửa sau ba chu kỳ hóa trị. (Ảnh: BSCC)
Kết quả điều trị này khiến cho cả bệnh nhân và bác sĩ đều “vỡ oà” hạnh phúc. Bệnh nhân bắt đầu cử động được tay chân bên trái, ăn ngủ tốt hơn, tinh thần cũng dần phấn chấn trở lại.
Lời nhắn nhủ tới các bệnh nhân ung thư
Câu chuyện của người bệnh là minh chứng cho niềm tin và nỗ lực không đầu hàng số phận. Bác sĩ Duy Anh nhắn gửi đến cộng đồng bệnh nhân ung thư: “Khi không còn điều kiện dùng thuốc đắt tiền, không có nghĩa là hết hy vọng. Khi tiên lượng xấu, vẫn có thể tìm ra hướng đi phù hợp. Điều quan trọng là bạn không bỏ cuộc và bác sĩ của bạn cũng không”.
“Hành trình điều trị ung thư không phải lúc nào cũng là một đường thẳng. Có lúc phải đi đường vòng, có lúc cần lùi lại để lấy đà. Nhưng nếu mỗi bước đi đều có niềm tin, tình yêu thương và sự đồng hành, thì đó không bao giờ là con đường cụt”, vị bác sĩ bày tỏ.
Theo bác sĩ Duy Anh, ung thư không phải là dấu chấm hết, mà có thể trở thành điểm khởi đầu cho một hành trình sống mạnh mẽ và có ý nghĩa hơn.
Hoặc